24/12/2024

Những thực phẩm không nên hâm bằng lò vi sóng kẻo rước bệnh

Những thực phẩm không nên hâm bằng lò vi sóng kẻo rước bệnh

Có những thực phẩm tưởng như ‘rất an toàn’, không gây nổ nhưng có thể chuyển hoá tạo ra các chất độc hại khi hâm nóng trong lò vi sóng.

 

Những thực phẩm không nên hâm bằng lò vi sóng kẻo rước bệnh - Ảnh 1.

Lò vi sóng là một trong những phát minh tuyệt vời nhất trong nhà bếp, nhưng các chị em nội trợ nên lưu ý nhiều thực phẩm không nên hâm nóng bằng thiết bị này – Ảnh: SHUTTERSTOCK

Cơm

Cơm nguội còn thừa chỉ nên nấu lại trong nồi điện hoặc chế biến thành cơm rang, tránh hâm lại bằng lò vi sóng.

Lý do nếu để ngoài nhiệt độ phòng, cơm nguội có thể phát triển vi khuẩn tạo bào tử – một loại ‘vỏ’ phát triển xung quanh vi khuẩn có hại và không phân hủy ngay cả ở nhiệt độ cao.

Hâm nóng cơm trong lò vi sóng không đủ để loại bỏ những chất độc này, dễ gây nôn mửa hoặc tiêu chảy khi ăn vào.

Rau cần tây

Cần tây là một thực phẩm lành mạnh, là nguyên liệu tuyệt vời cho nhiều món ăn như món xào, súp nhưng chỉ khi chúng ta ăn sống hoặc nấu chín một lần.

Cần tây chứa nhiều nitrat và hàm lượng chất này sẽ tăng cao rồi chuyển hóa thành nitrit độc hại và nitrosamine gây ung thư sau khi hâm nóng nhiều lần.

Một số loại rau củ quả khác chứa nhiều nitrat cũng không nên hâm nóng trong lò vi sóng: củ dền, rau bina, cải bó xôi…

Khoai tây và nấm

Khoai tây và nấm là những thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất phổ biến trong căn bếp của mỗi gia đình. Không ít người lưu trữ món khoai tây nghiền hoặc nấm ăn không hết trong tủ lạnh và đặt vào lò vi sóng hâm nóng nhanh cho lần ăn tiếp theo.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nếu như bảo quản không đúng cách thì nấm và khoai tây phát triển một loại vi khuẩn có tên là Clostridium botulinum – một loại độc tố thần kinh, có thể gây bệnh tiêu hóa, nặng hơn sẽ gây tê liệt các bó cơ thần kinh và là nguyên nhân gây tử vong đối với con người và nhiều động vật.

Vi khuẩn có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, như hầm nhừ hoặc nướng trong lò nướng, nhưng hâm nóng bằng lò vi sóng thì không phải lúc nào vi khuẩn này cũng bị loại bỏ.

Để tránh những rắc rối về dạ dày, hãy luôn bảo quản khoai tây còn thừa ở nhiệt độ lạnh và không ăn khi chưa được hâm nóng lại ở nhiệt độ trên 60°C.

Sữa mẹ

Nhiều bà mẹ thường đông lạnh và bảo quản sữa của họ để sử dụng sau này. Điều này rất tốt, miễn là không hâm nóng trong lò vi sóng.

Tương tự như việc làm nóng đĩa thức ăn không đều, hâm sữa trong lò vi sóng cũng có thể làm bình sữa mẹ nóng không đều, tạo ra “điểm nóng” và có thể gây bỏng nặng miệng và cổ họng của trẻ. Thậm chí còn gây nguy cơ bị ung thư khi đặt bình nhựa trong lò vi sóng.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo sữa mẹ và sữa công thức nên được rã đông và hâm nóng bằng cách đun cách thủy hoặc sử dụng máy hâm nóng riêng.

Những thực phẩm không nên hâm bằng lò vi sóng kẻo rước bệnh - Ảnh 2.

Sữa mẹ và sữa công thức nên được rã đông và hâm nóng bằng cách đun cách thủy hoặc sử dụng máy hâm nóng riêng – Ảnh: SHUTTERSTOCK

Nho

Một số người cho rằng đặt nho trong lò vi sóng thời gian dài ở nhiệt độ cao có thể tạo ra món nho khô, nhưng thực ra không thể. Trái lại, việc này còn khiến bên trong lò vi sóng xuất hiện plasma, một dạng vật chất được tạo ra khi khí bị ion hóa và cho phép dòng điện chạy qua.

Một thí nghiệm của Đại học New England (Úc) từng cho thấy plasma được tạo ra trong lò vi sóng chứa nho có thể đủ để làm xuyên thủng một hộp nhựa.

Những trái cây khác không tạo ra plasma nhưng cũng không thể thành trái cây khô được mà sẽ trở nên mềm nhũn, nát bét bên trong lò.

Ớt

Không ít người lầm tưởng đặt ớt vào lò vi sóng sẽ tạo thành món bột ớt khô, nhưng việc này sẽ khiến capsaicin – hóa chất tạo vị cay cho ớt – sẽ được giải phóng vào không khí. Ngay khi mở lò vi sóng, các chất này sẽ thoát ra và có thể làm bỏng mắt và cổ họng chúng ta.

MINH HẢI (Tổng hợp)
TTO