27/01/2025

Cảnh báo đột quỵ ở người trẻ do thời tiết lạnh

Cảnh báo đột quỵ ở người trẻ do thời tiết lạnh

Ngày 24.12, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết những ngày qua BV đã tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ nặng ở mức xuất huyết não, trong đó có những người trẻ, do thời tiết lạnh…
Một bệnh nhân được điều trị tích cực tại BV Đà Nẵng sau cơn đột quỵ cấp /// Ảnh: BVCC
Một bệnh nhân được điều trị tích cực tại BV Đà Nẵng sau cơn đột quỵ cấp ẢNH: BVCC
Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ (BV Đà Nẵng), cho biết thời tiết lạnh kéo dài, cơ thể chịu sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, vận động sai cách và thiếu khoa học, sử dụng chất kích thích, cơ thể có bệnh nền nhưng không được tầm soát, phát hiện và điều trị… chính những yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ, đặc biệt ở những người trẻ.

Đột quỵ ở nhóm tuổi 30-40

BV Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận một ca đột quỵ là bệnh nhân (BN) N.T.T.V (nữ, 34 tuổi, ngụ Đà Nẵng). Nguyên nhân chẩn đoán ban đầu là do thời tiết lạnh làm biến đổi trong cơ thể, gây những cơn tăng huyết áp, những cơn co mạch đột ngột dẫn đến đột quỵ khi co mạch đột ngột ở vị trí này sẽ dồn áp lực mạch máu lên vùng khác.
BN V. đột ngột bị liệt nửa người bên trái và được đưa vào cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, hôn mê dần, suy hô hấp phải thở máy.
Ngay khi phát hiện BN diễn tiến nặng, xuất huyết não, BV Đà Nẵng đã thực hiện phẫu thuật giải áp sọ não, xử trí phần xuất huyết. “Phát hiện xuất huyết não, ê kíp bác sĩ đã lập tức chuyển phẫu thuật lấy khối máu tụ để giảm áp lực sọ não, tránh kịp thời những tổn thương ở vùng khác. Sau thực hiện các biện pháp hỗ trợ chống phù não, giảm thiểu tối đa di chứng cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi đặc biệt…”, bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ (BV Đà Nẵng), cho biết.
Ngay trước đó, một BN khác là N.T (nam, 35 tuổi, lao động phổ thông tại Đà Nẵng) cũng đột quỵ, liệt nửa người, may mắn được cấp cứu trong thời gian vàng. BN T. có thói quen hút thuốc lá hơn nửa gói/ngày trong suốt hơn 10 năm nay. Đột quỵ khiến T. không thể phục hồi như trước được. Từ một lao động chính, T. phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của những người xung quanh.
Bác sĩ Hải cho biết, thói quen hút thuốc lá ở người trẻ thúc đẩy xơ vữa động mạch, làm mạch máu bị hẹp, dễ bị hư hại và tắc nghẽn gây nên đột quỵ thiếu máu não. Bên cạnh đó, thuốc lá làm tăng nguy cơ bị đột quỵ gấp hai lần, đặc biệt là với BN đã từng bị đột quỵ hay có bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường. Hút thuốc lá thụ động (gián tiếp) cũng gây nên các vấn đề sức khỏe, việc tiếp xúc với khói thuốc làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh lý ung thư, tim mạch cũng như đột quỵ.
Theo ghi nhận của Khoa Đột quỵ (BV Đà Nẵng), có tới 70% BN điều trị tại khoa có hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động).
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Hải , trường hợp đột quỵ ở những người trẻ (tuổi từ 30-40 tuổi) phần nhiều còn do những bệnh lý bẩm sinh như phình mạch não, dị dạng mạch máu não, một số người xơ vữa mạch máu kèm bệnh lý tim mạch nền sẽ dễ hình thành cục máu đông gây tắc mạch não.
“Thường mùa lạnh là mùa của đột quỵ. Đặc biệt tỉ lệ bệnh nhân xuất huyết não tăng cao, với nhiều bệnh nhân trẻ. Đối với những trường hợp tắc mạch não đưa vào bệnh viện kịp thời thì chúng tôi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, với huyết khối lớn thì sẽ sử dụng dụng cụ lấy huyết khối. Những bệnh nhân phình mạch máu não hoặc dị dạng mạch máu não thì sẽ phải can thiệp chèn nút các túi phình, phẫu thuật để xử trí dị dạng mạch máu. Đối với bệnh nhân nặng như xuất huyết não thì sẽ phải mở hợp sọ, lấy máu tụ, dẫn lưu não thất… và nhiều biện pháp khác”, bác sĩ Hải nói.

Nhận biết và cảnh báo sớm đột quỵ

Theo các bác sĩ, đối với BN đột quỵ thì tỷ lệ tắc mạch não chiếm đa số (70-80%), đột quỵ do xuất huyết não thấp hơn (20-30%). Đột quỵ não biểu hiện ban đầu là liệt mạch một bên, méo mặt, yếu liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, mất thăng bằng choáng ngã, mờ mắt…
Cảnh báo đột quỵ ở người trẻ do thời tiết lạnh - ảnh 1

Nhận biết đột quỵ và kịp thời đưa đến đơn vị có cơ sở cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng sẽ giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế ở người bị đột quỵ   Ảnh: An Dy

Phòng ngừa đột quỵ trước tiên là phòng ngừa cho những người chưa bị đột quỵ bao giờ. Theo đó, những ai quan tâm đến chứng đột quỵ nên đi tầm soát để phát hiện và điều trị các bệnh lý nền như là huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu, phình mạch não, dị dạng mạch não, tim mạch… hoặc những người có những cơn đau đầu nặng kéo dài. Riêng những người lớn tuổi khi đối mặt với nhiệt độ xuống thấp thì có nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch.
Bác sĩ Hải cho biết, cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích ở những người trẻ. Đối với phụ nữ thì hạn chế sử dụng thuốc tránh thai vì đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, vỡ mạch máu não.
“Những người trẻ cần thay đổi thói quen dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, vận động khoa học, sống lành mạnh… Trong thời tiết lạnh thì không thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là lúc đêm khuya và sáng sớm”, bác sĩ Hải tư vấn.
Đối với người đã từng bị đột quỵ và nhẹ thì không chủ quan, phải dùng thuốc phòng ngừa nguy cơ tái đột quỵ theo quy định của bác sĩ. Vì đột quỵ lần sau sẽ nặng nề và để lại di chứng nhiều hơn lần đầu. Khi tuân thủ khám và theo dõi định kỳ, dùng thuốc theo chỉ định sẽ hạn chế nguy cơ tái phát đến hơn 70%.
Những điều đặc biệt lưu ý đối với đột quỵ, đó là phải nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ (như liệt mặt, liệt nửa người, lơ mơ mất ngôn ngữ, yếu thị giác…) và đưa người bệnh đến cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ cấp càng sớm càng tốt để đảm bảo thời gian vàng cấp cứu đột quỵ (4-5 giờ đồng hồ). Không nên xử lý bằng những biện pháp dân gian hoặc tự ý dùng thuốc có bán trên thị trường, làm mất thời gian cấp cứu đột quỵ hiệu quả.

Đà Nẵng khởi động quy trình báo động đỏ đột quỵ

Tại Đà Nẵng, khi nghi ngờ người thân bị đột quỵ có thể liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 và khai báo để được hỗ trợ từ quy trình báo động đỏ của TP.Đà Nẵng về phát hiện đột quỵ, Trung tâm sẽ báo Khoa đột quỵ (BV Đà Nẵng) để sẵn sàng biện pháp cấp cứu nhanh nhất có thể để đảm bảo thời gian vàng.
Bên cạnh đó, phải lưu ý tầm soát, phòng ngừa cho những người chưa bị đột quỵ bằng chương trình khám tầm soát bệnh lý, phát hiện sớm giảm nguy cơ đột quỵ…
Nguy cơ tàn tật ở người đột quỵ là nguy cơ số 1. Người bệnh sẽ đáp ứng hiệu quả việc tập phục hồi chức năng tập trung trong 2 tháng đầu sau đột quỵ. Đối với bệnh nhân từng bị đột quỵ thì tỷ lệ tái phát cực kỳ cao, chiếm gần 30%, trong vòng 5 năm đầu tiên, nếu không được phòng ngừa.
Từ năm 2013, BV Đà Nẵng đã thực hiện điều trị BN nhồi máu não cấp trong 4,5 giờ bằng thuốc tiêu sợi huyết, với gần 60% BN hồi phục gần như hoàn toàn. Khi người thân có những dấu hiệu của đột quỵ, hãy gọi ngay vào đường dây nóng Khoa Đột quỵ (BV Đà Nẵng): 02363885210 và Stroke team (Đội đột quỵ): 0898244555.
AN DY
TNO