25/12/2024

Đức Phanxicô – Bài giáo lý: Lễ Giáng Sinh

Lễ Giáng sinh là lễ của Tình yêu nhập thể, của tình yêu được sinh ra cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng của nhân loại chiếu sáng trong bóng tối, mang lại ý nghĩa cho nhân sinh và cho toàn bộ lịch sử.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Thư viện Tông toà
Thứ Tư, 23 tháng 12 năm 2020

_______________________________________

Giáo lý: Lễ Giáng Sinh

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An

Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Vì chúng ta tiến gần đến Lễ Giáng Sinh, trong bài giáo lý này, tôi muốn đưa ra một số điều để suy nghĩ chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Giáng Sinh. Trong phụng vụ Thánh Lễ lúc nửa đêm, lời Thiên thần công bố với các Mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa”(Lc 2: 10-12).

Bắt chước những người chăn chiên, chúng ta cũng hãy tiến về Bết-lê-hem cách thiêng liêng, nơi Đức Maria đã hạ sinh Hài nhi trong chuồng ngựa, “vì không có chỗ cho họ ở quán trọ” (2: 7). Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ phổ biến, và ngay cả những người không tin cũng cảm nhận được sức hấp dẫn của dịp này. Tuy nhiên, các Kitô hữu biết rằng Lễ Giáng sinh là một biến cố có tính quyết định, một ngọn lửa vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã nhóm lên trên thế giới, và không được nhầm lẫn với những thứ phù du. Điều quan trọng là nó không nên bị giản lược trở thành một lễ hội chỉ có tính xúc cảm hoặc duy tiêu thụ. Chúa nhật tuần trước, tôi đã lưu ý đến vấn đề này, nhấn mạnh rằng chủ nghĩa tiêu thụ đã chiếm đoạt Lễ Giáng sinh. Không: Lễ Giáng Sinh không được giản lược thành một lễ chỉ có tính xúc cảm hay duy tiêu thụ, đầy những quà tặng và những lời chúc tốt đẹp nhưng lại nghèo đức tin Kitô giáo, và cũng nghèo nàn về tình người. Vì vậy, cần phải kiềm chế não trạng trần tục đó, một não trạng không có khả năng nắm bắt được cốt lõi chói sáng của đức tin chúng ta; cốt lõi ấy là: “Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14). Và đó là phần cốt lõi của Lễ Giáng sinh; đúng hơn, đó là sự thật của Lễ Giáng sinh, không có sự thật nào khác.

Một mặt, Lễ Giáng sinh mời gọi chúng ta suy gẫm về bi kịch của lịch sử, trong đó những người đàn ông và đàn bà, bị tổn thương bởi tội lỗi, không ngừng tìm kiếm sự thật, tìm kiếm lòng thương xót và tìm kiếm sự cứu chuộc; và mặt khác, suy gẫm về sự nhân từ của Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta để truyền đạt cho chúng ta Sự Thật cứu rỗi và làm chúng ta trở thành những người chia sẻ tình bạn và sự sống của Người. Và hồng phúc sự sống này: đây là ơn thánh thuần túy, không phải do bất cứ công lao nào của chúng ta. Có một Đức Thánh Cha đã nói: “Nhưng hãy nhìn ở đằng kia, ở đằng kia, ở đàng kia nữa: hãy tìm kiếm công lao của bạn và bạn sẽ không thấy gì khác hơn là ơn thánh”. Mọi thứ đều là ơn thánh, một hồng phúc của ơn thánh. Và hồng phúc ơn thánh này, chúng ta nhận được nhờ sự đơn giản và tình người của Lễ Giáng sinh, và nó có thể đánh tan khỏi tâm trí chúng ta nỗi yếm thế hiện đang lan tràn hơn bao giờ hết do hậu quả của đại dịch. Chúng ta có thể vượt qua cảm thức hoang mang chán nản đó, không để mình bị tràn ngập bởi thua cuộc và thất bại, khi tái nhận thức được rằng Con Trẻ khiêm nhường và nghèo nàn, ẩn mình và bất lực này, là chính Thiên Chúa, trở thành người vì chúng ta. Công đồng Vatican II, trong một đoạn văn nổi tiếng của Hiến chế về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, nói với chúng ta rằng biến cố này liên quan đến mỗi người chúng ta: “Vì nhờ việc nhập thể của Người, Con Thiên Chúa đã kết hợp chính Người cách nào đó với mọi người. Người làm việc bằng đôi tay con người, Người suy nghĩ bằng trái tim con người, hành động bằng sự lựa chọn của con người và yêu bằng trái tim con người. Được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một trong chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi ”(Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22). Nhưng Chúa Giêsu đã sinh ra từ hai ngàn năm trước, điều này có liên quan gì đến tôi? Nó ảnh hưởng đến anh chị em và đến tôi, mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu là một người giữa chúng ta: Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, là một người trong chúng ta.

Thực tại này mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui và can đảm. Thiên Chúa đã không coi thường chúng ta, từ xa, Người không đi ngang qua chúng ta, Người không bị sự khốn khổ của chúng ta đẩy lui, Người không mặc cho chính Người một thân thể cách hời hợt, nhưng hoàn toàn mặc lấy bản tính và thân phận con người của chúng ta. Người không bỏ qua điều gì ngoại trừ tội lỗi: điều duy nhất Người không có. Trọn nhân tính ở trong Người. Chúng ta có thế nào, Người mang lấy tất cả những gì chúng ta có thế ấy. Đây là điều chủ yếu để hiểu đức tin Kitô giáo. Khi suy tư về hành trình hoán cải của mình, Thánh Augustinô viết trong cuốn Tự Thú của ngài: “Con chưa có đủ sự khiêm nhường để chiếm hữu Thiên Chúa của con, Chúa Giêsu khiêm nhường, và con chưa biết các giáo huấn về sự yếu đuối của Người sẽ dẫn chúng con tới đâu” (Tự Thú VII, 8). Và “sự yếu đuối” của Chúa Giêsu này là gì? Sự “yếu đuối” của Chúa Giêsu là một “giáo huấn”! Bởi vì nó mạc khải cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa.

Lễ Giáng sinh là lễ của Tình yêu nhập thể, của tình yêu được sinh ra cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng của nhân loại chiếu sáng trong bóng tối, mang lại ý nghĩa cho nhân sinh và cho toàn bộ lịch sử.

Anh chị em thân mến, ước mong các suy tư ngắn gọn này có thể giúp chúng ta cử hành Lễ Giáng sinh với một ý thức sâu sắc hơn. Nhưng có một cách khác để chuẩn bị, mà tôi muốn nhắc nhở anh chị em và tôi, và cách này nằm trong tầm tay của mọi người: suy gẫm một chút, trong im lặng, trước máng cỏ. Cảnh Hang Đá Giáng Sinh vốn là một bài giáo lý về thực tại này, về những gì đã diễn ra năm đó, ngày đó, mà chúng ta đã nghe trong Sách Tin Mừng. Vì vậy, năm ngoái tôi đã viết một lá thư, mà chúng ta nên đọc lại. Nó có tựa là “Admirabile signum”, “Hình ảnh Kỳ diệu”. Trong trường học của Thánh Phanxicô Assisi, chúng ta có thể trở nên giống như những em nhỏ bằng cách ngừng lại để chiêm ngưỡng cảnh Chúa Giáng Sinh, và để cho điều kỳ diệu trong cách “kỳ diệu” trong đó Thiên Chúa muốn tái sinh trong chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin được ơn biết ngạc nhiên: trước mầu nhiệm này, một thực tại thật dịu dàng, thật đẹp đẽ, thật gần gũi với trái tim chúng ta, để Chúa ban cho chúng ta ơn biết ngạc nhiên, gặp gỡ Người, đến gần Người hơn, gần với tất cả chúng ta hơn. Điều này sẽ làm sống lại sự dịu dàng trong chúng ta. Hôm trước, trong khi nói chuyện với một số nhà khoa học, chúng tôi đã nói về trí tuệ nhân tạo và rô bốt… có những rô bốt được lập trình cho mọi người và mọi thứ, và điều này tiếp tục phát triển. Và tôi nói với họ, “Nhưng các rô bốt sẽ không bao giờ có thể làm được những gì?” Họ suy nghĩ về điều đó, họ đưa ra các gợi ý, nhưng cuối cùng họ đều đồng ý về một điều: sự dịu dàng. Rô bốt sẽ không bao giờ có khả năng này. Và đây là điều mà Thiên Chúa mang đến cho chúng ta, hôm nay: một cách tuyệt vời trong đó Thiên Chúa muốn bước vào trần gian, và điều này làm sống lại sự dịu dàng trong chúng ta, sự dịu dàng của con người gần gũi với sự dịu dàng của Thiên Chúa. Và ngày nay chúng ta đang rất cần sự dịu dàng, chúng ta đang rất cần sự tiếp xúc của con người, trước quá nhiều khốn khổ! Nếu đại dịch buộc chúng ta phải xa cách nhau hơn, thì trong máng cỏ, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách dịu dàng để gần nhau, để làm người. Chúng ta hãy đi theo con đường này.

Chúc anh chị em một Lễ Giáng sinh vui vẻ!

Nguồn: vietcatholicnews.org

______________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến: Khi Giáng sinh đến gần, chúng ta chuẩn bị nghe một lần nữa thông điệp vui mừng của các thiên thần gửi cho những người chăn cừu ở Bêlem: ““Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa””(Lc 2, 10-12). Giống như những người chăn cừu, chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện một cuộc hành trình tâm linh đến Bêlem để tìm kiếm và tìm thấy Chúa Giêsu, ánh sáng vĩnh cửu của Thiên Chúa chiếu sáng trong thế giới. Lễ Giáng sinh mời gọi chúng ta vượt qua một tâm lý trần tục nào đó khiến chúng ta mù quáng để đến với cốt lõi đức tin của chúng ta: Ngôi Lời đã trở nên xác phàm ngự giữa chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa giao thoa với lịch sử của chúng ta và mở ra con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Năm nay, trong bối cảnh khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu, Giáng sinh có thể giúp chúng ta nhìn về phía trước và đón nhận niềm hy vọng mà Chúa Giêsu mới sinh mang đến cho chúng ta. Khi suy tư và cầu nguyện trước lễ Giáng sinh, xin cho chúng ta ý thức hơn về sự gần gũi và tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa. Giáng sinh này, xin cho Chúa Giêsu tái sinh trong mỗi người chúng ta, để bằng cuộc sống của mình, chúng ta có thể mang lại niềm vui và hy vọng mới cho tất cả mọi người.