Bằng 2 tiếng Anh ‘ thông hành suốt đời’, học không được thì… mua?
Bằng 2 tiếng Anh ‘ thông hành suốt đời’, học không được thì… mua?
Bằng cử nhân tiếng Anh có giá trị suốt đời và được xem là ‘giấy thông hành’ khi được sử dụng vào rất nhiều mục đích, từ làm tiến sĩ đến bổ nhiệm, nâng ngạch.
Cũng vì thực tế ấy mà cả nước hiện có hàng chục trường ĐH đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh. Không ít người học đang là nghiên cứu sinh, cán bộ rất cần “giấy thông hành” này mà gần 200 trường hợp được cho là “mua bằng” từ Trường ĐH Đông Đô là một ví dụ.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là “nồi cơm” của các trường và nếu làm khó sẽ ít người học. Từ đó khó trở thành dễ, và nhiều người chọn học văn bằng 2 tiếng Anh để hợp thức hóa hồ sơ thay vì thi các chứng chỉ quốc tế vất vả hơn nhiều.
Rẻ, dễ…
T.N.D. hiện đang công tác tại một trường ĐH, là nghiên cứu sinh ngành kinh tế một trường ĐH công lập tại TP.HCM. D. xét tuyển đầu vào nghiên cứu sinh với chứng chỉ IELTS 5.0. Hiện D. vừa học tiến sĩ vừa theo học văn bằng 2 tiếng Anh của chính trường này.
D. đang học học kỳ thứ 2, còn 2 học kỳ nữa là tốt nghiệp. Học phí 7 triệu đồng/học kỳ, học vào buổi tối trong tuần hoặc thứ bảy và chủ nhật.
“Thời gian học như thế phù hợp với những người đi làm nên văn bằng 2 được nhiều người lựa chọn để theo học. Quan trọng nhất là bằng ĐH ngôn ngữ Anh sẽ có giá trị vĩnh viễn, rất thuận lợi cho việc học cũng như làm việc sau này, không giới hạn thời gian có giá trị như các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế” – D. nói về lý do học văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của mình.
Với xuất phát điểm IELTS 5.0, D. có thể tiếp tục ôn và thi IELTS để có điểm số cao hơn. Tuy nhiên D. cho biết để có chứng chỉ IELTS 6.5 đáp ứng chuẩn đầu ra tiếng Anh tiến sĩ không phải là điều dễ dàng.
“Nhiều người nghĩ rằng theo học và thi các chứng chỉ như IELTS, TOEFL sẽ dễ hơn, nhanh hơn và ít tốn kém hơn. Tuy nhiên điều này chưa chính xác bởi để đạt được các tiêu chuẩn tiếng Anh của các nhà tuyển dụng, du học hoặc học các bậc học cao hơn như nghiên cứu sinh thì người học sẽ mất rất nhiều thời gian, từ 1-2 năm, có thể hơn.
Các khóa học cũng chia theo rất nhiều cấp độ, mỗi cấp độ thường 3 – 6 tháng, do đó thời gian học sẽ lâu. Càng lên cao mức độ khó càng tăng nên nhiều khi mất 1, 2 khóa mới hoàn thành một cấp độ. Ngoài ra, học phí ở các trung tâm có chất lượng cũng khá cao, mỗi khóa học từ 5 – 10 triệu đồng” – D. liệt kê hết các khó khăn.
Theo D., để đạt được 6.5 IELTS, một người bình thường phải theo ít nhất 5 – 7 khóa học, mất thời gian và học phí nhiều hơn so với học văn bằng 2.
“Học hệ văn bằng 2 tiếng Anh hiện nay có rất nhiều trường đào tạo, thời gian từ 18 tháng đến 2 năm. Chương trình học theo modul nên người học cũng sẽ thuận lợi hơn. Phải thừa nhận để có bằng ĐH văn bằng 2 dễ hơn so với việc đạt IELTS 6.5” – D. phân tích và kết luận.
…và có giá trị vĩnh viễn!
Từ kinh nghiệm bản thân, nhiều người cho rằng tùy theo quy định đối với từng mục đích khác nhau mà người học lựa chọn hình thức học và thi phù hợp. Đối với những người học tiếng Anh với mục đích học để biết và giao tiếp, người học sẽ tham gia các khóa học tiếng Anh giao tiếp như TOEIC.
Đối với người học với mục đích tìm việc làm hay bổ sung theo các yêu cầu, quy định của nhà tuyển dụng hoặc doanh nghiệp thì họ sẽ lựa chọn học và thi các chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu như TOEIC, IELTS, TOEFL…
Trong khi đó, những người học tiếng Anh để phục vụ lên bậc học cao hơn, thường các cơ sở đào tạo yêu cầu các chứng chỉ ngoại ngữ có tính chất học thuật và yêu cầu ở trình độ cao hơn nên người học phải theo học các khóa học như IELTS, TOEFL… hoặc theo học hệ cử nhân, hoặc văn bằng 2.
Cũng với lý do “dễ hơn”, anh N.D.V. – cán bộ một trường ĐH công lập tự chủ tài chính tại TP.HCM – và nhiều người trong trường đã học văn bằng 2 tiếng Anh do một trường ĐH tại miền Trung liên kết mở tại TP.HCM. Anh V. hiện đang làm luận án tiến sĩ, vừa tốt nghiệp văn bằng 2 tiếng Anh.
“Điều quan trọng nhất là bằng ĐH có giá trị vĩnh viễn, không chỉ thuận lợi cho việc làm tiến sĩ mà còn trong công việc sau này” – anh V. chia sẻ.
Theo anh V., thực tế việc làm luận án tiến sĩ nhiều khi không đúng tiến độ dẫn đến việc tốt nghiệp trễ hạn một vài năm, có bằng ĐH tiếng Anh thì không lo về chuẩn đầu ra tiếng Anh trong khi với các chứng chỉ, do hiệu lực có thời hạn nên rất dễ bị ảnh hưởng dẫn đến treo bằng tiến sĩ.
Nói về việc sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh trong xét tuyển tiến sĩ, lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM phân trần đó là quy chế của Bộ GD-ĐT. Nếu trường loại bằng ĐH ngoại ngữ, bao gồm chính quy, văn bằng 2, hoặc từ việc học từ xa – vừa làm vừa học khỏi điều kiện ngoại ngữ là trái quy chế.
“Kinh nghiệm cho thấy chỉ một phần nhỏ người học văn bằng 2 có năng lực ngoại ngữ thật sự, còn lại chỉ ở mức trung bình hoặc thấp hơn nhưng trường vẫn phải chấp nhận. Trường cũng tính đến phương án tái kiểm năng lực ngoại ngữ nhưng điều kiện chưa cho phép” – vị này nói.
Lên tiến sĩ mới đi học tiếng Anh?
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng thực tế việc đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh đáp ứng được nhu cầu và điều kiện của nhiều người khi dạy vào buổi tối hoặc cuối tuần. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo lại phụ thuộc vào cách tổ chức, giảng dạy, thi cử của trường và mục tiêu của người học.
Có trường làm rất nghiêm túc nhưng cũng có trường dễ dãi, cắt giảm chương trình, thi cử qua loa, thậm chí bán bằng như Trường ĐH Đông Đô. Vì đó là “nồi cơm” của trường nên làm khó quá sẽ ít người học.
Cũng theo ông Nghĩa, nhiều người học văn bằng 2 chỉ để hợp thức hóa đầu vào và đầu ra tiếng Anh khi làm nghiên cứu sinh nhưng năng lực ngoại ngữ thực tế rất kém. Nhiều trường tuyển nghiên cứu sinh đều đưa tiêu chí bằng ĐH ngoại ngữ lên đầu tiên trong tiêu chí về ngoại ngữ, kế đến mới là các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Một nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang làm nghiên cứu sinh đã chọn thi B2 của ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy sinh viên mới thích hợp học văn bằng 2 ngoại ngữ. Học như thế này rất tiện vì có thể bớt những môn đại cương chung, ra trường sẽ có hai bằng.
Còn những ai đang làm nghiên cứu sinh mà đi học văn bằng 2 tiếng Anh chúng ta phải đặt câu hỏi bởi nghiên cứu sinh hiện nay phần lớn phải vừa học vừa làm, lấy đâu ra thời gian để học văn bằng 2 tiếng Anh? Hơn nữa đã là nghiên cứu sinh phải đảm bảo được chuẩn đầu vào tiếng Anh, không ai đến khi đi làm nghiên cứu sinh mới đi học văn bằng 2 tiếng Anh”.
Đồng quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong – phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – cho rằng sau vụ việc của Trường ĐH Đông Đô có thể thấy có rất nhiều vấn đề bất cập trong giảng dạy ngoại ngữ, cũng như cách làm nghiên cứu sinh ở Việt Nam. Người muốn lấy bằng tiến sĩ đáng lẽ phải thành thạo nghe – nói – đọc – viết một ngoại ngữ rồi, không phải đến khi làm tiến sĩ mới đi lo học ngoại ngữ, hoặc “chạy” lấy một tấm bằng.
Từ vụ việc ở Trường ĐH Đông Đô còn thấy vấn đề đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam: học tiếng Anh từ nhỏ đáng lẽ người học lên tới bậc ĐH phải nghe – nói – đọc – viết được, đằng này lên tiến sĩ mới đi học tiếng Anh thì rất vô lý!
* Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nghiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Tiếng chuông cảnh tỉnh Không chỉ có Trường ĐH Đông Đô, đã và vẫn có một số trường đang thực hiện cho người học nộp tiền, ghi danh, không cần học vẫn cấp bằng. Đó là cách thương mại giáo dục, làm giáo dục vì lợi nhuận. Vụ trường ĐH Đông Đô là tiếng chuông cảnh báo với tất cả các trường ĐH vì lợi nhuận, là tiếng chuông tới cơ quan quản lý như Bộ GD-ĐT, các cơ quan thanh tranh, giám sát công tác giáo dục đào tạo.
Sau vụ việc này cần xem lại có kẽ hở nào về luật cần bổ sung, nếu thanh tra chưa tốt phải tăng cường. Cần tính đến việc thu hồi quyết định đào tạo với Trường ĐH Đông Đô để làm gương, đề nghị công khai danh tính những người không học mà lấy bằng tại trường này. Cơ quan đơn vị nào có người không đi học nhưng dùng bằng của Đông Đô với mục đích thăng tiến thì cần xử lý nghiêm người có mục đích đó.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa: Xem lại cách phối kiểm bằng
Có điều ai cũng có thể thấy: chứng chỉ quốc tế luôn phản ánh thật năng lực và kỹ năng ngoại ngữ của người học trong khi văn bằng 2 nhiều khi chưa thật nhưng đây là bằng trong hệ thống văn bằng chứng chỉ quốc gia nên nghiễm nhiên được thừa nhận.
Bộ GD-ĐT đưa vào quy chế tuyển sinh sau ĐH, các cơ quan nhà nước đưa ra qui định nâng lương, bổ nhiệm có dựa theo trình độ tiếng Anh nhưng văn bằng chứng chỉ tiếng Anh thường được phối kiểm ở đơn vị cấp bằng. Nếu trường cấp bằng có tình trạng “học giả bằng thật” dĩ nhiên khi cần, họ vẫn xác nhận đó là bằng… thật.
Phỏng vấn trực tiếp, đâu cần văn bằng….
Một cán bộ ở Bộ GD-ĐT cho rằng quy định về đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh hiện nay khá dễ. Chỉ cần có 2 khóa sinh viên ĐH ngành tiếng Anh tốt nghiệp là trường có thể đăng ký đào tạo văn bằng 2. Điều này dẫn đến việc không ít trường không có thế mạnh và truyền thống về đào tạo ngoại ngữ cũng tham gia đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh.
Bằng cử nhân tiếng Anh có giá trị suốt đời và hiện được sử dụng vào rất nhiều mục đích từ làm tiến sĩ đến bổ nhiệm, nâng ngạch. Đó là tờ giấy thông hành suốt đời. Chính vì vậy các trường đua nhau mở ngành ngôn ngữ Anh rồi văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Có trường tuyển người tốt nghiệp vừa làm vừa học học thạc sĩ một chương trình liên kết về tiếng Anh. Tuy nhiên khi yêu cầu nộp IELTS 6.0 nhưng không mấy ai đạt được.
Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, quy chế tuyển sinh tiến sĩ của Bộ GD-ĐT chấp nhận bằng cử nhân ngoại ngữ và các trường cũng chỉ làm đúng quy chế, không muốn làm tốt hơn. Muốn chấn chỉnh, bộ phải sửa quy chế hoặc giám sát chất lượng đào tạo văn bằng 2 của các trường. Hiện nay việc tuyển sinh sau ĐH của các trường thực sự khó khăn, người học ngày càng ít nên chỉ cần làm đúng quy chế chứ không muốn kiểm tra xem năng lực ngoại ngữ thật của ứng viên.
Trong khi đó, với hội đồng giáo sư cơ sở, không cần biết ứng viên có bằng cấp gì, học từ đâu, phải trình bày chuyên môn của mình trước hội đồng bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác. Có như vậy bằng giả, học giả sẽ khó có cửa lọt qua. Thực tế việc tuyển sinh tiến sĩ hàng năm của các trường không nhiều nên nếu muốn, trường vẫn có thể kiểm tra trực tiếp năng lực ngoại ngữ của ứng viên.
Một lý do nữa mà tình trạng học giả bằng thật có đất sống đó là việc chỉ căn cứ vào hồ sơ, bằng cấp để tuyển sinh, bổ nhiệm, thăng chức. Với các công ty tư nhân, nhất là công ty nước ngoài, nhiều khi họ không quá quan tâm bằng cấp gì, họ phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra năng lực thực sự của người dự tuyển.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc học giả bằng thật vẫn do xã hội còn quá coi trọng bằng cấp. Các cơ quan tuyển dụng vẫn ngồi phòng lạnh để xem văn bằng người xin việc mang đến thay vì phỏng vấn trực tiếp người xin việc. Ngoài ra cần phải xây dựng lại chương trình học ngoại ngữ, có khung chuẩn mực với từng bậc học, đào tạo theo từng vị trí việc làm.
MINH GIẢNG – NGỌC DIỆP
Chấp nhận chứng chỉ quốc tế khi cấp phép lao động giáo viên tiếng Anh
Chiều 21-12, cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh ký công văn gửi Sở LĐ-TB&XH Hà Nội liên quan các chứng chỉ làm điều kiện cấp phép lao động cho giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Liên quan đến chứng chỉ IELTS, Bộ GD-ĐT cho biết đây là khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu, hiện chưa có quy định quy đổi tương đương giữa chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức nước ngoài cấp và chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, khung năng lực Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng theo khung châu Âu và một số khung trình độ tiếng Anh của một số nước và hiện đã có quy định quy đổi tương thích từ khung năng lực Việt Nam sang khung châu Âu. Do đó, nếu điểm bài thi IELTS được công nhận tham chiếu tương đương với khung châu Âu thì có thể quy đổi tương đương sang khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam. Vì vậy Cục Quản lý chất lượng đề nghị Sở LĐ-TB&XH Hà Nội xem xét và có thể chấp nhận chứng chỉ TESOL, TEFL, CELTA là điều kiện để cấp giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài.
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua Bộ GD-ĐT nhận được công văn của bốn đơn vị chuyên giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội phản ánh việc giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài có điểm thi IELTS, chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế nhưng không được cấp phép lao động. Đây là nội dung Báo Tuổi Trẻ (ngày 16-12) đã phản ánh trong bài viết “IELTS 8.0 vẫn chào thua”.