28/12/2024

Vắc xin COVID-19 chứa hạt nano có ảnh hưởng sức khỏe?

Vắc xin COVID-19 chứa hạt nano có ảnh hưởng sức khỏe?

Nhiều ứng viên vắc xin COVID-19 hiện nay có dùng hạt nano trong thành phần cấu tạo. Hạt này là gì, có gây ảnh hưởng khi đi vào cơ thể con người?

 

Vắc xin COVID-19 chứa hạt nano có ảnh hưởng sức khỏe? - Ảnh 1.

Công ty Novavax ở Maryland (Mỹ) sử dụng hạt nano trong thử nghiệm vắc xin COVID-19 – Ảnh: AFP

Bác sĩ gây mê hồi sức Louis Fouché làm việc tại Bệnh viện La Conception ở Marseille (Pháp) nổi tiếng là người ưa phản đối các biện pháp phòng chống COVID-19.

Trong một video clip được chia sẻ rộng rãi trên Facebook, bác sĩ này tuyên bố các vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna có chứa hạt nano phát huỳnh quang nhằm truy vết người đã tiêm chủng vắc xin giống như trò cấy vi mạch RFID dưới da để theo dõi.

Nhưng sự thật có phải như vậy?

Hạt nano là gì?

Hạt nano là hạt cực nhỏ có đường kính từ 1-100 nanomet (1 nanomet bằng một phần tỉ mét). Để so sánh, một sợi tóc có thể rộng từ 80.000 đến 100.000 nanomet.

Vắc xin COVID-19 chứa hạt nano có ảnh hưởng sức khỏe? - Ảnh 2.

Kính hiển vi điện tử quét (SEM) chụp ảnh các hạt nano chứa thuốc bám vào các hồng cầu của chuột thí nghiệm – Ảnh: WYSS INSTITUTE

Có ba loại hạt nano:

. Hạt nano có nguồn gốc tự nhiên phát sinh từ cháy rừng hoặc khói núi lửa.

. Hạt nano sinh ra không chủ ý từ quá trình đốt cháy như hạt nano do động cơ diesel hoặc khói hàn thải ra.

. Hạt nano được tạo ra có chủ ý mang nhiều đặc tính mới như chất phụ gia titanium dioxide dùng trong các nhà máy công nghiệp thực phẩm để tạo độ bóng cho kẹo.

Hạt nano đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm.

Trong vắc xin COVID-19 có hạt nano không?

Nhiều ứng viên vắc xin COVID-19 đã sử dụng hạt nano làm vật liệu trung tâm trong công nghệ phát triển vắc xin.

Các vắc xin của Pfizer/BioNtech và Moderna sử dụng công nghệ mới ARM truyền tin đều sử dụng hạt nano lipid (chất béo).

Trao đổi với báo Le Monde, TS vi sinh học Camille Locht – giám đốc nghiên cứu của Viện Y tế và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM) – giải thích nếu tiêm trực tiếp ARN truyền tin, nó sẽ bị phân hủy.

Ngược lại, với các hạt nano lipid, hạt nano sẽ tạo thành lớp lipid bao bọc và bảo vệ ARN truyền tin để ARN truyền tin sản sinh kháng nguyên.

Ứng viên vắc xin tiểu đơn vị protein do Công ty Novavax (Mỹ) phát triển cũng sử dụng hạt nano.

TS Camille Locht giải thích: “Hãng Novavax sử dụng các khối cầu lipid nhỏ để chuyển không phải ARN truyền tin mà là kháng nguyên. Nhờ đó kháng nguyên có thể di chuyển trực tiếp đến các tế bào nhằm tạo phản ứng miễn dịch”.

Vậy vắc xin COVID-19 có đáng sợ không?

TS Camille Locht bảo đảm vắc xin sử dụng hạt nano “hoàn toàn không nguy hiểm và không có gì phải lo lắng”.

Ông giải thích: “Các hạt nano trong vắc xin COVID-19 được tiêm với số lượng tương đối ít. Chúng bao gồm các lipid và được thiết kế để phân hủy dần. Đây là các phân tử hoàn toàn tự nhiên bởi lẽ các tế bào của chúng ta cũng đều được bao bọc bằng lipid. Về mặt sinh học, đây là điều hoàn toàn bình thường”.

Ông nhấn mạnh hạt nano cực bé, vô hình, có mặt khắp nơi nên “không có gì đáng sợ”.

Công ty công nghệ sinh học BioNtech của Đức đã phát triển công nghệ nano từ hơn 10 năm nay để nghiên cứu các liệu pháp điều trị ung thư đầy hứa hẹn.

Vắc xin COVID-19 chứa hạt nano có ảnh hưởng sức khỏe? - Ảnh 3.

Công ty BioNtech sử dụng công nghệ nano trong điều chế dược phẩm từ hơn 10 năm nay – Ảnh: BIONTECH

Mối liên hệ giữa các hạt nano với truy vết là sao?

Năm 2019, Viện Công nghệ Massachusetts đã sáng chế các hạt nano có thể tiêm dưới da. Chúng phát ánh sáng huỳnh quang không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể nhìn thấy bằng điện thoại thông minh. Mục đích là trong tương lai, qua các hạt nano sẽ chứng minh người nào đó đã tiêm chủng rồi.

Dự án này do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ nhằm sử dụng hạt nano như sổ tiêm ngừa ở các nước đang phát triển vốn quản lý hồ sơ y tế rất cẩu thả.

Nhiều cuộc khảo sát ý kiến đã được thực hiện ở Kenya, Malawi và Bangladesh để xem người dân có chấp nhận sổ tiêm ngừa kiểu này hay không.

Cuối năm 2019, các nhà nghiên cứu tuyên bố hi vọng sẽ thử nghiệm trên con người ở châu Phi trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, dự án này không nhằm sử dụng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cũng chẳng phải là cấy vi mạch vào người để theo dõi như bác sĩ Louis Fouché “chụp mũ”.

HOÀNG DUY LONG
TTO