28/12/2024

Ngủ như thế nào để giảm nguy cơ suy tim?

Ngủ như thế nào để giảm nguy cơ suy tim?

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy những người trưởng thành có chế độ ngủ lành mạnh, có nguy cơ suy tim thấp hơn 42%, theo The Health Site.
Thói quen ngủ lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ suy tim /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Thói quen ngủ lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ suy tim ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Mối liên hệ giữa thói quen ngủ và sức khỏe tim mạch

Trong nghiên cứu, tác giả Lu Qi và nhóm từ Đại học Tulane (Mỹ) đã nghiên cứu dữ liệu của 408.802 người tham gia ở Anh, tuổi từ 37 đến 73 từ năm 2006 đến năm 2010. Tỷ lệ suy tim được thu thập cho đến ngày 1.4.2019. Các tác giả đã kiểm tra mối liên hệ giữa các mô hình giấc ngủ lành mạnh và suy tim.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra điểm số đánh giá giấc ngủ khỏe mạnh dựa trên năm tình trạng rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ, ngủ ngáy, những người dậy sớm, thức đêm, hoặc buồn ngủ vào ban ngày.
Kết quả cho thấy, những người dậy sớm có nguy cơ suy tim thấp hơn 8%, trong khi những người tham gia ngủ 7 – 8 giờ mỗi ngày có nguy cơ thấp hơn 12%. Những người không bị mất ngủ có nguy cơ thấp hơn 17% và thấp hơn 34% ở những người buồn ngủ vào ban ngày.

Thói quen ngủ kém và các vấn đề sức khỏe khác

1. Hệ miễn dịch
Hệ thống miễn dịch sản xuất các chất chống lại sự nhiễm trùng và chống lại những yếu tố gây bệnh như vi khuẩn trong khi chúng ta ngủ.
Thiếu ngủ có thể ngăn hệ thống miễn dịch thực hiện đúng chức năng này và dẫn đến bệnh tật, bao gồm cả bệnh tiểu đường và bệnh tim, theo The Health Site.
2. Sức khỏe đường hô hấp
Các vấn đề về hô hấp và thiếu ngủ có sự liên quan với nhau. Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, rối loạn nhịp thở có thể làm gián đoạn giấc ngủ và thiếu ngủ có thể khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh và cúm.
3. Sức khỏe tiêu hóa
Thiếu ngủ kèm theo lười vận động và thói quen ăn uống không tốt có thể tàn phá cơ thể của chúng ta. Nó có thể ảnh hưởng đến cân nặng, lượng đường trong máu và dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tiểu đường và béo phì, 2 yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim.
4. Sức khỏe nhận thức
Khi không được nghỉ ngơi đầy đủ, não có thể bị kiệt sức, khiến chúng ta khó tập trung và học hỏi những điều mới. Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và khiến chúng ta dễ bị thay đổi tâm trạng. Thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm, hoang tưởng và suy nghĩ tự tử.
Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ diện thoại, máy tính bảng hay máy tính vào đêm khuya có thể gây khó ngủ Shutterstock

Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính bảng hay máy tính vào đêm khuya có thể gây khó ngủ  ẢNH: SHUTTERSTOCK

Vì vậy, điều quan trọng là phải điều chỉnh thói quen ngủ để giữ cho sức khỏe tổng thể của chúng ta được ổn định và tránh các bệnh như suy tim, theo The Health Site.

Làm thế nào để cải thiện thói quen ngủ?

– Tiếp xúc với ánh sáng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, đặc biệt nếu bị mất ngủ hoặc các chứng rối loạn giấc ngủ khác. Tuy nhiên, hãy giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính bảng hay máy tính vào đêm khuya vì nó ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể và gây khó ngủ.
‒ Không sử dụng caffeine vào cuối ngày vì nó có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và dẫn đến mất ngủ.
‒ Đặt ra thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy để điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể.
‒ Bổ sung chất dinh dưỡng để giúp thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
‒ Tránh uống quá nhiều rượu vì có thể làm giảm sản xuất melatonin vào ban đêm và dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
‒ Tránh ăn bữa ăn lớn trước khi đi ngủ vì nó có thể dẫn đến giấc ngủ kém và rối loạn hoóc môn.
‒ Tắm thư giãn trước khi ngủ. Nó có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, theo The Health Site.
THIÊN LAN
TNO