Các linh mục Papua kêu gọi đối thoại cho cuộc xung đột ở Tây Papua
Trong một tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp báo ngày 10/12, các linh mục Papua yêu cầu quân đội Indonesia và phe ly khai hạ vũ khí và thực hiện cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe ly khai, để cuộc xung đột ở Tây Papua mau chấm dứt.
Trước đó, Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác đã nhiều lần lên tiếng, yêu cầu các bên ngưng chiến, nhưng lực lượng an ninh đã đáp lại các yêu cầu bằng sự đàn áp. Thực tế, ở quận Intan Jaya, ngày 19/9, quân đội đã giết mục sư Tin Lành Yeremia Zanamban; và một lần nữa, cũng tại quận này, vào ngày 26/10 xảy ra vụ giết giáo lý viên Công giáo Rufinus Tiau, bị cáo buộc thuộc thành phần ly khai.
Trong một tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp báo ngày 10/12, 147 linh mục của tỉnh Papua ở Indonesia yêu cầu quân đội Indonesia và phe ly khai hạ vũ khí và mở các cuộc đàm phán do nhà nước hoặc một bên trung lập làm trung gian. Các linh mục còn tố cáo tình trạng nhân quyền ở Tây Papua ngày càng tồi tệ hơn trước do sự thờ ơ của chính quyền trung ương. Các linh mục khẳng định: “Bạo lực không bao giờ giải quyết được vấn đề, nhưng còn gây thêm bao nỗi thống khổ mới và các vấn đề khác. Sự an toàn tính mạng con người không nằm trong nòng súng. Chúng tôi có cảm tưởng chính phủ không còn cảm thấy có trách nhiệm đối với tình trạng này. Vì vậy, chúng tôi phải lên tiếng.”
Trước đó, vào ngày 01/11, Đức Hồng y Suharyo đã dẫn đầu một phái đoàn gồm các giám mục thảo luận với Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud về các vấn đề gây đau khổ đến tỉnh, nơi nghèo nhất ở Indonesia. Phái đoàn gồm có Đức cha Aloysius Murwito, Giám mục Agats-Asmat, và Đức cha Petrus Canisius Mandagi, Giám quản Tông toà Tổng Giáo phận Merauke. Trong cuộc họp, các giám mục nhấn mạnh cần phải đối thoại nhiều hơn từ phía các nhà chức trách Indonesia, không dùng đến bạo lực, đồng thời tôn trọng và lắng nghe người Papua hơn.
Trong những năm gần đây, tại tỉnh Tây Papua, hàng chục người dân đã bị bắt vì đã ủng hộ tư tưởng độc lập, và biểu tình chống lại sự phân biệt đối xử và lạm dụng chủng tộc do chính quyền Indonesia tiến hành trong nhiều thập kỷ, chính xác từ năm 1969, năm Tây Papua sáp nhập vào Indonesia. (CSR_9225_2020)