24/11/2024

Những hiểu lầm thường gặp khiến đột quỵ ngày càng gia tăng

Những hiểu lầm thường gặp khiến đột quỵ ngày càng gia tăng

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới, với trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng về đột quỵ và những nguy cơ của nó để nhận biết và phòng ngừa.
Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ /// Ảnh: Khải Linh
Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ẢNH: KHẢI LINH
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Mai Uyên, Trưởng khoa Nội thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), có những hiểu lầm thường gặp về đột quỵ.

Đột quỵ chỉ xảy ra sau tuổi trung niên

Nhiều người trẻ có suy nghĩ rằng đột quỵ hầu như chỉ xảy ra ở độ tuổi trung niên, rất ít gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Thực tế, trước đây đột quỵ chủ yếu gặp ở nhóm người cao tuổi (độ tuổi trung bình là 50-70 tuổi), thường có tiền sử bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhất là những người không kiểm soát tốt bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay, đột quỵ (cả nhồi máu não và xuất huyết não) đang gia tăng ở người trẻ. Không ít trường hợp tử vong hoặc phải sống cả đời trong cảnh tàn phế sau cơn đột quỵ, dù tuổi đời còn rất trẻ.
Chính vì vậy, người trẻ tuổi dù đang cảm thấy bản thân khỏe mạnh cũng không nên chủ quan bởi vì đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ lúc nào và khi ấy, hệ lụy sẽ rất khó lường.

Chỉ người thừa cân, béo phì mới dễ bị đột quỵ

Nhiều người cũng lầm tưởng rằng, chỉ những người thừa cân, béo phì mới phải lo lắng về đột quỵ. Theo bác sĩ Uyên, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… là những bệnh lý nền có liên quan mật thiết tới đột quỵ. Những bệnh này hoàn toàn có thể xảy ra ở những người có cân nặng bình thường hoặc gầy.
“Do đó, nếu đang mắc các bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường… thì cần phải được kiểm soát và điều trị tốt. Bên cạnh đó, cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ, nhất là với những người có nguy cơ cao”, bác sĩ Uyên khuyến cáo.

Cơn đột quỵ hoàn toàn không hề có dấu hiệu báo trước

Theo bác sĩ Uyên, “các cơn đột quỵ hoàn toàn không hề có dấu hiệu báo trước” là một hiểu lầm thường gặp khác về đột quỵ. Thực tế, trong rất nhiều trường hợp, người bệnh xuất hiện cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), sau đó trong vòng 48 giờ hoặc sau vài tháng thì khởi phát cơn đột quỵ.
TIA có thể xảy ra do nghẽn tắc nhánh động mạch não (nguyên nhân hàng đầu do vữa xơ động mạch) hoặc do giảm lưu lượng tưới máu toàn thể hay cục bộ (có “thủ phạm” là hạ huyết áp thế đứng; các nguyên nhân gây chít hẹp hệ động mạch cảnh hoặc động mạch sống – nền; loạn nhịp tim; tăng độ nhớt của máu…).
Các triệu chứng TIA khởi phát đột ngột (yếu nửa người hoặc yếu chi, rối loạn cảm giác nửa người, mất thị lực hoặc bán manh…), kéo dài khoảng từ 2-20 phút và tự hết nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Trong khi đó, nếu người bệnh đi khám ngay sau khi xuất hiện TIA và chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh thì sẽ giảm nguy cơ khởi phát cơn đột quỵ.
Để phòng ngừa “sát thủ” đột quỵ, bác sĩ Uyên khuyên mỗi người cần xây dựng lối sống tích cực. Bao gồm: hạn chế bia rượu; không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích; tuân thủ chế độ ăn uống điều độ: tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ; đồng thời, tập luyện thể dục hằng ngày; tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài…
KHẢI LINH
TNO