26/12/2024

Vết sẹo nhỏ xíu nhưng lại căng thẳng, mặc cảm về cơ thể mình

Vết sẹo nhỏ xíu nhưng lại căng thẳng, mặc cảm về cơ thể mình

Dù chỉ là một nốt sẹo nhỏ xíu, hay một chiếc mụn nhỏ… cũng đã làm người bệnh căng thẳng, mặc cảm về những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Các bác sĩ cho biết đây là một loại bệnh tâm thần.

 

Vết sẹo nhỏ xíu nhưng lại căng thẳng, mặc cảm về cơ thể mình - Ảnh 1.

Bệnh mặc cảm quá mức về khiếm khuyết trên cơ thể – Ảnh: Họa sĩ Hải Nam

Gần đây, anh H.T.T., 25 tuổi, ngụ ở TP.HCM, liên tục đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM chỉ vì một vết sẹo nhỏ xíu trên mặt. Anh kể với bác sĩ anh rất mặc cảm, lo lắng, thậm chí nhiều lúc thấy căng thẳng vì chiếc sẹo nhỏ này.

Một túi thuốc thoa sẹo

Lúc đầu, bác sĩ khám không muốn ghi toa thuốc cho anh nhưng thấy anh quá lo lắng nên cho thuốc để trấn an anh. Bác sĩ đã kê cho anh một loại thuốc bôi trên sẹo nhưng anh vẫn tiếp tục lo lắng.

Dù đã được bác sĩ da liễu giới thiệu sang Bệnh viện Tâm thần để khám, nhưng anh tự cho rằng “mình không có vấn đề gì về tâm thần” nên nhất quyết không đến Bệnh viện Tâm thần khám bệnh.

Anh tiếp tục tìm đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám vẫn với nỗi lo về vết sẹo này. Bác sĩ này vừa khám xong, anh lại tìm đến bác sĩ khác.

Nỗi lo của anh về vết sẹo nhỏ xíu đã ngày càng tăng dần. Càng lo lắng anh càng đến bệnh viện khám nhiều hơn. Anh khám nhiều đến mức các bác sĩ trong khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM đều biết anh. Anh có cả một cái túi để đựng các tuýp thuốc bôi sẹo sau mỗi lần khám.

Tương tự, một bệnh nhân nữ chỉ bị mụn nhẹ, nhưng cô lại muốn nhảy lầu mỗi khi có một nốt mụn nổi lên. Cô cảm giác tự ti, không muốn đi làm, không muốn giao tiếp với ai chỉ vì những nốt mụn này. Mỗi ngày, cô mất hơn ba giờ để đi mua trái cây về ăn cho da đẹp.

Cô thường xuyên đến khám tại khoa thẩm mỹ da với than phiền về tình trạng mụn của mình. Theo các bác sĩ, bệnh nhân có ý định tự sát là biểu hiện nặng của rối loạn mặc cảm ngoại hình. Bác sĩ đã hướng dẫn bệnh nhân đi khám chuyên khoa tâm thần nhưng bệnh nhân vẫn nhất quyết không đồng ý.

Bệnh nhân sẽ tự tử khi bệnh nặng

ThS Trần Vũ Anh Đào, khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết bệnh nhân bị rối loạn mặc cảm về ngoại hình thường có những triệu chứng như thường cảm thấy lo lắng quá mức với những khiếm khuyết không đáng kể trên cơ thể. Lo lắng tới mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng suy nghĩ về khiếm khuyết này.

Người bệnh lo đến mức không làm việc, không học tập được, ngại giao tiếp với bên ngoài. Ngoài ra, người bệnh còn có những hành vi lặp đi lặp lại, ví dụ như sẽ đi khám rất nhiều người để xác định tình trạng bệnh “nặng” của mình.

Người bệnh thường xuyên soi gương và so sánh với người khác về khiếm khuyết của mình, sau đó ngày càng mặc cảm.

Bác sĩ Anh Đào phân tích, những khiếm khuyết mà người bệnh lo lắng là những khiếm khuyết không đáng kể như một cái sẹo từ nhiều năm trước đó, còn nếu bệnh nhân bị mụn nhiều hay sạm da thì lo lắng là đúng. Và đó là tình trạng rối loạn lo âu.

Khi đi khám, bệnh nhân bày tỏ những khiếm khuyết trên da của họ trong khi với người bình thường sẽ thấy những khiếm khuyết này không có vấn đề gì.

Ví dụ, bệnh nhân chỉ cho bác sĩ xem cái sẹo rất nhỏ ở tay mà bác sĩ phải nhìn rất kỹ mới thấy có vết sẹo rất nhỏ. Vết sẹo này không ảnh hưởng đến thẩm mỹ nhưng bệnh nhân lại rất căng thẳng lo lắng.

Nhiều bệnh nhân chỉ có một cái mụn nhỏ xíu nhưng luôn cảm thấy không tự tin, không muốn đi làm, không muốn giao tiếp với ai. Bệnh nhân dùng những miếng dán để che mụn khi ra ngoài. Chỉ là một vết sẹo rất nhỏ, một cái mụn nhỏ nhưng người bệnh mất ba giờ mỗi ngày chỉ để soi gương.

Bác sĩ Anh Đào nhấn mạnh, bên cạnh những bệnh nhân có các vấn đề thẩm mỹ thật sự cần để giải quyết, một số lượng không nhỏ bệnh nhân lại tỏ ra buồn rầu và mặc cảm với những khuyết điểm không đáng kể về bề ngoài của mình. Do đó, dù đã can thiệp thẩm mỹ, họ vẫn không thấy hài lòng với kết quả đạt được.

Vì ở những người này nỗi lo lắng về ngoại hình trở nên quá mức và bị cường điệu hóa. Việc lo lắng quá mức với những khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể là biểu hiện chính của tình trạng rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder: BDD), được phân loại vào nhóm rối loạn tâm thần dạng thể chất.

Những trường hợp này nếu không đi khám điều trị về bệnh tâm thần, khi diễn tiến nặng hơn sẽ có ý định tự tử, thậm chí tự tử.

THÙY DƯƠNG
TTO