23/12/2024

ĐTC Phanxicô: Loạt bài giáo lý về cầu nguyện
Bài 18: Lời cầu nguyện khẩn cầu

Việc cầu nguyện của Kitô giáo hoàn toàn có tính nhân bản – chúng ta cầu nguyện với tư cách là những con người, những con người hiện thực – việc này bao gồm lời ngợi khen và khẩn cầu.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Thư viện Tông toà
Thứ Tư, 9 tháng 12 năm 2020

______________________________

Loạt bài giáo lý về cầu nguyện

Bài 18: Lời cầu nguyện khẩn cầu

Vũ Văn An

Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Chúng ta hãy tiếp tục suy tư về việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện của Kitô giáo hoàn toàn có tính nhân bản – chúng ta cầu nguyện với tư cách là những con người, những con người hiện thực – việc này bao gồm lời ngợi khen và khẩn cầu. Thật vậy, khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người cầu nguyện, Người đã làm như vậy với “Kinh Lạy Cha chúng con”, để chúng ta có thể đặt mình vào mối liên hệ tin cậy con thảo với Thiên Chúa và hỏi Người mọi câu hỏi của chúng ta. Chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa ban cho những ơn phúc cao nhất: việc tôn thánh danh Người giữa loài người, việc xuất hiện quyền chúa thượng của Người, việc thực hiện thánh ý Người nhằm đạt điều tốt đẹp cho thế giới. Sách Giáo lý nhắc lại rằng: “Có một thứ bậc trong những lời thỉnh cầu này: trước hết chúng ta cầu nguyện cho Nước Trời, sau đó cho những gì cần thiết để chào đón Nước ấy và hợp tác với Nước ấy trị đến” (số 2632). Nhưng trong kinh “Lạy Cha chúng con”, chúng ta cũng cầu nguyện cho những ơn phúc đơn giản nhất, cho phần lớn các ơn phúc hàng ngày, chẳng hạn như “bánh hàng ngày” – một điều cũng có nghĩa là sức khỏe, nhà cửa, việc làm, những thứ hàng ngày; và cũng có nghĩa là Bí tích Thánh Thể, cần thiết cho đời sống trong Chúa Kitô; và chúng ta cũng cầu nguyện để được tha thứ tội lỗi – đây là một vấn đề hàng ngày; chúng ta luôn cần sự tha thứ – và do đó, sự bình an trong các mối liên hệ của chúng ta; và cuối cùng, để Người có thể giúp chúng ta đối đầu với cơn cám dỗ và giải thoát chúng ta khỏi điều ác.

Cầu xin, cầu khẩn. Đây là điều rất hợp nhân bản. Chúng ta hãy nghe lại Sách Giáo lý: “Trong kinh nguyện khẩn cầu, chúng ta bộc lộ ý thức về tương quan giữa mình với Thiên Chúa: Chúng ta là thụ tạo, không phải tự mình mà có, không làm chủ được những nghịch cảnh trong đời, không phải là cùng đích đời mình; chẳng những vậy, là người Kitô hữu, chúng ta biết mình tội lỗi, đã phản nghịch lại Thiên Chúa là Cha chúng ta. Khi khẩn cầu, con người đã quay về với Thiên Chúa” (số 2629).

Khi ai đó cảm thấy xấu xa vì họ đã làm những điều xấu xa – họ là một người tội lỗi – khi đọc “Kinh Lạy Cha chúng con”, họ đã đến gần Chúa. Đôi khi chúng ta dám tin rằng chúng ta không cần bất cứ điều gì, chúng ta đã đủ cho chính chúng ta và chúng ta sống hoàn toàn tự túc. Điều này đôi khi xảy ra! Nhưng sớm muộn gì ảo tưởng này cũng sẽ tan biến. Con người luôn là một lời cầu khẩn, đôi khi trở thành một tiếng kêu, thường bị kìm hãm. Linh hồn giống như một vùng đất khô cằn, nứt nẻ, như Thánh vịnh từng nói (xin xem Tv 63,2). Vào lúc này hay lúc khác trong cuộc sống của mình, tất cả chúng ta đều trải nghiệm thời gian u sầu, cô độc. Kinh thánh không xấu hổ khi cho thấy thân phận con người của chúng ta, đầy những bệnh tật, bất công, phản bội bạn bè hoặc đe doạ của kẻ thù. Có lúc tưởng chừng như mọi điều đều sụp đổ, cuộc đời sống từ trước đến nay thật vô ích. Và trong những tình huống như thế, khi mọi điều dường như sắp sụp đổ, chỉ có một lối thoát duy nhất: tiếng kêu, lời cầu nguyện “Lạy Chúa, xin cứu giúp con!”. Cầu nguyện có thể mở ra một tia sáng trong bóng tối dày đặc nhất. “Lạy Chúa, xin cứu giúp con!”. Điều này mở ra: nó mở ra con đường, nó mở ra nẻo đường.

Con người chúng ta chia sẻ lời kêu cầu giúp đỡ này với mọi tạo vật khác. Chúng ta không phải là những người duy nhất “cầu nguyện” trong vũ trụ vô biên này: mọi mảnh của tạo thế đều khát kháo Thiên Chúa. Và chính Thánh Phaolô đã phát biểu điều đó theo cách sau đây. Ngài nói: “chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng” (Rm 8, 22-24). Điều này tốt. Trong chúng ta đang vang lên tiếng kêu đa dạng của các tạo vật: của cây, của đá, của động vật. Mọi loài đều khao khát được nên trọn. Tertullianô từng viết: “Mọi tạo vật đều cầu nguyện; gia súc và thú rừng cầu nguyện và bái quỳ; và khi chúng đi ra từ các tầng và hang ổ, chúng nhìn lên trời miệng cất tiếng, làm cho hơi thở của chúng vang động theo cách riêng của chúng. Hơn thế, chim chóc cũng vậy, bay ra khỏi tổ, nâng mình lên trời, và thay vì dùng tay, mở rộng đôi cánh của chúng, và phần nào đó dường như như cầu nguyện ”(De oratione, XXIX). Đây là một cách diễn đạt thơ mộng lời bình luận về những gì Thánh Phaolô nói: “toàn thể tạo vật đang rên rỉ”. Nhưng chúng ta là những người duy nhất cầu nguyện một cách có ý thức, biết rằng chúng ta đang nói chuyện với Chúa Cha, và đối thoại với Chúa Cha.

Vì vậy, chúng ta không nên ngỡ ngàng nếu cảm thấy cần phải cầu nguyện, chúng ta không nên xấu hổ. Và cầu xin, đặc biệt khi chúng ta cần. Nói về một người không trung thực, người phải giải quyết các tài khoản với chủ nhân của mình, Chúa Giêsu nói thế này: “xin, tôi xấu hổ”. Và nhiều người trong chúng ta có cảm giác này: chúng ta xấu hổ khi phải cầu xin, xin sự giúp đỡ, xin điều gì đó ở người có thể giúp chúng ta, đạt được mục đích của chúng ta, và chúng ta cũng xấu hổ khi cầu xin Thiên Chúa. “Không, điều này không thể làm được”. Đừng xấu hổ khi cầu nguyện. “Lạy Chúa, con cần điều này”, “Lạy Chúa, con đang gặp khó khăn”, “Xin cứu giúp con!”: Tiếng kêu, tiếng kêu từ trái tim kêu lên Thiên Chúa là Cha. Và cũng phải làm như vậy trong những khoảnh khắc hạnh phúc, không chỉ trong những lúc tồi tệ, nhưng cũng trong những lúc hạnh phúc nữa, để cảm ơn Chúa vì tất cả những gì Người đã ban cho chúng ta, và không coi bất cứ điều gì là hiển nhiên hoặc như thể người ta nợ chúng ta: mọi sự đều là ân sủng. Chúng ta phải học điều này. Chúa luôn ban cho chúng ta, luôn luôn, và mọi sự đều là ân sủng, mọi sự. Ân sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không được bóp nghẹt lời khẩn cầu dâng lên trong mình một cách tự phát. Lời cầu nguyện xin ơn cùng đi với việc chấp nhận giới hạn của chúng ta và bản chất của chúng ta như các tạo vật. Người ta thậm chí có thể không tiến tới chỗ tin tưởng vào Thiên Chúa, nhưng khó mà không tin vào lời cầu nguyện: nó đơn giản có đó, nó hiện diện với chúng ta như một tiếng kêu; và tất cả chúng ta đều biết tiếng nói bên trong này có thể im lặng trong một thời gian dài, nhưng một ngày nào đó nó sẽ thức giấc và lớn tiếng kêu lên.

Và, thưa anh chị em, chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ đáp lời. Trong Sách Thánh Vịnh, không lời cầu nguyện nào nói lên một lời than thở mà lại không được nhận lời. Thiên Chúa luôn trả lời: có thể hôm nay, ngày mai, nhưng Người luôn trả lời, bằng cách này hay cách khác. Người luôn trả lời. Kinh thánh lặp lại điều đó không biết bao nhiêu lần: Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của những ai cầu khẩn Người. Ngay cả những câu hỏi miễn cưỡng của chúng ta, những câu hỏi vẫn còn ở trong vùng sâu thẳm của tâm hồn, mà chúng ta xấu hổ không dám bày tỏ: Chúa Cha lắng nghe chúng và mong muốn ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng mọi lời cầu nguyện và biến đổi mọi sự. Thưa anh chị em, trong cầu nguyện, luôn luôn có một vấn đề kiên nhẫn, luôn luôn, hỗ trợ sự chờ đợi. Nay, chúng ta đang ở trong thời gian của Mùa Vọng, một thời gian đặc trưng mong đợi; mong đợi Lễ Giáng sinh. Chúng ta đang chờ đợi. Điều này thấy rất rõ. Nhưng trọn cuộc sống của chúng ta cũng đang chờ đợi. Và cầu nguyện luôn mong đợi, vì chúng ta biết rằng Chúa sẽ nhận lời. Ngay cả cái chết cũng run sợ khi một Kitô hữu cầu nguyện, bởi vì nó biết rằng tất cả những ai cầu nguyện đều có một đồng minh mạnh mẽ hơn nó: Chúa Phục sinh. Sự chết đã bị đánh bại trong Chúa Kitô, và ngày sẽ đến khi mọi sự sẽ tận cùng, và nó sẽ không còn khinh thường sự sống và hạnh phúc của chúng ta nữa.

Chúng ta hãy học cách ở thế chờ đợi; chờ đợi Chúa. Chúa đến thăm chúng ta, không chỉ trong những ngày lễ trọng đại này – lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh – mà đúng hơn Chúa đến thăm chúng ta mỗi ngày, trong tình thân thiết của tâm hồn chúng ta nếu chúng ta biết chờ đợi. Và rất thường xuyên chúng ta không nhận ra rằng Chúa đang ở gần, Người đang gõ cửa nhà chúng ta, và chúng ta để Người đi mất. Thánh Augustinô từng nói: “Tôi sợ Thiên Chúa khi Ngài đi qua. “Tôi sợ rằng Người đi qua mà tôi không nhận ra”. Và Chúa đi qua, Chúa đến, Chúa gõ cửa. Nhưng nếu tai bạn đầy những tiếng ồn ào khác, bạn sẽ không nghe thấy tiếng Chúa gọi.

Thưa anh chị em, ở trong tư thế chờ đợi: đó là cầu nguyện. Cảm ơn anh chị em.

Nguồn: vietcatholicnews.org

__________________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, trong phần tiếp tục dạy giáo lý về lời cầu nguyện, giờ đây chúng ta chuyển sang lời cầu nguyện khẩn cầu. Sách Giáo lý giải thích rằng trong mỗi lời cầu nguyện, chúng ta cầu xin Nước Thiên Chúa đến trong đời sống của chúng ta và trong thế giới của chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Cha trên trời, thừa nhận sự phụ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Ngài và tin tưởng hoàn toàn vào sự chăm sóc quan phòng của Ngài, ngay cả vào những thời điểm đen tối nhất trong cuộc đời của chúng ta. Lời cầu khẩn cầu xin nảy sinh tự nhiên trong lòng con người. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy vô số lời cầu xin Chúa can thiệp khi chúng ta bất lực trước những tình huống bệnh tật, bất công, phản bội và tuyệt vọng. Ngay cả tiếng kêu đơn giản, “Lạy Chúa, xin giúp con!” tự nó là một lời cầu nguyện mạnh mẽ. Chúa luôn nghe thấy tiếng kêu của những ai kêu cầu Ngài. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng những lời cầu nguyện của chúng ta vang lên niềm khao khát của mọi tạo vật về việc Nước Trời đến (xem Rm 8,22-24) và sự hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện khẩn thiết với niềm tin tưởng nơi Người đã chiến thắng mọi sự dữ qua thập giá và sự phục sinh của Con Người và sự sai đến của Chúa Thánh Thần, Đấng thay mặt chúng ta cầu bầu và âm thầm hoạt động để biến đổi mọi sự.