25/12/2024

Đầu tư nhiều mà chỉ số tiếng Anh vẫn tụt hạng?: Đào tạo giáo viên chưa ‘trúng’

Đầu tư nhiều mà chỉ số tiếng Anh vẫn tụt hạng?: Đào tạo giáo viên chưa ‘trúng’

Giáo viên tiếng Anh thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao năng lực theo Đề án ngoại ngữ quốc gia, nhưng bản thân họ lại nhận thấy cách làm này vừa lãng phí vừa kém hiệu quả.
Một lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM năm 2018 /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Một lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM năm 2018  ĐÀO NGỌC THẠCH

Có bằng của trường nước ngoài danh tiếng vẫn phải thi

Bà Nguyễn Bảo Yến, Trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường Marie Curie (Hà Nội), thẳng thắn chỉ ra rằng: “Nhìn lại khóa học bồi dưỡng giáo viên (GV) theo Đề án ngoại ngữ 2020 cách đây vài năm, tôi thấy có những bất cập. Nếu vẫn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng GV như đề án thì thật lãng phí thời gian của GV và tiền bạc của nhà nước”.
Cụ thể, theo bà Yến, nhiều GV đã có bằng thạc sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, nhưng vẫn phải tham gia thi rà soát để xếp lớp học bồi dưỡng và thi lấy chứng chỉ theo khung năng lực 6 bậc của VN (B2 nếu là GV tiểu học, THCS và C1 nếu đang dạy THPT).
Bà Yến cũng cho biết năm 2016 Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức các khóa học về phương pháp giảng dạy, mời GV từ các trung tâm tiếng Anh đến bồi dưỡng. Tuy nhiên, người đứng lớp không được đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, và chính bản thân họ còn chưa thực sự hiểu rõ về các phương pháp mà họ đang trình bày. Vì vậy, GV tham gia khóa tập huấn này không thấy có hiệu quả và thuyết phục.

Nhiều đề án chỉ nhằm mua sắm trang thiết bị dạy học

Bà Trần Thị Quỳnh Lê, Giám đốc đào tạo Hệ thống Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring và Trường Phổ thông liên cấp Edison, cho rằng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chất lượng GV. Thực tế, ngành giáo dục chưa có đủ đội ngũ GV tiếng Anh đảm bảo chất lượng và đồng đều ở các địa phương, các cấp học, đặc biệt là ở những khu vực không phải đô thị lớn, ở bậc THCS và THPT.
Về đổi mới phương pháp dạy học, bà Quỳnh Lê nói rằng đã có nhiều dự án đào tạo bồi dưỡng GV tiếng Anh để đổi mới phương pháp dạy học. Các đề án ngoại ngữ này đã có những tác động nhất định lên chất lượng giảng dạy, nhưng có lẽ còn chưa đủ. Kinh nghiệm cho thấy những địa phương tích cực đào tạo GV và đi theo hỗ trợ toàn diện các GV này đến tận từng lớp học (sau các đợt đào tạo) thì sẽ cải thiện chất lượng dạy học và năng lực của học sinh hiệu quả hơn.
Ngược lại, nếu dự án đào tạo chỉ dừng ở việc bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh một vài đợt, mua sắm trang thiết bị dạy học… thì sẽ khó đạt được mục tiêu thay đổi chất lượng dạy học về căn bản.

Chưa dạy bằng phương pháp giao tiếp

Ông Minh N.Tran (ĐH Yale, Mỹ), Giám đốc nghiên cứu cấp cao của Education First (EF), từng nhiều lần phân tích kết quả về khả năng tiếng Anh của người Việt Nam sau khi EF công bố bảng xếp hạng từng năm.
Với cả trường phổ thông và đại học, ông Minh N.Tran cho rằng Việt Nam nên hướng tới việc dạy tiếng Anh bằng phương pháp giao tiếp, cung cấp cho học sinh, sinh viên cơ hội thường xuyên để nói tiếng Anh thông qua các hoạt động như câu lạc bộ, ngày chủ đề, ghép lớp học, mời diễn giả… Các trường cần cung cấp một diễn đàn để GV chia sẻ phương pháp thực hành tốt nhất và nhận lời khuyên về việc dạy tiếng Anh hiệu quả, để từ đó GV có con đường đơn giản nhằm cải thiện tiếng Anh của chính họ.
Theo ông, Việt Nam có thể tham khảo cách học tiếng Anh của các nước, vùng lãnh thổ trong cùng châu lục, ví dụ Đài Loan. Trong chính sách nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, điều đầu tiên được nhắc tới là tất cả học sinh tiểu học và THCS của Đài Loan được học ít nhất 1 tiết tiếng Anh mỗi ngày, với mục tiêu cải thiện kỹ năng nghe và nói tổng thể. Thứ hai là tích hợp tiếng Anh với các môn học, trong đó hiệu trưởng sẽ khuyến khích GV bộ môn dạy bằng tiếng Anh và chứng minh cách sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày.
Bà Nguyễn Bảo Yến cũng cho rằng mục đích của việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho GV là rất cần thiết để họ có đủ năng lực chuyên môn, tự tin đứng lớp, nhất là trong thời đại 4.0, khi mà học sinh dễ dàng tiếp cận với đa phương tiện và sử dụng các phần mềm trong việc học và thực hành tiếng Anh ngày càng thành thạo.
Bà Yến cũng đề nghị ngành GD-ĐT nên tổ chức các lớp tập huấn cho GV về phương pháp giảng dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, mời những người có trình độ chuyên môn cao chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh sao cho có hiệu quả, thay vì đào tạo, bồi dưỡng như cách làm lâu nay.
Bộ GD-ĐT lại đưa ra nhiều hứa hẹn
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ các cấp học phổ thông trên phạm vi toàn quốc, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ GV dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đưa ra một loạt giải pháp. Trong đó, sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp dạy và học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện đặc thù của các vùng miền, địa phương và cơ sở GD-ĐT; chú trọng việc nâng cao chất lượng và số lượng GV đạt chuẩn tại tất cả các địa phương để có thể triển khai đồng bộ các chương trình ngoại ngữ mới. Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế…
TUỆ NGUYỄN
TNO