24/01/2025

Trung Quốc khởi động ‘mặt trời nhân tạo’ nóng gấp 10 lần Mặt trời

Trung Quốc khởi động ‘mặt trời nhân tạo’ nóng gấp 10 lần Mặt trời

 ‘Mặt trời nhân tạo’ của Trung Quốc có tên gọi là thiết bị phản ứng tổng hợp hạt nhân có kiểm soát HL-2M Tokamak. Đây chính là tương lai của năng lượng sạch.

 

Trung Quốc khởi động mặt trời nhân tạo nóng gấp 10 lần Mặt trời - Ảnh 1.

Nhân viên kỹ thuật kiểm tra cỗ máy phản ứng hạt nhân tổng hợp HL-2M ở Thành Đô, Tứ Xuyên ngày 4-12 – Ảnh: AFP

Theo báo South China Morning Post, ngày 4-12, Trung Quốc đạt được bước tiến mới trong công nghệ phản ứng tổng hợp hạt nhân có kiểm soát (phản ứng nhiệt hạch) sau khi chạy thử thành công cỗ máy phản ứng HL-2M Tokamak thế hệ mới.

Theo Tập đoàn Nguyên tử quốc gia Trung Quốc (CNNC), HL-2M có thể vận hành ở nhiệt độ 150 triệu độ C – nóng gấp 3 lần phiên bản HL-2A trước đây, và nóng hơn Mặt trời thật đến 10 lần.

“HL-2M là ‘mặt trời nhân tạo’ lớn nhất, với các thông số tốt nhất của Trung Quốc”, ông Xu Min, giám đốc Viện Khoa học nhiệt hạch thuộc CNNC, mô tả.

Khả năng tạo ra nhiệt độ siêu cao rất quan trọng trong nghiên cứu quá trình nhiệt hạch – sao chép cách Mặt trời tạo ra năng lượng bằng cách dùng khí hydro và deuteri làm nhiên liệu. Lõi Mặt trời chỉ có nhiệt độ khoảng 15 triệu độ C.

Lò phản ứng thí nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) đang được xây dựng ở miền nam nước Pháp cũng được thiết kế để vận hành ở 150 triệu độ C (270 triệu độ F).

Trung Quốc khởi động mặt trời nhân tạo nóng gấp 10 lần Mặt trời - Ảnh 2.

Trung Quốc muốn đưa năng lượng nhiệt hạch vào sử dụng năm 2050 – Ảnh: Weibo

Ông Yang Qingwei, kỹ sư trưởng của CNNC, tự tin thành tựu của họ sẽ trở thành “trụ cột quan trọng” cho dự án ITER, trong đó Trung Quốc cũng là một thành viên cùng với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.

Cách đây một tuần, Viện Năng lượng nhiệt hạch Hàn Quốc tuyên bố lò phản ứng của họ đã thành công khi vận hành ở nhiệt độ 100 triệu độ C trong ít nhất 20 giây.

Trung Quốc có tham vọng đẩy nhanh phát triển công nghệ nhiệt hạch với kế hoạch xây một lò phản ứng thử nghiệm ngay trong năm 2021, một thiết kế công nghiệp vào năm 2035 và đi vào sử dụng quy mô thương mại vào năm 2050.

Theo bản kế hoạch phát triển công nghệ quốc gia do Bắc Kinh công bố hồi tháng 11, Trung Quốc sẽ tập trung nguồn lực để đột phá trong các công nghệ cốt lõi và quan trọng như trí tuệ nhân tạo, khoa học hàng không vũ trụ, khám phá vùng sâu của Trái đất và đại dương…

PHÚC LONG
TTO