24/12/2024

Chuyện phi thường của người ‘Giáo viên toàn cầu’

Chuyện phi thường của người ‘Giáo viên toàn cầu’

Ngày 3-12, Ranjitsinh Disale (32 tuổi, người Ấn Độ) vượt qua hơn 12.000 ứng viên từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, chính thức nhận giải thưởng “Giáo viên toàn cầu” (Global Teacher Prize) năm 2020.

 

Chuyện phi thường của người Giáo viên toàn cầu - Ảnh 1.

Thầy Ranjitsinh Disale và học sinh Ấn Độ – Ảnh cắt từ clip của Global Teacher Prizer

Đây được xem là giải “Nobel giáo dục”, được quỹ từ thiện Varkey Foundation triển khai 6 năm qua.

Do dịch COVID-19, năm 2020 lần đầu tiên ban tổ chức công bố trực tuyến từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh).

Có thầy, trẻ em gái được đến trường

Năm 2009, thầy giáo trẻ 21 tuổi Ranjitsinh Disale bắt đầu giảng dạy tại Trường tiểu học Zilla Parishad, nằm sâu trong ngôi làng Paritewadi, thành phố Solapur, bang Maharashtra (Ấn Độ).

Trước mắt Ranjitsinh là ngôi trường xập xệ, cũ nát, nằm giữa một nhà kho và chuồng gia súc. Bên trong các lớp học, trẻ em gái vắng bóng. Hơn 98% trẻ em gái ở làng Paritewadi không được đến trường hoặc buộc phải dở dang chuyện học để phụ giúp gia đình và lấy chồng khi chưa thành niên.

Ranjitsinh nhận thấy nguyên nhân là không hề có sách vở bằng tiếng Kannada của người dân trong vùng, mà chỉ toàn tiếng phổ thông. Điều này khiến học sinh khó tiếp cận, đặc biệt là trẻ em gái vốn chịu nhiều thiệt thòi vì định kiến xã hội.

Ranjitsinh chuyển vào sống trong làng, tự học tiếng Kannada. Không chỉ dùng “ngoại ngữ” này để vận động trẻ em đến lớp, Ranjitsinh dịch sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 4 sang tiếng Kannada cho học trò.

Theo đánh giá của ban tổ chức giải thưởng “Global Teacher Prize”, cống hiến của thầy Ranjitsinh để lại những kết quả “phi thường”. Hiện nay, 100% trẻ em gái trong làng được đến trường, tức tăng 98% so với trước khi Ranjitsinh đến. Cũng không còn nữ sinh nào ở Paritewadi bỏ học lấy chồng.

Trường tiểu học Zilla Parishad vươn lên vào danh sách những trường tốt nhất thành phố Solapur, với 85% học sinh đạt điểm A trong các kỳ thi. Năm nay, làng Paritewadi có một nữ sinh tốt nghiệp đại học, điều chưa từng có tiền lệ.

Chia sẻ giải thưởng với đồng nghiệp toàn cầu

Hay tin nhận được giải thưởng, Ranjitsinh vỡ òa vì xúc động. Thầy lập tức tuyên bố chia nửa giải thưởng trị giá 1 triệu USD cho chín thầy cô lọt vào vòng xét chọn cuối cùng của giải thưởng năm nay.

Theo Ranjitsinh, trong năm khó khăn vì COVID-19, thầy cô trên khắp thế giới đã làm việc hết sức để đảm bảo mọi học sinh được tiếp cận với giáo dục. Do đó, việc chia nhỏ giải thưởng là để các thầy cô sẽ “cùng làm những công việc phi thường, giúp đỡ nhiều học sinh hơn và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.

Số tiền còn lại sẽ được Ranjitsinh dùng cho những dự định về giáo dục và không ít dự án của mình. Theo ban tổ chức giải thưởng, từ khi đến trường, Ranjitsinh lồng ghép vào bài giảng cách giải quyết những vấn đề thực tế như việc trồng cây để chống sa mạc hóa.

Đến nay, tổng cộng 250ha đất xung quanh ngôi làng đã được các thầy trò “cứu” khỏi tình trạng sa mạc hóa. Thành công này giúp trường của anh đoạt giải thưởng về bảo tồn thiên nhiên “Wipro Nature Forever for Society” năm 2018.

Bà Stefania Giannini – phó tổng giám đốc của UNESCO, đồng tổ chức giải thưởng – đánh giá cao những đóng góp của các thầy cô tâm huyết như Ranjitsinh. Bà nhận xét: “Đại dịch COVID-19 giáng một đòn nặng nề vào nhiều hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, nhưng chính sự đóng góp của các giáo viên trên toàn cầu trong những thời điểm khó khăn như thế này sẽ tạo được những sự khác biệt tích cực”.

Cột mốc cho giáo dục Việt Nam

Năm 2020, cô giáo Hà Ánh Phượng là người Việt Nam đầu tiên vào vòng cuối cùng (top 10) của giải thưởng “Giáo viên toàn cầu”. Ánh Phượng người dân tộc Mường, là cựu sinh viên Trường ĐH Hà Nội. Năm 2016, Ánh Phượng về giảng dạy tại Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), là trường miền núi với 85% học sinh người dân tộc thiểu số.

Theo ban tổ chức, cô Phượng đã tự học và ứng dụng thành công công nghệ thông tin, tạo ra những “lớp học không biên giới”, kết nối học sinh của mình với các trường khác trên toàn thế giới. Ngoài việc ở trường, cô Phượng còn dạy học trực tuyến cho học sinh khó khăn từ châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ, thành viên tích cực của cộng đồng giáo dục Microsoft.

TRỌNG NHÂN
TTO