23/12/2024

Toà Thánh kêu gọi tuân thủ Công ước về Bom chùm

Toà Thánh kêu gọi tuân thủ Công ước về Bom chùm

Sức phá huỷ của bom chùm

Toà Thánh nhắc lại quyết tâm đóng góp vào việc phổ biến tuân thủ Công ước về Bom chùm (CCM), và đã tái kêu gọi tất cả các quốc gia chưa tham gia Công ước, xem xét tham gia các nỗ lực toàn cầu để cùng nhau xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại các Tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thuỵ Sĩ, đã nhấn mạnh quyết tâm này trong bài tham luận tại Hội nghị trực tuyến lần thứ hai, về xem xét lại Công ước Bom chùm được tổ chức từ ngày 25-27/11/2020.

Công ước đã được hơn 100 quốc gia ký vào năm 2008, nhằm giải quyết những hậu quả nhân đạo và tác hại không thể chấp nhận được do bom chùm gây ra cho dân thường, thông qua một lệnh cấm dứt khoát và một khuôn khổ hành động.

Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič cho biết, Toà Thánh đánh giá cao những nỗ lực hướng tới việc phổ cập Công ước, chào mừng Sao Tomé và Principe, Niue và Saint Lucia là các quốc gia thành viên mới của Công ước.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục lấy làm tiếc vì mục tiêu có 130 quốc gia thành viên vào năm 2015, được đặt ra tại Hội nghị đầu tiên xem xét lại Công ước ở Dubrovnik còn lâu mới đạt được. Và thực tế hiện nay, bom chùm tiếp tục được sử dụng trong một số cuộc xung đột, làm số các nạn nhân mới gia tăng và gây ô nhiễm. “Phổ cập không phải là một phần tùy chọn của Công ước. Đó là một nghĩa vụ pháp lý có ý nghĩa trực tiếp và hậu quả sâu rộng đối với hoạt động và việc thực hiện có hiệu quả Công ước, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ nạn nhân”, Đức Tổng Giám mục nói và nhấn mạnh rằng “nếu chúng ta đầu tư nhiều vào việc giải trừ quân bị, chúng ta sẽ ít cần chi cho việc hỗ trợ nhân đạo”.

Trong bài tham luận, Đức Tổng Giám mục Jurkovič cũng nhắc lại mối quan tâm của Toà Thánh về việc đưa ra thuật ngữ mới trong Kế hoạch Hành động được đề xuất: Sẽ chuyển sự chú ý và nỗ lực từ các nghĩa vụ nòng cốt của Công ước sang các vấn đề chính trị và tư tưởng. Vì vậy, một lần nữa Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh nhắc nhở phải tránh bất kỳ ngôn từ nào có thể gây tác động tiêu cực đến các nỗ lực phổ cập.

Cuối cùng, vị đại diện Toà Thánh nhấn mạnh quyết tâm của Toà Thánh trong việc đóng góp vào việc tuân thủ toàn cầu đối với Công ước và duy trì các tiêu chuẩn của nó, đồng thời tái kêu gọi tất cả các quốc gia chưa tham gia vào Công ước tham gia vào các nỗ lực toàn cầu để xây dựng một thế giới an toàn hơn. Bởi vì, chúng ta mắc nợ quá nhiều nạn nhân của quá khứ và các nạn nhân khả thể trong tương lai. Đó là những người mà chúng ta có thể bảo vệ cuộc sống của họ bằng cách thực hiện đầy đủ Công ước.

Ngọc Yến