22/12/2024

Được phép đốt pháo hoa ở cưới hỏi, sinh nhật có nguy hiểm?

Được phép đốt pháo hoa ở cưới hỏi, sinh nhật có nguy hiểm?

Trước quy định mới cho phép người dân được sử dụng pháo hoa ở các tiệc cưới hỏi, sinh nhật, khai trương…nhiều người  trẻ cho rằng  thấy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

 

 

 

Nghị định mới cho phép người dân được sử dụng pháo hoa ở tiệc cưới hỏi, sinh nhật, khai trương...nhiều người cho rằng rất nguy hiểm /// HOA NỮ
Nghị định mới cho phép người dân được sử dụng pháo hoa ở tiệc cưới hỏi, sinh nhật, khai trương…nhiều người cho rằng rất nguy hiểm  HOA NỮ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo. Theo đó, tại Điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 11.1.2021.

Mặc dù rất thích nhưng cũng rất sợ

Vừa đọc được thông tin về nghị định mới này, Nguyễn Thị Hoàng Lan, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Mình cũng đang tưởng tượng nếu đám cưới mà được bắn pháo hoa thì sẽ ấn tượng như thế nào. Nhưng nghĩ lại cũng thấy nguy hiểm không kiểm soát hết được đâu. Nên dù sao mình thấy cũng hơi phiêu phiêu”.

Còn anh chàng Trần Gia Nguyễn, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thì cho biết mặc dù cũng rất thích xem pháo hoa nhưng vẫn thấy sợ vì cho rằng được sử dụng tự do như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Được phép đốt pháo hoa ở cưới hỏi, sinh nhật có nguy hiểm? - ảnh 1

Mặc dù rất thích đi xem pháo hoa, nhưng Gia Nguyễn cho rằng nếu do một tổ chức, đơn vị nào đó tổ chức bắn có bài bản thì được, chứ nếu để cho cá nhân được sử dụng tự do thì rất nguy hiểm  NVCC

“Cá nhân mình thấy nếu dùng trong tiệc cưới, sinh nhật, lễ hội văn hoá nghệ thuật vui thì có vui đó nhưng mà cũng sẽ rất nguy hiểm . Giờ cho bắn trong tiệc cưới, sinh nhật thì không nên chút nào. Vì đặc thù của những hoạt động đó là đông người, mà không phải ai cũng có ý thức cao về mức độ nguy hiểm của pháo hoa, nên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm”, Gia Nguyễn bày tỏ.

Đốt pháo trong tiệc sinh nhật, 3 vũ công tử vong

Khoảng 23 giờ đêm 2.11, đốt pháo điện trong tiệc sinh nhật dẫn đến hỏa hoạn tại quán bar X5 ở Vĩnh Phúc, khiến 3 nữ dancer tử vong. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, quán bar X5 Club có tổ chức sinh nhật và đốt pháo điện. Tia lửa từ pháo điện đã bén vào bóng bay bơm khí hydro treo trên trần nhà dẫn đến nổ và cháy. 3 nạn nhân tử vong là 3 dancer, được quán bar mời về biểu diễn trong lễ sinh nhật.

Từ câu chuyện này cũng gióng lên “hồi chuông” cảnh báo cho những hệ lụy nếu được phép sử dụng pháo hoa một cách tự do như theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo mới vừa được ban hành.

Gia Nguyễn lấy ví dụ nếu tiệc sinh nhật được tổ chức tại nhà, mà có trẻ con thì một khi đốt pháo hoa sai cách hoặc trẻ con quá khích thì sẽ dẫn tới hậu quả khó lường. “Pháo hoa bắn vào dịp tết do những tổ chức có kinh nghiệm thực hiện, có sự đảm bảo an toàn thì được chứ bắn ở gia đình mình rất sợ. Trẻ con hiếu động mà ba mẹ lơ là thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, Gia Nguyễn bức xúc nói.

Rất khó để kiểm soát

Nhắc đến pháo hoa, Phan Hoàng Dung, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế, nhớ  thời “trẻ trâu” chỉ thích được xem bắn pháo hoa nên giờ có quy định mới này, Dung cũng khá hào hứng: “Mình đọc tin tức trên báo sáng nay mới biết có quy định mới cho người dân đốt pháo hoa trong các dịp tết, tiệc, sinh nhật, tự nhiên mình nhớ lại ngày còn nhỏ xíu kinh khủng”.

Dung bày tỏ thêm: “Đến bây giờ, khi quy định cho phép người dân đốt pháo mình thấy cũng hay nhưng mình cũng hơi lo, vì mặc dù quy định chỉ cho những người đủ năng lực hành vi dân sự nhưng làm sao kiểm soát hết được. Nếu người không đủ khả năng hoặc người có suy nghĩ lợi dụng pháo hoa làm việc xấu thì vô tình biến những khoảnh khắc đẹp đẽ thành những vụ tai nạn có người bị thương thì làm sao?”.

Được phép đốt pháo hoa ở cưới hỏi, sinh nhật có nguy hiểm? - ảnh 2

Nhiều bạn trẻ cho rằng nếu cá nhân được bắn pháo hoa thì rất khó để kiểm soát  HOA NỮ

Cùng quan điểm với Dung, Trương Văn Đức, cựu sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM, tỏ rõ sự lo lắng, bày tỏ: “Mình nghĩ đâu nhất thiết phải dùng pháo hoa vào những dịp này. Vui đâu mình chưa thấy nhưng thấy nguy hiểm và rất khó kiểm soát được”.

Theo Đức nếu được phép thì chỉ nên là những buổi tiệc lớn và có người hoặc tổ chức chuyên bắn pháo hoa thực hiện, chứ giao cho cá nhân ai cũng có thể được phép sử dụng pháo hoa thì nguy hiểm là không lường trước hết được.

Pháo hoa nổ vẫn cấm tuyệt đốiTheo Báo Tuổi Trẻ ngày 29.11, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa: “Ở đây phải hiểu pháo hoa được phép đốt là loại pháo mà người dân tổ chức đám cưới hay đốt phát ra ánh sáng, có tiếng xì xì, không có thuốc nổ, chứ không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ. Pháo hoa nổ bây giờ vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính…”.

HOA NỮ

TNO