Vì sao thay hàng loạt hiệu trưởng trường đại học tư thục?
Vì sao thay hàng loạt hiệu trưởng trường đại học tư thục?
Chỉ trong vài tháng gần đây đã diễn ra hàng loạt thay đổi về nhân sự hiệu trưởng các trường đại học tư thục. Vì sao có hiện tượng này?
Còn nhiều mong ước dở dang
Đầu tháng 11.2020, một thông tin khiến rất nhiều người bất ngờ là PGS-TS Đỗ Văn Xê thôi chức hiệu trưởng tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Ông Xê nhận nhiệm vụ này ngay khi về hưu, sau nhiều năm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ. Giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM hơn 2 năm, ông làm được nhiều điều nhưng vẫn nhiều mong ước còn dở dang.
Ngày 14.11.2018, phát biểu chính thức lần đầu tiên tại buổi lễ khai giảng năm học mới, PGS-TS Đỗ Văn Xê chia sẻ: “Tôi là người may mắn được đi du học ở nhiều nơi, đã làm việc gần 40 năm ở Trường ĐH Cần Thơ, trong đó có 15 năm làm phó hiệu trưởng. Lúc du học ở các nước, nhất là lúc học ở Mỹ, khi đến bất cứ nơi nào trong trường tôi đều có cảm giác thân thiện như đó chính là nhà của mình. Gặp thầy cô nào, nhất là các thầy cô làm ở các đơn vị hành chính và hỗ trợ sinh viên, họ đều tươi cười niềm nở, luôn muốn giúp đỡ mình, như đó là niềm vui của họ. Tôi ao ước khi về nước sẽ tạo được ngôi trường làm cho sinh viên của tôi có được cảm giác như thế. Tôi muốn tạo được không khí mà tất cả mọi người trong trường đều sống, làm việc vui vẻ và hạnh phúc khi được làm việc ở đó. Khi học xong về nước, tôi may mắn được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng đến 3 nhiệm kỳ nhưng tôi chỉ mới thực hiện khoảng 1/3 điều mình mong muốn vì còn nhiều hạn chế về quyền quyết định. Được mời làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM là dịp may mắn cuối đời để tôi thực hiện mong muốn một lần nữa, được làm điều mình mơ ước một cách trọn vẹn”. Trong ngày chính thức rời chức vụ hiệu trưởng, trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Đỗ Văn Xê cho biết trong thời gian hơn 2 năm lãnh đạo nhà trường, điều ông tâm đắc nhất là hoàn chỉnh bộ máy, tạo ra quy trình hoạt động trong nội bộ trường. Ông gầy dựng lại sau một thời gian dài Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM lâm vào bất ổn nội bộ nghiêm trọng. Tuy nhiên, dấu ấn của nhà trường với xã hội chưa được mạnh mẽ như kỳ vọng.
Hai năm vừa qua, những bất ổn trong nội bộ của trường này đã phần nào được giải quyết, nhưng vấn đề tuyển sinh và thương hiệu của trường lại là trở ngại lớn.
Ngày 23.11, PGS-TS Võ Trí Hảo (tiến sĩ luật học tại Trường Free University, Berlin, CHLB Đức, và được phong phó giáo sư năm 2015) nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định thay cho ông Hà Hữu Phúc (nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trước khi về làm Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định). Sau một số thành công, ông Phúc rời chức vụ dưới áp lực lớn về tuyển sinh khi thời gian qua trường chưa tạo được “thương hiệu” như kỳ vọng.
Sau một số bất ổn trong nội bộ, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM đã có hiệu trưởng mới là tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, trước đó là phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường.
Dự kiến trong thời gian sắp tới cũng sẽ có một số thay đổi về nhân sự các trường ĐH. Với những hiệu trưởng này, sẽ có những mong ước mãi dở dang.
|
Hiệu trưởng trường tư đâu chỉ lo việc tuyển sinh
PGS-TS Đỗ Văn Xê rút khỏi chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM để làm cố vấn nhà trường. Thời gian điều hành trường cho ông nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục ở khối trường tư thục khiến ông có những nhìn nhận khác về hệ thống trường này so với thời gian dài làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ trước đó.
Đánh giá về vị trí hiệu trưởng của các trường ĐH tư thục hiện nay, PGS-TS Xê cho rằng hiệu trưởng đang phải giải quyết 2 vấn đề. Đầu tiên là điều hành nhà trường để hoạt động. Kế đến là uy tín của trường đối với xã hội, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay điều ảnh hưởng nhất đến vị trí hiệu trưởng là vấn đề tuyển sinh. Mỗi hiệu trưởng nhận nhiệm vụ ở các trường lúc này còn phải kèm theo định mức về tuyển sinh của trường. Nếu thời gian kéo dài mà không hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh thì ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trường. Do đó hội đồng trường phải xác định phương án tuyển sinh đột phá hơn, trong đó có giải pháp thay đổi hiệu trưởng để thực hiện những bước đi mới. Trong khi đó, trong lĩnh vực tuyển sinh, các trường ĐH tư thục tại TP.HCM đang cạnh tranh hết sức khốc liệt nên sẽ rất khó khăn cho bất kỳ ai nhận nhiệm vụ hiệu trưởng.
Lãnh đạo một trường ĐH tư thục cho rằng còn có một trở ngại cho nhiều hiệu trưởng hiện nay là tư duy quản lý. Từ khi các doanh nghiệp sở hữu trường ĐH tư thục mời lãnh đạo trường công lập về hưu làm hiệu trưởng, cho đến nay các hiệu trưởng này vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn. Lý do chính đến từ cách hoạt động khác biệt giữa hai loại hình trường công và tư khiến các hiệu trưởng chưa thích ứng kịp thời nếu thời gian điều hành quá ngắn.
Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực, nhận định trường ĐH tư thục ở Việt Nam hiện nay thường dựa trên căn cứ cụ thể để trả lương cho hiệu trưởng. Nhiều nơi dựa trên định mức về số lượng sinh viên tuyển được để cam kết cùng các hiệu trưởng. Tuy nhiên, làm vậy khá “lộ liễu”, không đúng với tầm vóc của một hiệu trưởng trường ĐH. Các trường ở nước ngoài không như vậy mà đánh giá hiệu trưởng, cam kết thời gian bổ nhiệm, đưa ra mức lương dựa trên các mục tiêu hai bên cam kết. Tới mức độ nào đó, hiệu trưởng không đạt được mục tiêu thì sẽ bị sa thải. Mục tiêu này rộng hơn chứ không chỉ tập trung vào việc tuyển sinh như một số trường ĐH tư thục ở Việt Nam hiện nay.
“Hiệu trưởng một trường ĐH không phải là một người suốt ngày lo lắng cho việc tuyển sinh mà quên đi những việc khác quan trọng hơn trong một trường đại học”, ông Cảnh nhận định.
Hiệu trưởng cũng như giám đốc ở doanh nghiệp
Ngày 21.11, chỉ một ngày sau ngày Nhà giáo Việt Nam, tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Huế), công bố sẽ rời chức vụ hiệu trưởng trường này. Thay thế ông là tiến sĩ Hồ Thị Hạnh Tiên, trước đó là phó hiệu trưởng nhà trường.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh là người đang nắm giữ kỷ lục đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục ĐH. Từ năm 2014 đến nay, ông là hiệu trưởng ở 3 trường ĐH khác nhau: FPT, Thành Tây, Phú Xuân. Ông đã biến công việc của mình thành “nghề hiệu trưởng” chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho biết: “Bản chất nghề hiệu trưởng cũng như nghề giám đốc ở doanh nghiệp vậy. Có người ngồi làm việc 30 – 40 năm nhưng có người chỉ làm vài năm hoặc làm nhiệm vụ quan trọng trong một thời gian rồi nhượng lại cho người khác. Sau một thời gian điều hành Trường ĐH Phú Xuân từ nhiều khó khăn đến hoạt động khá ổn định, tôi sẽ chuyển qua làm một nhiệm vụ mới nhiều thách thức hơn. Đó là điều hành một hệ thống gồm 30 trường phổ thông trên toàn quốc với nhiều kỳ vọng”.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO