24/12/2024

ĐTC Phanxicô: Kitô giáo có thể thay đổi thế giới nếu sống Tin Mừng

ĐTC Phanxicô: Kitô giáo có thể thay đổi thế giới nếu sống Tin Mừng

Bìa sách “Thiên đàng trên trái đất: Yêu thương và phục vụ để biến đổi thế giới”
Trong cuốn sách “Thiên đàng trên trái đất: Yêu thương và phục vụ để biến đổi thế giới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến sức mạnh hoán cải của Kitô giáo khi nói rằng Kitô giáo có thể thay đổi thế giới nếu sống Tin Mừng.

Cuốn sách thuộc bộ sách “Trao đổi Quà tặng”, sẽ được phát hành bởi nhà xuất bản Vatican vào thứ Ba 24/11. Nó là một sưu tập các tuyên bố của Đức Thánh Cha về chủ đề đức tin, một đức tin được biến đổi thành lòng bác ái đối với tha nhân. Trong cuốn sách cũng có một bản văn chưa từng được xuất bản của Đức Thánh Cha.

Trong bản văn chưa từng được xuất bản Đức Thánh Cha viết: “Chính khi Kitô giáo đâm rễ trong Tin Mừng thì nó mang lại những gì tốt nhất cho nền văn minh” và “nó đánh mất những gì tốt nhất của chính mình khi nó tự làm hư hỏng bản thân và đồng hóa với lý luận và cấu trúc thế gian”. Ngài nhấn mạnh đến “sức mạnh hoán đổi của Kitô giáo” qua các thế kỷ, bắt đầu từ việc xem xét giá trị của mỗi cá nhân. Một thế giới mới, công bằng và huynh đệ hơn được sinh ra như một “hệ quả nhưng không của một đức tin được sống đơn giản”.

Quyền năng của Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh

Đức Thánh Cha nhận định rằng Kitô giáo “không biến đổi thế giới cổ đại bằng những thủ đoạn của thế gian hay sự tự nguyện luân lý, nhưng chỉ bằng quyền năng của Thần Khí của Chúa Giêsu Phục Sinh”: “Cả một dòng sông của những việc bác ái dù lớn hay nhỏ, một dòng chảy liên đới đã trải qua lịch sử 2.000 năm, đều có cội nguồn duy nhất này. Bác ái được sinh ra từ cảm xúc, sự ngạc nhiên và ân sủng.”

“Ngay từ thuở sơ khai, về mặt lịch sử, lòng bác ái của người Kitô hữu đã trở thành sự quan tâm đến nhu cầu của những người yếu đuối nhất, những người góa bụa, nghèo khó, nô lệ, bệnh tật, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội… Lòng nhân ái, đồng cam cộng khổ với những người cùng khổ, sẻ chia. Nó cũng trở thành một lời tố cáo những bất công và cam kết chống lại chúng bao nhiêu có thể. Bởi vì chăm sóc một người có nghĩa là mang lấy toàn bộ hoàn cảnh của họ và giúp họ giải phóng bản thân khỏi những gì áp bức và từ chối quyền của họ nhất.” (CSR_8595_2020)

Hồng Thuỷ