24/11/2024

Ngang nhiên ‘xẻ thịt’ đất công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc: Bao giờ xử lý dứt điểm sai phạm?

Ngang nhiên ‘xẻ thịt’ đất công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc: Bao giờ xử lý dứt điểm sai phạm?

Nhiều doanh nghiệp và đối tượng chiếm đất công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc (Q.9, TP.HCM) vẫn cố tình chây ì không trả mặt bằng, thách thức kỷ cương pháp luật…
Bãi gỗ rộng hơn 1 ha trên đường Hàng Tre, P.Long Bình, Q.9 (TP.HCM) do đối tượng lạ mặt chiếm dụng từ năm 2018, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm /// ẢNH: SỸ ĐÔNG
Bãi gỗ rộng hơn 1 ha trên đường Hàng Tre, P.Long Bình, Q.9 (TP.HCM) do đối tượng lạ mặt chiếm dụng từ năm 2018, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm    ẢNH: SỸ ĐÔNG
Hơn 2 năm kể từ khi có kết luận thanh tra về những sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (Q.9, TP.HCM), nhiều doanh nghiệp và đối tượng chiếm đất vẫn cố tình chây ì không trả mặt bằng, thách thức kỷ cương pháp luật…
Dự án công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (gọi tắt là dự án) nằm trên địa bàn Q.9 (TP.HCM) và TP.Dĩ An (Bình Dương) rộng khoảng 395 ha. Hồi tháng 7.2018, Thanh tra TP.HCM ban hành kết luận thanh tra chỉ ra việc Ban Quản lý công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc (gọi tắt là BQL) cho thuê đất, ký 19 hợp đồng cho thuê đất không phù hợp mục đích sử dụng đất và không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc cho thuê.

Vẫn ngang nhiên chiếm dụng

Trong tháng 6 và tháng 7.2020, Báo Thanh Niên đã đăng tải loạt bài Ngang nhiên “xẻ thịt” đất công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc, phản ánh tình trạng BQL cho thuê mặt bằng bát nháo; hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp (DN) chiếm đất làm bến, bãi trái phép và không bàn giao mặt bằng khi đã nhận bồi thường… Sau khi báo đăng, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu chấn chỉnh các sai phạm, thu hồi mặt bằng cho thuê.
Thế nhưng, theo ghi nhận của Thanh Niên vào giữa tháng 11.2020, vấn nạn DN chiếm đất làm bến thủy nội địa, bãi gỗ, vật liệu xây dựng… vẫn diễn ra công khai. Trong đó, quy mô nhất vẫn là các bãi gỗ trên đường Nguyễn Xiển (P.Long Bình, Q.9) của Công ty CP tiếp vận Mê Kông (26.000 m2), Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành (22.000 m2)…
Bến thủy nội địa hoạt động không phép trong khuôn viên dự án công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc

Bến thủy nội địa hoạt động không phép trong khuôn viên dự án công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc

Bên trong các khu đất này, hàng ngàn khúc gỗ được đánh số, xếp chồng lên nhau. Dọc bờ sông, các bến thủy nội địa dù đã bị Sở GTVT rút giấy phép, nhưng vẫn hoạt động ì xèo cả ngày lẫn đêm, cạp xáng múc cát chất lên xe tải ra vào nhộn nhịp. Còn trên khu đồi Dù (P.Long Bình) nằm trong dự án, vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động rầm rộ.
Ngoài ra, một khu đất rộng khoảng 1 ha trên đường Hàng Tre (gần giao lộ với đường Nguyễn Xiển) bị đối tượng lạ mặt đến chiếm dụng đất làm bãi gỗ từ năm 2018, nhưng đến nay chính quyền địa phương chưa giải quyết dứt điểm. Cũng trên đường Hàng Tre (đoạn gần bến xe buýt), một hộ dân lấn chiếm thêm phần đất bên cạnh đã được bồi thường để làm nhà xưởng sửa chữa container rộng hàng ngàn mét vuông…

Dùng dằng cưỡng chế

Cũng tại dự án, ngoài các DN chiếm đất thì còn 277 hộ dân và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng, phần lớn đã nhận đầy đủ chính sách bồi thường và tái định cư.
Mặc dù UBND Q.9 đã ban hành 51 quyết định cưỡng chế thu hồi đất từ năm 2019, nhưng đến đầu tháng 11.2020 mới bắt đầu thực hiện. Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Q.9, cho biết sẽ tập trung cưỡng chế các hộ đã nhận đủ chính sách bồi thường, đang sinh sống tại nơi ở mới nhưng lấy chỗ cũ cho thuê cho mướn. Đối với nhóm hộ dân đã nhận chính sách nhưng chưa có chỗ ở mới và nhóm các hộ dân thực sự khó khăn sẽ thực hiện sau. “Công tác cưỡng chế phải làm từng bước, từng đợt chứ không thể làm một lúc”, ông Bảy nói.
Ông Phạm Ngọc Lượng, Chủ tịch UBND P.Long Bình, cho biết đã tổ chức 2 đợt cưỡng chế, đợt 3 dự kiến tổ chức từ ngày 23 – 25.11. Sau khi cưỡng chế 4 hộ đợt đầu tiên, các hộ đợt 2 đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, quận hỗ trợ lực lượng để đẩy nhanh tiến độ; ở đợt 3 sắp cưỡng chế, một số hộ dân đã chủ động tháo dỡ. Về thời điểm hoàn tất công tác cưỡng chế, ông Lượng cho biết kế hoạch cưỡng chế do UBND Q.9 ban hành, phường chỉ là đơn vị phối hợp nên cũng không biết khi nào xong. “Cái này tùy theo tình hình thực tế, nếu người dân đồng thuận thì sẽ nhanh, nhưng nếu gặp phải trường hợp gai góc thì sẽ khó”, ông Lượng phân trần.

Bất lực nhìn đất công bị cưỡng chiếm?

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Như Tâm, Phó chánh văn phòng BQL, cho biết sau khi có kết luận thanh tra, BQL đã làm việc với các DN để thanh lý hợp đồng. Đến nay, có 10 hợp đồng đã được thanh lý và bàn giao mặt bằng; 4 hợp đồng đã thanh lý và bàn giao một phần mặt bằng. Dù vậy, vẫn còn 4 DN không chịu bàn giao mặt bằng dù hợp đồng đã hết hạn từ cuối năm 2018; các DN này gồm: Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành, Công ty CP tiếp vận Mê Kông, Công ty TNHH Nam An và Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải xây dựng T&T.
Trả lời câu hỏi vì sao hơn 2 năm kể từ khi có kết luận thanh tra nhưng vẫn chưa thu hồi được mặt bằng, ông Tâm cho biết BQL đã mời các DN nhiều lần lên làm việc nhưng các DN bất hợp tác, cố tình trì hoãn trả mặt bằng để tiếp tục cho thuê kiếm lời. Trong đó, Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành là 1 trong những đơn vị cố tình bất hợp tác và có biểu hiện chống đối, không thực hiện theo kết luận của thanh tra. Công ty CP tiếp vận Mê Kông bàn giao được 6.000/26.000 m2 rồi tiếp tục trì hoãn với lý do các DN thuê lại mặt bằng chưa tìm được bãi chứa. Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải xây dựng T&T cũng mới tháo dỡ được phần hàng rào, còn nhà xưởng, trạm trộn bê tông bên trong dự án vẫn tiếp tục hoạt động.
Ông Tâm cho biết hợp đồng hết hạn thì đương nhiên chấm dứt, DN thuê mặt bằng phải có trách nhiệm trả lại cho BQL. Do các DN cố tình chây ì, không bàn giao mặt bằng nên BQL đã đề nghị UBND Q.9 xử lý hành vi chiếm đất theo Nghị định 91/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm các sai phạm.
“Gần 2 năm qua, các DN chiếm đất cố tình trì hoãn bàn giao mặt bằng để hưởng lợi nhuận từ việc cho thuê lại mặt bằng. Các DN này cũng không trả một khoản tiền nào cho BQL”, ông Tâm nói.
Liên quan vấn nạn đất công tại dự án công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc bị cưỡng chiếm, PV Thanh Niên đã liên hệ UBND Q.9 gửi nhiều câu hỏi về thời gian hoàn tất công tác cưỡng chế các hộ dân đã nhận bồi thường, có xử lý hình sự các đối tượng chiếm đất hay không, xử lý các DN sai phạm trong khuôn viên dự án như thế nào, trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật và quản lý địa bàn của UBND Q.9…, nhưng đến chiều qua (21.11) vẫn chưa nhận được câu trả lời.
SỸ ĐÔNG
TNO