9 cách tốt nhất để kiểm soát cơn giận
9 cách tốt nhất để kiểm soát cơn giận
Những người tức giận có nhiều khả năng bị đau tim hơn. Hãy học cách kiểm soát cơn giận với những mẹo sau, theo The Healthy.
Giận dữ không tốt cũng không xấu
Brad Bushman, tiến sĩ, giáo sư về giao tiếp tại Đại học bang Ohio (Mỹ), cho biết: “Tức giận là một cảm xúc tiêu cực, nhưng không hẳn là xấu. Sự tức giận làm cho con người cảm thấy mạnh mẽ, thúc đẩy họ bảo vệ những gì họ tin là đúng”.
Mức độ giận dữ bình thường có thể trở nên gay gắt. Khi đó các mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, trừ phi bạn học được cách kiềm chế cơn giận của mình.
Điều gì xảy ra khi tức giận?
Khi tức giận, cơ thể tiết ra cholesterol và catecholamine gây tích tụ chất béo trong tim và động mạch cảnh. Không có gì ngạc nhiên khi những người hay nổi nóng dễ bị đau tim hơn những người ít nổi giận.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu – European Heart Journal: Acute Cardiovascular Care cho biết nguy cơ đau tim tăng hơn 8,5 lần trong 2 giờ sau một cơn tức giận dữ dội.
Vậy làm thế nào để kiểm soát cơn giận của mình? Hãy thử những cách sau, theo The Healthy.
1. Xác định dấu hiệu
Thật khó để đưa ra lựa chọn thông minh khi đang chìm trong cảm xúc tiêu cực. Khi bắt đầu cảm thấy khó chịu, hãy tránh khỏi tình huống đó hoặc thử các kỹ thuật thư giãn để giảm bớt sự tức giận.
2. Giảm sự kỳ vọng
Tiến sĩ tâm lý học Bernard Golden, người sáng lập chương trình Giáo dục Quản lý Giận dữ và là tác giả cuốn Vượt qua cơn giận dữ: Chiến lược hiệu quả cho biết: “Phần lớn sự tức giận bắt nguồn từ việc có những kỳ vọng phi thực tế về người khác, về thế giới xung quanh và về chính bản thân. Giảm bớt những kỳ vọng này sẽ giảm nguyên nhân khiến ta tức giận”.
|
3. Thay đổi góc nhìn
Khi ai đó làm bạn tức giận, hãy thử giả vờ là một người ngoài cuộc đang xem tình huống đó. Tiến sĩ Bushman cho biết: “Những người tức giận thường đắm chìm trong hoàn cảnh và suy nghĩ về điều đã khiến họ tức giận. Khi xem mình là người ngoài cuộc, họ ít bị đắm chìm hơn”.
4. Thiền
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Mindfulness, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người thiền định hằng ngày trong 3 tuần đã giảm đáng kể hành vi hung hăng.
Không cần phải dành nhiều thời gian để thiền, chỉ vài phút mỗi ngày cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn, theo The Healthy.
5. Thở sâu
Khi không có thời gian để thiền, bạn vẫn có thể sảng khoái với các bài tập thở. Tiến sĩ Bushman nói: “Hít thở sâu giúp làm chậm nhịp tim và giữ cho tâm trí tập trung vào việc khác ngoài nguyên nhân gây căng thẳng”.
6. Tập thể dục
Tập thể dục kích thích giải phóng các hóa chất tốt cho não. Các nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên Tạp chí Khoa học Y tế Khoa học Acta cho thấy tập thể dục là một cách hiệu quả để kiểm soát cơn giận.
7. Nghĩ về điều tích cực
Khi tức giận với một người thân thiết, hãy nhớ đến trải nghiệm mà bạn cảm thấy được quan tâm hoặc yêu thương người đó nhiều hơn, hoặc hình dung bản thân trong tương lai khi nhìn lại sự kiện này và tự hỏi mình sẽ cảm thấy thế nào khi thực hiện hành động này.
8. Ngủ
|
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 trên tạp chí Sleep, các nhà nghiên cứu đã phân tích nhật ký hằng ngày của 202 sinh viên đại học, gồm theo dõi giấc ngủ, những yếu tố gây căng thẳng hằng ngày và sự tức giận của họ trong suốt một tháng. Những người tham gia cho biết họ cảm thấy tức giận hơn vào những ngày thiếu ngủ so với những ngày được nghỉ ngơi đầy đủ.
9. Tìm đến chuyên gia
Liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp bạn học cách phát hiện những tác nhân gây ra cơn tức giận và cách kiểm soát chúng.
Nếu tức giận là một triệu chứng của một vấn đề lớn hơn như trầm cảm, hãy liên hệ với bác sĩ để được kê thuốc hợp lý, theo The Healthy.
THIÊN LAN
TNO