26/12/2024

Lăng kính Bạn đọc: Ở thành phố mà phải chèo xuồng đến trường !

Lăng kính Bạn đọc:

Ở thành phố mà phải chèo xuồng đến trường !

Hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) những ngày qua giống như một con sông mênh mông nước, người dân trong hẻm phải chèo xuồng giữa phố đưa con đến trường vì nước ngập sâu.
Người dân hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) chèo xuồng đưa con đi học /// ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Người dân hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) chèo xuồng đưa con đi học ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) những ngày qua giống như một con sông mênh mông nước, người dân trong hẻm phải chèo xuồng giữa phố đưa con đi học vì nước ngập sâu, nhiều ngày không rút. Nhiều bạn đọc cám cảnh, đặt câu hỏi: Ở thành phố mà chèo xuồng đến trường, coi được không?
Như Thanh Niên đã đưa tin, những ngày qua, triều cường ở TP.HCM đạt đỉnh, nhiều khu vực bị ngập vào những giờ đỉnh triều. Tuy nhiên, trong hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát thì triều cường lên nhanh nhưng xuống rất chậm khiến cả hẻm phải sống chung với nước ngập trong nhiều ngày liên tiếp. Vào buổi sáng, người dân phải chèo xuồng đưa con đi học hoặc cõng con trên lưng để con không ướt giày dép, quần áo. Thấy cảnh trẻ con đi học bằng xuồng mỗi sáng, chị Trần Thị Thanh Nga (46 tuổi) nói vui rằng khu này đang dần biến thành “chợ nổi”.
Theo ông Huỳnh Văn Mè (70 tuổi), trong đợt triều cường này, một ngày người dân ở hẻm chỉ có khoảng 3 tiếng (từ 13 – 16 giờ) là nhìn thấy được mặt đường mấp mô. Còn lại các khoảng thời gian khác trong ngày mênh mông nước khiến cả hẻm trông như một con sông.

Venice châu Á là đây

Thấy cảnh tượng chèo xuồng đưa con đi học, bạn đọc (BĐ) Ưu ngỡ ngàng: “Cứ tưởng ở vùng lũ, ai ngờ là Sài Gòn”. BĐ Như Ý thì cho rằng: “Vừa chèo vừa hát vài câu cải lương là giống y miền Tây mùa nước nổi”. BĐ Thai chia sẻ cảm xúc: “Trên đường bộ, lộ biến thành sông, cùng nhau chèo thuyền đi học khi triều lên tại TP.HCM. Nếu có khách nước ngoài qua thấy cảnh này chắc là độc, lạ và chỉ có tại nước mình”.
Trong khi đó, BĐ VGA lại ví von với TP.Venice bên Ý: “TP ta trở thành TP.Venice của châu Á, điểm du lịch nổi tiếng mà không tốn phí đầu tư xây dựng, không thông minh sao?”.

Không biết lãnh đạo thành phố và các ông “dự án chống ngập”
nghĩ sao?

Tran Huynh Duc

Nói về “đặc sản ngập nước ở TP.HCM”, BĐ Định Phan Gia cảm thán: “Năm nào cũng viết, cũng chụp hình, giải pháp thì toàn nói, không biết khi nào mới xong, cứ bảo là TP thông minh, bốn chấm không…”. Còn BĐ Le Quang thì xuất khẩu thành… “thơ”: Thành phố em mùa nước lũ! Quen rồi, không có gì ngạc nhiên. Ngập nước thấy vui”. Nhưng nhiều BĐ khác lại không thấy vui chút nào.

Bao giờ hết ngập ?

Xem xong bài viết trên Thanh Niên, BĐ NPHONG chia sẻ: “Chuyện thật 100% mà cứ ngỡ đang đọc chuyện cười – nhưng mà đây là chuyện “cười ra nước mắt”! Hy vọng chỉ cần một trong số những quan đang phụ trách vấn đề này của TP “liếc” cái tiêu đề và cái hình thôi cũng được rồi”.
Bao giờ hết ngập? Đó là câu hỏi và cũng là mong ước của người dân nơi đây nói riêng, cũng như người dân TP nói chung. BĐ Nguyễn Mạnh Trung thẳng thắn: “Đây là vấn đề cấp bách lãnh đạo TP.HCM phải quan tâm giải quyết trước khi xây dựng TP thông minh”.
Trong khi đó, BĐ Tân Hồng đề nghị: “Do đường Huỳnh Tấn Phát nâng đường nên mỗi khi trời mưa to kéo dài hay triều cường dâng cao, nhiều hẻm bị ngập do hẻm thấp hơn đường. Rất mong được sự quan tâm của các cấp chính quyền Q.7 tạo điều kiện cho người dân được nâng cấp hẻm để đi lại được thuận tiện hơn”.
Tuy nhiên, BĐ Hồng Ðào lại đặt câu hỏi: “Nếu nâng hẻm lên thì nhà cũng phải nâng lên, thế là đường lại thấp, lại ngập đường. Rồi có phải lại nâng đường, hẻm lại thấp, nhà dân lại thấp, lại ngập…? TP phải có giải pháp đồng bộ, chứ điệp khúc “nâng hẻm, nâng đường rồi lại tiếp tục nâng hẻm, nâng đường…” sẽ không giải quyết được chuyện ngập”.

Từ nay tới tết toàn triều cường cao cả, chính quyền nên có biện pháp xử lý xóa ngập sớm. Đừng để tới mồng 1 tết bà con chèo xuồng đi chúc tết nhau, vui chịu không nổi luôn.

Võ Anh Tuấn

Đề nghị chính quyền địa phương xuống họp với bà con để khẩn trương tìm giải pháp xóa ngập, xóa cảnh chèo xuồng đưa con đi học… Chứ ở thành phố mà chèo xuồng đến trường đi học, coi được không?

Chiếm

 

M.GIAO

TNO