26/12/2024

Chuyên gia cảnh báo: Tử vong do kháng thuốc nhiều hơn do Covid-19

Chuyên gia cảnh báo: Tử vong do kháng thuốc nhiều hơn do Covid-19

Kháng sinh không chỉ dùng trong điều trị, dự phòng cho người mà còn được dùng điều trị, dự phòng và tăng trọng cho vật nuôi, thuỷ hải sản. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi như bây giờ sẽ gây nguy hại cho mai sau.
Nhiều bệnh nhân mới nhập viện nhưng đã mang vi khuẩn kháng kháng sinh thế hệ mới /// Ảnh: Duy Tính
Nhiều bệnh nhân mới nhập viện nhưng đã mang vi khuẩn kháng kháng sinh thế hệ mới  ẢNH: DUY TÍNH
Ngày 21.11, Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Chương trình phòng, chống kháng sinh tại TP.HCM” nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng chống kháng thuốc kháng sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tại hội thảo, tiến sĩ – bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết số lượng chủng khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, nhưng số lượng công ty nghiên cứu phát sinh kháng sinh thì giảm đi. Nếu như năm 1990 có 18 công ty lớn trên thế giới nghiên cứu về kháng sinh, đến 2010 chỉ còn 4 công ty. Dường như việc nghiên cứu kháng sinh khó và ít lợi nhuận nên các công ty nghiên cứu các loại thuốc khác.
Những năm 1990 – 1994 có 19 kháng sinh mới hằng năm được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) công nhận đưa ra thị trường. Nhưng đến 2000 – 2004 chỉ còn 6 loại kháng sinh mới. Nhưng kháng sinh mới chủ yếu dựa vào kháng sinh cũ và thay đổi công thức để làm sao vượt qua được sự đề kháng của vi khuẩn. Mặc dù kháng sinh mới tìm ra ngày càng hiếm nhưng dòng đời kháng sinh ngày càng rút ngắn do vi khuẩn kháng thuốc.
“Trong tương lai, liệu nhân loại không còn kháng sinh đề điều trị bệnh nhiễm trùng và tới lúc nào đó bác sĩ chỉ rửa tay để bệnh nhân không bị nhiễm trùng và nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng thì cầu mong cho bệnh nhân vượt qua nhờ đến sức đề kháng của cơ thể? Liệu kỷ nguyên hậu kháng sinh có đến không? Làm sao để làm chậm kỷ nguyên hậu kháng sinh?“, TS.BS Vĩnh Châu đặt vấn đề.

Nguyên nhân nào gây đề kháng kháng sinh?

Theo TS.BS Vĩnh Châu, nguyên nhân gây kháng kháng sinh là do dùng kháng sinh không phù hợp, quá liều, dưới liều hoặc sử dụng thuốc không theo đơn. Mặc dù Bộ Y tế có quy định mua kháng sinh theo đơn, nhưng thực tế việc mua bán còn chưa tuân thủ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
TS.BS Châu cũng cho rằng, chất lượng kháng sinh cũng là điều đáng quan tâm, vì nếu dùng thuốc kém chất lượng thì dẫn đến kháng kháng sinh rất nhanh.
Bên cạnh đó, việc kiểm nghiệm thuốc còn hạn chế, khó khăn. Việc phòng ngừa, kiểm soát bệnh truyền nhiễm chưa hiệu quả làm gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, người bệnh điều trị trong bệnh viện là nguồn lây truyền chính từ người này sang người khác. Thiếu các cơ sở xét nghiệm vi sinh để xét nghiệm phát hiện vi khẩn để điều trị đúng.
“Việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi chưa hợp lý dẫn đến các vi sinh vật đề kháng gây kháng thuốc trên người. Các quy định chuyên môn về khám, chữa bệnh chưa được cập nhật thường xuyên liên tục việc quy định về sử dụng kháng sinh… Nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế còn hạn chế”, TS.BS Vĩnh Châu cho biết thêm.

Không uống kháng sinh tùy tiện

Trước thực trạng trên, TS.BS Vĩnh Châu khuyến cáo là phải dùng kháng sinh đúng thời gian, liều lượng, phối hợp kháng sinh, xoay vòng kháng sinh để tránh hiện tượng kháng thuốc.
“Cần quản lý kháng sinh trước khi không còn gì để quản lý. Mọi người cần tham gia vào làm chậm quá trình đề kháng kháng sinh để thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta còn kháng sinh hiệu quả khi mắc bệnh nhiễm trùng. Sai lầm nhất cứ sốt là uống kháng sinh, nhưng sốt do nhiễm siêu vi mà siêu vi thì thuốc kháng sinh không có tác dụng gì?”, TS.BS Vĩnh Châu khuyến cáo.
Theo TS.BS Vĩnh Châu, không phải bệnh nào cũng cần dùng kháng sinh. Có những bệnh phòng ngừa bằng vắc xin thì tiêm vắc xin, vắc xin là 1 trong nhiều vũ khí của con người để đối phó với vi sinh vật
“Vi khuẩn là bộ máy sinh học thông minh, tùy vào cơ chế của kháng sinh thì vi khuẩn sẽ có những cơ chế để kháng lại. Nhiều loại vi khuẩn hiện nay đã kháng hầu hết các loại kháng sinh, nhóm thuốc kháng sinh mạnh nhất hiện nay hầu như đều bị kháng từ 80-90%. Và ước tính có 10 triệu người chết/năm do kháng thuốc và hiện mỗi ngày đều có người tử vong do kháng thuốc, nhiều hơn do Covid-19”, TS.BS Vĩnh Châu thông tin.

Kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi làm tăng kháng thuốc

Thạc sĩ, dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng Khoa dược, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết nguyên nhân vi khuẩn kháng thuốc nhiều là do sử dụng kháng sinh bừa bãi.
Hơn 50% thuốc sử dụng cho người là kháng sinh. Cứ 100 loại thuốc thì có 50 loại là kháng sinh và phần lớn mua tại các nhà thuốc tư nhân, 88-91% là sử dụng kháng sinh không cần kê toa; 30% kháng sinh được sử dụng cho bệnh nhân nội trú thiếu những chỉ định hợp lý hoặc sử dụng sai, có thể do thiếu năng lực, thiếu nhân viên phân lập chuẩn vi khuẩn.
Thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi không chỉ điều trị trên người mà còn sử dụng điều trị, dự phòng và tăng trọng cho thủy hải sản, chăn nuôi. Hiện có khoảng 45 loại kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam.
DUY TÍNH
TNO