Sẽ xử lý đúng quy định về vấn đề Thủ Thiêm
Sẽ xử lý đúng quy định về vấn đề Thủ Thiêm
Chiều 20-11, tổ đại biểu Quốc hội gồm các đại biểu Trần Lưu Quang – phó bí thư thường trực Thành ủy TP, Lâm Đình Thắng – bí thư Quận uỷ quận 9, Ngô Tuấn Nghĩa – nguyên chính ủy Bộ tư lệnh TP, đã tiếp xúc với cử tri các quận 1, 3, 4.
Các cử tri đánh giá phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội vừa qua khá chất lượng, nhiều nỗi lòng của cử tri đã được đại biểu đặt lên bàn nghị sự như rừng tự nhiên ngày càng hao hụt, thủy điện có là nguyên nhân gây lũ lụt nặng không, sách giáo khoa còn nhiều sạn…
Tuy nhiên, vấn đáng quan tâm lại chưa thấy đại biểu đề cập, điển hình là vụ Thủ Thiêm. Cử tri Nguyễn Văn Phú cho rằng một khi Quốc hội đã đồng ý cho thành lập TP Thủ Đức thì các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm phải được giải quyết rốt ráo.
Các cử tri cũng quan tâm đến việc triển khai đề án chính quyền đô thị. Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) đánh giá việc thành lập TP Thủ Đức không đơn thuần là việc sáp nhập hệ thống chính quyền và quy hoạch đô thị. TP.HCM cần giải quyết dứt điểm tồn tại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm để đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân bị giải tỏa.
Các ý kiến khác nhận xét thời gian qua các cấp lãnh đạo, chuyên gia phát biểu trên báo đài nói khi làm chính quyền đô thị sẽ gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả… Người dân hi vọng đề án sớm triển khai và phải cho thấy rõ người dân được lợi gì từ đề án.
Thay mặt tổ đại biểu, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang tiếp nhận các ý kiến góp ý của cử tri, đồng thời xin lỗi cử tri vì thời gian qua TP triển khai những việc liên quan đến các vấn đề về dự án Thủ Thiêm còn chậm.
Ông Quang nhấn mạnh hiện đã có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Ban cán sự đảng UBND TP đang chỉ đạo UBND TP cùng các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Trong đó có việc xử lý đền bù bổ sung cho dân khu 4,3 hecta nằm ngoài ranh dự án; trả lời cho người dân 5 khu phố thuộc 3 phường ở quận 2 về việc có nằm trong quy hoạch dự án hay không.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nữa cần thúc đẩy là làm sao để tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm, phát triển nơi đây thành trung tâm tài chính có tầm cỡ.
“Nếu không tổ chức mô hình chính quyền kiểu mới thì chúng ta vẫn phải xử lý câu chuyện của Thủ Thiêm. Và việc gì ra việc đó, vấn đề Thủ Thiêm TP sẽ làm đúng quy định” – ông Quang cam kết.
Liên quan đến đề án chính quyền đô thị, ông Quang cho hay việc trung ương cho TP.HCM triển khai mà không cần qua thí điểm là một tín hiệu vui và phù hợp quy định.
Sở dĩ Hà Nội và Đà Nẵng phải thí điểm là vì thời điểm tháng 10-2019 khi Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thì Luật chính quyền chính địa phương sửa đổi, trong đó có quy định cụ thể vấn đề này, chưa có hiệu lực.