Có nên dùng lại đơn thuốc cũ cho trẻ hay không?
Có nên dùng lại đơn thuốc cũ cho trẻ hay không?
Mới đây, một bệnh nhân đã lấy thuốc của người thân (là mẹ) để uống, nhằm làm giảm triệu chứng đau của mình, vì nghĩ rằng bệnh mình có giống na ná bệnh của mẹ.
Chẳng ngờ bệnh nhân này bị sốc phản vệ do thuốc phải nhập viện để cấp cứu. Đây là trường hợp tự ý dùng đơn thuốc kê cho người khác.
Hiện nay có nhiều người thường tự ý dùng thuốc mà không biết có khi bị tai biến do dùng thuốc, rất đáng tiếc.
Khá nhiều người sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian dài thì bệnh có vẻ như tái phát cũng với các triệu chứng tương tự như trước, thế là họ tự ý dùng lại đơn thuốc cũ, tự mua thuốc dùng y chang như trước đây.
Đặc biệt, nhiều bà mẹ hay làm chuyện này cho con mình. Tức bà mẹ hay dùng lại đơn thuốc cũ mà bác sĩ đã ghi đơn cho trẻ trước đây để mua cho trẻ khi trẻ bị bệnh trở lại.
Một số người thì dùng đơn thuốc cũ của người khác khi thấy người đó đã bị bệnh có vẻ giống như bệnh của mình hiện giờ. Ngoài ra có người bệnh tự dùng thuốc qua thông tin trên mạng Internet.
Những trường hợp nêu trên nằm trong vấn đề “tự dùng thuốc” nói chung, trong đó có tự dùng đơn thuốc cũ.
Nguy hiểm là thuốc đó thuộc loại bán theo đơn (nên lưu ý kháng sinh và thuốc loại glucocorticoid – thường gọi tắt là corticoid – ở nhiều nước phải bán theo toa, còn ở nước ta bán khá thoải mái) và tự ý dùng thuốc ở người hoàn toàn mù tịt về thuốc.
Việc “tự dùng thuốc” luôn hàm chứa mối đe dọa nguy hiểm vì nó có thể trở thành “sự lạm dụng thuốc một cách tự ý mà lại không có sự hiểu biết kèm theo”, có thể đưa đến tác hại không lường trước được.
Tự dùng thuốc có khi trở thành rất nguy hiểm vì dùng thuốc không đúng che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ gấp).
Thí dụ, khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, bụng hết đau nhưng bệnh vẫn còn (như viêm ruột thừa, có thai ngoài tử cung…), người bệnh không đi bệnh viện để được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu kịp thời, hậu quả rất đáng tiếc.
Tự dùng thuốc cũng có thể làm cho bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng vì không được chữa trị bằng thuốc đúng cách.
Việc dùng đơn thuốc của người khác (nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng), thậm chí dùng đơn thuốc của chính mình dùng từ lâu để tự chữa bệnh là việc làm sai.
Bởi vì một đơn thuốc luôn có nghĩa: đó là dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể.
Bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống như trước kia nhưng bây giờ có thể đã tiến triển ở mức độ nặng hơn mà thuốc dùng theo đơn thuốc cũ không còn hiệu quả.
Bệnh của người này có vẻ na ná giống người kia nhưng cách và thuốc dùng chữa trị lại hoàn toàn khác nhau, dùng nhầm có khi là nguy hiểm.
Cần xem mỗi người là một “cá nhân” trong dùng thuốc. Bởi vì dùng cùng chung một thứ thuốc, người này có thể khỏi bệnh nhưng người khác thì không khỏi, hay người này thì bị tác dụng phụ có hại nặng nề, nhưng người khác thì không việc gì.
Khi bị rối loạn và ngỡ là mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (nếu là bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị.
Đối với đơn thuốc cũ của người khác, dù là người thân của mình, hoàn toàn không được dùng nó để tự chữa trị cho mình. Còn đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu cũng vậy, nếu bệnh trở lại cũng không nên tự ý dùng trở lại mà tốt nhất nên đi tái khám ở bác sĩ đã chữa bệnh trước đây.