02/01/2025

Sạt lở kinh hoàng sau bão số 13

Sạt lở kinh hoàng sau bão số 13

Dù bão số 13 có giảm mức độ khi cập bờ, nhưng hậu quả gây ra đối với khu vực miền Trung cũng rất nghiêm trọng khi làm tốc mái, hư hỏng hàng ngàn ngôi nhà, gây sóng lớn đánh sập nhiều nhà ven biển.
7 ngôi nhà ở P.Cẩm An, TP.Hội An (Quảng Nam) bị sóng biển “nuốt chửng” /// ẢNH: MẠNH CƯỜNG
7 ngôi nhà ở P.Cẩm An, TP.Hội An (Quảng Nam) bị sóng biển “nuốt chửng”  ẢNH: MẠNH CƯỜNG

“Đổ sập sau một đêm”

Từ tối 14 đến rạng sáng qua (15.11), triều cường “công phá”, đánh sập 7 căn nhà chuyên kinh doanh hải sản dọc bờ biển Hội An, KP.Thịnh Mỹ, P.Cẩm An, TP.Hội An (Quảng Nam).
Căn nhà kiên cố của chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (40 tuổi, ở tổ 4, KP.Thịnh Mỹ) bị sóng nuốt chửng, chỉ còn lại nhà vệ sinh. “Mưa tạnh, gió ngừng rít, vợ chồng tôi từ khu vực sơ tán chạy ra xem căn nhà cũng là cơ sở kinh doanh thì thấy một đống hoang tàn, đổ nát. Tất cả bị đổ sập chỉ sau một đêm”, chị Hoa buồn bã lật giở từng mảng bê tông để tìm kiếm đồ đạc còn có thể sử dụng. Căn nhà 70 m2 được gia đình chị xây dựng bên bãi biển cách đây 4 năm, từ nguồn vay mượn 400 triệu đồng và khoản tích góp riêng. “Vừa xây nhà để ở, vợ chồng tôi còn tận dụng mở quán mua hải sản tươi sống về chế biến bán cho du khách. Nhưng nợ chưa trả xong thì giờ nhà đã bị sóng đánh sập”, chị Hoa nghẹn ngào.
“Quá khủng khiếp!”, ông Trần Minh Đức (65 tuổi) cũng thốt lên khi chứng kiến căn nhà bị sóng đánh chỉ còn một nửa. Từng nhìn thấy cảnh bờ biển bị bào mòn dần từ nhiều năm qua, nhưng ông Đức không nghĩ có ngày sóng dữ lại “nuốt chửng” 7 nhà dân. Từ sau cơn bão số 9, đoạn bờ biển phía sau nhà ông bị xâm thực gần 20 m, hàng dừa chắn sóng cũng bật gốc. Đến bão số 10, nhiều nhà dân đặt trong tình trạng báo động khi sóng biển cuốn sập một số công trình phía sau nhà. Và lần này, cơn bão số 13 gây sóng lớn đánh sập hàng loạt ngôi nhà ở KP.Thịnh Mỹ.
Sạt lở kinh hoàng sau bão số 13 - ảnh 1

Trường tiểu học Phú Thuận (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) bị tốc mái hoàn toàn   ẢNH: ĐẶNG TIẾN TÙY

Cách đó không xa, hàng chục nhà hàng bằng gỗ dọc bãi biển An Bàng (KP.An Bàng, P.Cẩm An) cũng bị sóng dữ tấn công. Một số móng nhà hàng nứt toác, sập, nhiều hạng mục hư hại nghiêm trọng… Ông Trần Đức (chủ một nhà ở biển An Bàng) cho hay sóng biển gây xói lở nhiều phần móng khiến nhiều dãy nhà đổ sụp, chưa kể còn tạo thành hàm ếch lấn vào bờ. “Dọc khu này có khoảng 26 nhà hàng tan hoang do sóng lớn đánh, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND P.Cẩm An, cho biết những ngôi nhà bị sóng biển gây sạt lở nặng nằm gần bãi biển Cửa Đại. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng kiểm tra, thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cũng xác nhận toàn bộ bờ biển Hội An bị sạt lở, nghiêm trọng nhất vẫn là khu vực bãi tắm Cửa Đại. Riêng nhóm nhà hàng mới bị sóng biển đánh sập đã được xếp vào diện nguy hiểm từ năm ngoái.

Kè sông, biển vỡ vụn

Hôm qua, UBND TP.Đà Nẵng cho biết do ảnh hưởng của bão số 13, tại các địa phương đã ghi nhận một số thiệt hại về công trình, trong đó có thiệt hại nặng về bờ kè do nước sông, biển dâng cao. Tại đường Như Nguyệt đoạn từ sàn cảnh quan thứ 2 đến gần cầu Thuận Phước (Q.Hải Châu) dài khoảng 800 m, nước tràn mặt đường, sóng đánh hư hỏng vỉa hè, đá sàn cảnh quan, làm ngã đổ 48 m lan can.
Bờ kè sông Hàn (TP.Đà Nẵng) bị sóng biển đánh vỡ ẢNH: NGUYỄN TÚ

Bờ kè sông Hàn (TP.Đà Nẵng) bị sóng biển đánh vỡ  ẢNH: NGUYỄN TÚ

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đoạn bờ kè này hư hỏng rất nghiêm trọng từ sau bão số 9. Sau bão số 13, những vị trí kè bị bung nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài hàng trăm mét. Phần đá lát, cột điện… dọc bờ kè hư hỏng hoàn toàn.
Chưa hết, khoảng 700 m trên đường Hoàng Sa (gần đường Lê Đức Thọ, Q.Sơn Trà) sóng đánh tràn rác, cát lên vỉa hè, mặt đường. Đường Bà Nà – Suối Mơ (Q.Liên Chiểu) sạt lở ta luy dương tại 2 vị trí gây lấp rãnh thoát nước. Sóng biển đánh bật dãy lan can, bê tông đường Nguyễn Tất Thành 7 m. Sạt lở đất mương thoát nước Bàu Cạn (xã Hòa Phú, H.Hòa Vang). Về nông nghiệp có 1 ghe nhỏ chìm đứt 1 phao bù neo số 27B trong âu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà); nhà màng sản xuất rau (xã Hòa Ninh, H.Hòa Vang) tốc mái hoàn toàn 300 m2; rau màu vừa xuống giống bị hư hại 3 ha.

Bất an hộ thành hào Huế

Sáng 15.11, một số người dân ở đường Trần Huy Liệu, P.Phú Hòa (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã dùng đồ vật, dây… giăng tạm trên tuyến đường ở hộ thành hào thuộc di tích kinh thành Huế. Khu vực này bị sạt lở nặng khiến hàng loạt cây xanh ngã đổ. Rạng sáng 15.11, có thêm hàng cây bằng lăng hơn chục năm tuổi cùng một số trụ đèn đường ở đoạn số nhà 28 Trần Huy Liệu đổ rạp ra hộ thành hào, càng khiến đoạn đường này sạt lở sâu.
Tuyến đường Trần Huy Liệu (còn gọi là bờ hồ đường Trần Hưng Đạo) nằm mặt sau đường Trần Hưng Đạo, thuộc P.Phú Hòa. Tuyến đường này được chỉnh trang đã 20 năm, là phần đường chạy dọc theo một phần của hộ thành hào, ở phía đối diện với chân kinh thành Huế từ cửa Ngăn đến đường Phan Đăng Lưu, xuyên qua khu dân cư đông đúc. Sau ảnh hưởng bão số 13, sạt lở và cây xanh ngã đổ xảy ra trên đoạn đường từ đoạn cửa Ngăn đến cửa Thượng Tứ (trong đó có 2 đoạn xói lở dài khoảng 200 m, uy hiếp đến an toàn nhà cửa của 10 hộ dân).
Ông Tôn Thất Thái, Chủ tịch UBND P.Phú Hòa, cho biết địa phương đã báo cáo, kiến nghị với UBND TP.Huế bố trí kinh phí để khắc phục, gia cố, xử lý. Theo ông Thái, sạt lở nặng ở một phần đường Trần Huy Liệu là do bão lũ liên tiếp kể từ sau cơn bão số 5, cùng với đó việc nạo vét hộ thành hào để chỉnh trang, tu bổ di tích cũng tác động đến độ ổn định của chân kè đường Trần Huy Liệu. Công an phường phối hợp với người dân giăng dây, có biện pháp cảnh báo nguy hiểm ở khu vực sạt lở có nhiều nhà dân. “Chúng tôi cũng sẽ liên hệ với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế xem họ có hỗ trợ kinh phí để kè, gia cố hay không”, ông Thái nói.

Cảnh báo mưa lớn khu vực phía bắc

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết chiều tối 15.11, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ sáng nay (16.11), vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực trung Lào với gió mạnh dưới cấp 6, tức là dưới 40 km/giờ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh miền núi phía bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa to, có nơi mưa rất to đến hết ngày 16.11. Dự báo, lượng mưa từ 50 – 100 mm, có nơi trên 120 mm.
Chiều 15.11, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết theo báo cáo nhanh từ các địa phương, bão số 13 đã làm 18 người bị thương khi chằng chống nhà ở (Quảng Trị 7 người, Quảng Nam 3 người, Quảng Bình 8 người). Bão số 13 gây ra 2 sự cố về điện đường dây 110 kV tại Đà Nẵng; làm gãy 17 trụ điện ở Quảng Trị khiến 283 xã phường phải cắt điện để bảo đảm an toàn. Bão cũng đã làm tốc mái, hư hỏng 4.364 nhà dân (4.000 nhà tại Thừa Thiên-Huế, 364 nhà tại Quảng Trị); gây sạt lở 4 km bờ biển tại Quảng Nam; làm gãy đổ trên 2.620 cây xanh các loại ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị.
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Bộ Quốc phòng đã điều động gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ, trên 1.300 dân quân tự vệ sử dụng 128 phương tiện các loại để sơ tán 51.721 hộ với trên 165.354 người dân đến nơi an toàn trong đợt bão số 13.
Phan Hậu 

Nhà dân tốc mái, tàu thuyền hư hỏng

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, bão số 13 đã làm 8 người bị thương, 231 nhà bị tốc mái, 11 tàu đánh cá bị chìm; kè Cảnh Dương (H.Quảng Trạch) sạt 40 m. Lúc 16 giờ chiều qua, có 5 điểm ngầm tràn ở H.Bố Trạch bị ngập sâu, địa phương phải cử người lập chốt canh gác, đặt biển cảnh báo, gồm: ngầm Bùng Km 562+200 (xã Hưng Trạch), ngầm Khe Su (xã Sơn Lộc), ngầm Cô Lan (xã Sơn Lộc), ngầm Khe Ngát (TT.Nông trường Việt Trung), ngầm đường sắt ở xã Tây Trạch. Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Công ty điện lực Quảng Bình, sau bão số 13 có 132.732 khách hàng bị mất điện, mới khôi phục được 11.998 trường hợp. Có 67 xã bị mất điện, tập trung ở Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch; Điện lực Quảng Bình huy động lực lượng để đóng điện trở lại ở các khu vực trung tâm trong tối 15.11.
Một tàu cá ở H.Bố Trạch (Quảng Bình) bị chìm ẢNH: CTV

Một tàu cá ở H.Bố Trạch (Quảng Bình) bị chìm  ẢNH: CTV

Tại Thừa Thiên-Huế, rạng sáng 15.11, vùng ven biển các xã Lộc Vĩnh, Giang Hải (H.Phú Lộc), Hải Dương (TX.Hương Trà) có sóng lớn, nước biển dâng cao tràn vào nhà dân khoảng 0,2 m. Thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, bão số 13 đã làm 6 ngôi nhà sập, hơn 4.000 ngôi nhà tốc mái, hàng chục cơ sở trường học, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp bị tốc mái hư hỏng nặng, hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ. Có 15 tàu thuyền đã neo đậu bị sóng đánh chìm, đứt neo trôi mắc cạn. Đáng chú ý, tàu cá TTH-99911TS do ông Nguyễn Cường làm thuyền trưởng đang neo đậu bị sóng đánh văng, đè lên nhà bà Lê Thị Xuyên (thôn Hải Tiến, TT.Thuận An, H.Phú Vang) làm sập 2/3 căn nhà, rất may không thiệt hại về người. Ngoài ra, hàng chục cột điện gãy đổ, trạm biến áp hư hỏng khiến 92 xã, phường mất điện.
Sau bão, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã đi kiểm tra thiệt hại tại các địa phương ven biển và địa bàn xung yếu, yêu cầu tập trung lực lượng sửa chữa nhà dân, trường học, bệnh viện…
Tỉnh Quảng Trị cũng chịu nhiều thiệt hại do bão số 13. Trong đó, đảo Cồn Cỏ có nhiều nhà dân bị tốc mái; tại H.Hải Lăng, hàng cây chạy dọc tuyến tỉnh lộ 582 gãy đổ la liệt, lực lượng công an, quân đội, dân quân dùng cưa máy để tạm thời giải phóng đường. Cũng tại H.Hải Lăng, nhiều nhà dân ở xã ven biển Hải An cùng một số hàng quán đã bị tốc mái. Ngành điện lực Quảng Trị thiệt hại nặng khi có tới 140.000 khách hàng thuộc 60 xã, phường, thị trấn mất điện.
T.Q.Nam – B.N.Long – Nguyễn Phúc
MẠNH CƯỜNG – HOÀNG SƠN – ĐÌNH TOÀN
TNO