24/11/2024

Bệnh viện thiếu người ‘phiên dịch’ cho bệnh nhân khiếm thính

Bệnh viện thiếu người ‘phiên dịch’ cho bệnh nhân khiếm thính

Người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình khám, chữa bệnh. Khi ốm đau, phụ huynh là ‘cầu nối’ duy nhất để bác sĩ hiểu được triệu chứng ban đầu của họ vì các bệnh viện thiếu thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu.

 

Bệnh viện thiếu người phiên dịch cho bệnh nhân khiếm thính - Ảnh 1.

Một người khiếm thính chia sẻ những khó khăn khi thăm, khám tại bệnh viện – Ảnh: XUÂN MAI

Ngày 15-11, Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) tổ chức hội thảo công bố dự án “Thúc đẩy việc hỗ trợ pháp lý ban đầu và thực hiện chính sách thăm, khám chữa bệnh người khiếm thính” (điếc, nghe kém, mất thính lực muộn).

Thạc sĩ y tế công cộng Phan Quốc Bảo – quản lý dự án Oxfam của CED – cho hay việc khám chữa bệnh đối với người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

TP.HCM với 102 bệnh viện tuyến thành phố, cùng với các nhiều trung tâm y tế dự phòng và hàng trăm trạm y tế phường, xã… nhưng chỉ có có 20 thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Năm 2016, CED ký hợp đồng hỗ trợ và đào tạo cho 9 bệnh viện cấp thành phố.

Về số liệu người khiếm thính tại TP.HCM, ông Bảo cho biết con số cập nhật gần nhất là năm 2006, cụ thể là có 3.550 người: “14 năm mà chúng ta chưa có con số cập nhật mới. Điều này nói lên việc nghiên cứu, thống kê về xã hội học, dịch tễ học đối với mảng người khiếm thính còn rất thiếu”.

Ông Bảo cho biết thêm theo tiêu chí A2.5 của Bộ Y tế về việc người khuyết tật được tiếp cận đầy đủ với các khoa, phòng và dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện nêu rõ: có nhân viên phiên dịch cho người khiếm thính hoặc có phương án hợp tác, ký hợp đồng với người phiên dịch trong trường hợp có người khiếm thính đến khám, chữa bệnh.

Đồng thời bảo đảm có người phiên dịch cho người bệnh khiếm thính trong vòng 90 phút khi được yêu cầu.

Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng việc triển khai tiêu chí còn chưa phố biến, một số bệnh viện còn mang tính chất đối phó, khi bệnh nhân khiếm thính đến khám thì không giao tiếp được, thậm chí hoàn toàn không hỗ trợ.

Ngoài ra, người khiếm thính chưa nắm được quyền lợi, các chính sách, luật liên quan đến họ để yêu cầu đảm bảo quyền lợi trong thăm khám, chữa bệnh.

Đại diện Sở Y tế cho hay theo quy định, người bệnh phải có đủ năng lực, hành vi chịu trách nhiệm khi đã đồng ý áp dụng các phương pháp chữa bệnh. Nếu người bệnh không có khả năng thì phải có thân nhân.

Trong trường hợp bệnh viện có thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu hỗ trợ, cung cấp thông tin ban đầu về bệnh lý của bệnh nhân khiếm thính, nhưng nếu chẳng may xảy ra biến cố thì ai là người chịu trách nhiệm này?

“Chính vì vậy về lâu dài chúng tôi đề xuất cần tìm những phương pháp, phương tiện, công cụ hỗ trợ người khuyết tật để họ dần dần độc lập trong cuộc sống” – đại diện Sở Y tế kết luận.

Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) thành lập vào ngày 19-1-2011, là tổ chức đầu tiên và duy nhất hiện thời của Việt Nam do người khiếm thính thành lập và phục vụ vì người khiếm thính (người điếc, nghe kém, mất thính lực muộn).

Trung tâm hỗ trợ người khiếm thính phát triển, giáo dục, hòa nhập xã hội và được vận hành theo hình thức doanh nghiệp xã hội.

Dự án “Thúc đẩy việc hỗ trợ pháp lý ban đầu và thực hiện chính sách thăm, khám chữa bệnh người khiếm thính” ra đời nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy thực hiện chính sách thăm, khám chữa bệnh người khiếm thính, giúp các bệnh viện đáp ứng yêu cầu của tiêu chí A2.5 (Bộ Y tế).

Đồng thời, trung tâm sẽ tiến hành nghiên cứu 200 người khiếm thính, phụ huynh tại 20 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, sau đó chuyển tải kết quả nghiên cứu đến các cơ quan liên quan, hội đoàn của người khiếm thính.

XUÂN MAI
TTO