Bộ GD-ĐT rút đề xuất tăng học phí chỉ trong một ngày, vì sao?
Bộ GD-ĐT rút đề xuất tăng học phí chỉ trong một ngày, vì sao?
Chỉ 1 ngày sau khi công bố dự thảo nghị định mới đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học, trước bức xúc của dư luận về thời điểm tăng học phí không phù hợp khi ảnh hưởng dịch COVID-19 và thiên tai, hôm qua 13-11 Bộ GD-ĐT đã hoãn đề xuất này.
Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết:
– Ngày 13-11, Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất xem xét gia hạn nghị định 86/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021. Theo đó sẽ giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học.
* Vì sao Bộ GD-ĐT có đề nghị này, phải chăng là do sức ép của dư luận, thưa thứ trưởng?
– Dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 86 được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân. Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã xin ý kiến của 22/22 bộ, ngành và 63 địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo.
Trong quá trình lắng nghe góp ý về dự thảo nghị định, bộ cũng thấy tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.
Để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GD-ĐT có đề nghị trên để tạm giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp. Theo đó, mức học phí đại học, giáo dục nghề nghiệp của năm 2021 – 2022 vẫn áp dụng theo mức học phí của năm học 2020 – 2021. Mức học phí mầm non, phổ thông của năm 2021 – 2022 vẫn áp dụng theo khung của năm học 2020 – 2021, giao HĐND các cấp căn cứ vào tình hình địa phương xem xét phê duyệt mức học phí cụ thể trong khung này.
Cùng với đề nghị gia hạn thực hiện nghị định 86, bộ cũng đề nghị lùi thời gian trình ban hành nghị định mới sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.
* Nếu đề nghị của bộ được phê duyệt thì thời điểm nào việc tăng học phí như đề xuất trước đó sẽ được áp dụng?
– Việc ban hành nghị định thay thế nghị định 86 cũng sẽ lùi thời điểm thực hiện, dự kiến khoảng 2 năm nữa. Dự kiến năm 2022 – 2023 mới áp dụng việc tăng học phí và lộ trình tăng thêm hằng năm chỉ khoảng 2,5% so với mức tăng hằng năm của nghị định 86 đã ban hành.
* So với nghị định 86, dự thảo nghị định mới quy định khung học phí đối với học sinh cấp tiểu học, trong khi theo Luật giáo dục 2019, đối tượng học sinh này được miễn học phí. Ông có thể giải thích thêm về việc này?
– Luật giáo dục 2019 tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Nhưng để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh ngoài công lập, đồng thời có căn cứ và minh bạch ngân sách cấp bù cho các cơ sở giáo dục tiểu học, dự thảo nghị định mới có quy định khung giá dịch vụ (khung trần học phí đối với các cơ sở giáo dục tiểu học).
Điều này nhằm tiến tới việc Nhà nước cấp ngân sách theo đối tượng thụ hưởng (cấp trực tiếp cho học sinh) để đóng cho nhà trường hoặc Nhà nước cấp ngân sách theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, theo đúng tinh thần nghị quyết 19 của Đảng.
Nghị định số 86 không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có căn cứ xây dựng mức cấp bù ngân sách cho học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học chỉ được Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên để duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường. Mức cấp ngân sách này trên thực tế còn hạn chế, do đó các cơ sở giáo dục tiểu học còn gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
* Ở đề xuất khung học phí mới, Bộ GD-ĐT đã tính toán đến việc hỗ trợ học sinh ở các địa phương khó khăn thế nào?
Chính sách miễn giảm học phí cho học sinh diện chính sách có thay đổi gì so với quy định hiện hành? – Để đảm bảo chính sách an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc, học sinh vùng sâu vùng xa và triển khai quy định của Luật giáo dục 2019, dự thảo nghị định tiếp tục kế thừa các đối tượng được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đã quy định tại nghị định số 86 hiện hành. Ngoài ra còn bổ sung một số đối tượng mới.
Học phí nên ổn định trong 5 năm tới
Nhiều người cho rằng mức học phí hiện nay đối với học sinh THCS và THPT là thấp, chỉ có vài trăm ngàn đồng/tháng. Nhưng trên thực tế chúng tôi phải bỏ ra khoản tiền cao gấp nhiều lần mức học phí mà Nhà nước quy định. Bởi học phí chỉ bảo đảm điều kiện học hành tối thiểu cho trường phổ thông.
Tôi muốn con mình được học môn tin học, học tiếng Anh với người nước ngoài, học chương trình tiếng Anh tăng cường (số tiết cao hơn số tiết tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT quy định), học kỹ năng sống… đều phải đóng thêm tiền cho nhà trường. Tính ra tôi phải đóng cho mỗi đứa con hơn 2 triệu đồng/tháng; 3 đứa con là hơn 7 triệu đồng.
Tôi đề nghị Nhà nước đừng tăng học phí thêm nữa, hãy giữ mức học phí ổn định như hiện nay trong vòng 5 năm tới chứ tăng thêm đồng nào là tạo gánh nặng thêm cho phụ huynh chúng tôi chừng ấy.
Bà Lê Thị Hồng Thắm (phụ huynh có 3 con học THCS và THPT ở TP.HCM)
Nhiều áp lực
Bộ GD-ĐT đã đề nghị giữ nguyên mức học phí như hiện tại cho năm học 2021 – 2022, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa yên tâm với cách tính học phí. Tại sao lại đưa học phí ra khỏi danh mục “phí” mà chuyển sang hoạt động theo cơ chế “giá” trong khi dân ta còn nghèo, cả nước ta đang thực hiện phổ cập giáo dục?
Con lớn của tôi năm nay đang học lớp 11, tuy mức học phí chính thức không cao nhưng tổng số tiền đóng cho nhà trường công lập mỗi tháng lại rất cao. Lý do vì học sinh bây giờ phải gánh rất nhiều khoản phí khác ngoài học phí. Đó là chưa kể các cháu còn phải đi học thêm ngoài nhà trường mới có cơ hội đậu được ĐH.
Tôi đề nghị chừng nào Nhà nước xóa bỏ được tình trạng dạy thêm – học thêm, khi đó mới tăng học phí vì hiện tại phụ huynh chúng tôi cũng đang chịu áp lực lắm rồi, mấy chục khoản phí đổ lên đầu trong bối cảnh cơ quan giảm lương, tăng giờ làm (do cắt giảm nhân sự), tăng việc làm.
Bà Đào Tiên Hưởng (phụ huynh có 2 con học tiểu học và THPT ở TP.HCM)
H.HG. ghi
* TS Hoàng Đức Long (hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing): Cần tính lại suất đầu tư
Việc Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí tất cả các cấp học từ năm học tới nêu trong dự thảo nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Nhà nước cần yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tính lại suất đầu tư, chi phí đào tạo.
Cần phải tính toán đúng và đầy đủ tất cả các loại chi phí (trả lương, quản lý, phát triển sự nghiệp giáo dục, trang thiết bị, khấu hao tài sản…), trên cơ sở đó mới xác định được giá thành cho một suất đào tạo và đưa ra mức thu học phí cho phù hợp.
Khi đó Nhà nước điều hành chung bằng cách xem xét mặt bằng tất cả các trường, khối ngành đào tạo; ngay trong một trường có mức thu học phí các ngành cũng phải khác nhau tùy theo mức chi phí đầu tư, đào tạo.
Cách làm như vậy mới là căn cơ chứ như hiện nay không thể trả lời được mức thu học phí bao nhiêu là phù hợp. Thực tế mức thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã tăng lên qua các năm, đời sống người dân cũng khác trước nhiều rồi. Do vậy hiện nay mức thu học phí ở các trường tự chủ dù cao hơn nhưng người học hoàn toàn chấp nhận được.
TRẦN HUỲNH ghi
Tại sao đề xuất tăng học phí thời điểm này?
Theo nghị định 86, học sinh tiểu học được miễn học phí. Trong ảnh: một tiết học của học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: NH.H.
Chính sách học phí và hỗ trợ chi phí học tập đang được thực hiện theo nghị định số 86/2015 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực đến hết năm học 2020 – 2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GD-ĐT thực hiện từ năm học 2021 – 2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng nghị định thay thế.
Bên cạnh đó, quy định về học phí hiện nay đã thay đổi. Từ 31- 12-2016 trở về trước, học phí thuộc danh mục “phí” nên mức học phí còn thấp, ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ để bù đắp chi phí đào tạo đối với các cơ sở giáo dục công lập. Tuy nhiên, Luật phí và lệ phí năm 2015 (có hiệu lực từ 1-1-2017) đã đưa học phí ra khỏi danh mục “phí” để chuyển sang thực hiện theo cơ chế “giá”. Căn cứ quy định tại Luật giá năm 2012, dịch vụ giáo dục, đào tạo thuộc danh mục Nhà nước định giá, Chính phủ quy định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thực hiện chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xây dựng nghị định thay thế nghị định số 86. Thời hạn trình Chính phủ hồ sơ dự thảo nghị định thay thế nghị định số 86 theo kế hoạch là tháng 12-2020. Bộ đã dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở GD-ĐT và toàn xã hội để hoàn thiện dự thảo nghị định.
Việc đề xuất học phí bậc đại học tăng 12,5%, học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020 – 2021, mức học phí cho các năm tiếp theo tăng với tỉ lệ tương ứng, Bộ GD-ĐT cho biết căn cứ vào dự báo tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021 – 2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5% và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm.
Tuy nhiên, khi lùi thời gian trình dự thảo nghị định, Bộ GD-ĐT sẽ phải điều chỉnh đề xuất trên căn cứ vào mức dự báo tăng trưởng kinh tế vào thời điểm tương ứng.
V.HÀ