29/12/2024

Từ thiện cũng phải biết cách tôn trọng người nhận

Từ thiện cũng phải biết cách tôn trọng người nhận

Sự tham gia của giới nghệ sĩ cũng như nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện vào hoạt động cứu trợ, từ thiện đang được dư luận quan tâm.

 

Từ thiện cũng phải biết cách tôn trọng người nhận - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Quyền Linh trong chuyến cứu trợ miền Trung vừa qua – Ảnh: NVCC

Làm thế nào để những hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng không chỉ dừng ở cứu trợ lúc ngặt mà có những bước đi lâu dài, bền vững hơn?

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với chị Võ Thị Hoàng Yến – giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển Việt Nam – người làm công tác xã hội (CTXH) dày dạn kinh nghiệm, có mặt trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 của tạp chí Forbes Việt Nam.

Chị chia sẻ: “Khi lũ lụt xảy ra, tôi và các bạn làm công tác cộng đồng đều rất trăn trở, chia sẻ với nhau về bất cập trong gây quỹ, cách hỗ trợ thiết thực. Băn khoăn nhất là vấn đề minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình”.

Giúp mọi người với tinh thần tôn trọng

* Một số cá nhân chia sẻ rằng họ “không thể giải trình” các khoản thu – chi và người đóng góp cần thông cảm cho họ…

– Có thể giải trình được nếu các bạn làm việc có hệ thống. Không thể cứ ôm một số tiền lớn đến địa phương, thấy ai tội nghiệp thì đưa tiền. Làm vậy thì không thể giải trình được. Còn khi mình làm có hệ thống, đưa người theo ghi chép cụ thể thông tin người nhận thì vẫn giải trình được chứ sao không.

* Vai trò của công ty kiểm toán quan trọng đến mức nào?

– Khi trung tâm của tôi làm từng dự án thì chắc chắn phải kiểm toán vì nhà tài trợ yêu cầu. Kiểm toán giúp đảm bảo chúng tôi làm đúng hoạt động mình cam kết. Đồng thời, các tổ chức cũng phải bỏ tiền ra để thuê công ty kiểm toán định kỳ, có thể là mỗi năm hoặc 3-4 năm một lần, để minh bạch toàn bộ hoạt động.

Từ thiện cũng phải biết cách tôn trọng người nhận - Ảnh 2.

Chị Võ Thị Hoàng Yến

* Câu chuyện cứu trợ thời gian qua cũng cho thấy một thực tế: Con người dễ mủi lòng vì hình ảnh đói khổ, nhưng cũng vô tình trở nên phán xét như thấy ai ăn mặc tươm tất thì nghĩ họ giàu, không đáng cứu trợ. Làm sao để cưỡng lại tâm lý này?

– Mình phải định vị từ trước. Tôi luôn muốn nhấn mạnh hệ giá trị người làm CTXH phải theo đuổi. Nếu họ tâm niệm “tôi giúp mọi người với tinh thần tôn trọng” thì sẽ không để xảy ra chuyện như vậy.

Tôi không bàn chuyện sơn móng tay móng chân, nhưng cần khẳng định người nghèo có quyền ăn mặc tươm tất. Nếu nghĩ ăn mặc tươm tất là không nghèo, chỉ giúp người ăn mặc rách rưới thì coi chừng mình đang sai đó.

Phối hợp giữa người nổi tiếng và các tổ chức phi chính phủ

* Những chia sẻ trên trang cá nhân cho thấy chị rất quan tâm về sự kết hợp giữa nghệ sĩ nổi tiếng và CTXH. Bên cạnh quyên góp tiền bạc để tự đi cứu trợ, nghệ sĩ có cách nào tốt hơn để tham gia vào CTXH?

– Tôi tin rằng nhiều nghệ sĩ không biết về CTXH (CTXH chứ không phải từ thiện). Hiện nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa từ thiện và CTXH. Các nghệ sĩ cũng không hề biết về những tổ chức đang làm CTXH chuyên nghiệp.

Và không biết thì không tin và cũng không thể phối hợp. Truyền thông là nơi có thể giúp đưa tin về những mô hình CTXH tốt và bền vững đến với giới nghệ sĩ.

Tôi thấy sẽ rất tốt nếu hai bên – nghệ sĩ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đi cùng nhịp điệu và hòa được sắc màu: nghệ sĩ biết được những hoạt động hiệu quả của các NGO và các NGO có thể tiếp cận được với nghệ sĩ để phối hợp được chương trình hành động.

Có sự gặp nhau này thì những chương trình hỗ trợ thiên tai hay phát triển cộng đồng sẽ dễ dàng hơn (vì được các nghệ sĩ ủng hộ) và bền vững hơn (vì sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của các NGO).

* Hoạt động CTXH ở Việt Nam đang có những tồn tại nào?

– Ở miền Trung, hiện có vài dự án thí điểm được quốc tế tài trợ nhưng chỉ thực hiện ở vài xã. Ở địa phương, những nhân viên xã hội quá ít mà phải làm quá nhiều việc, họ không có thời gian tham gia sâu sát.

Các tổ chức CTXH quốc tế thường vận động đội ngũ tình nguyện viên (thanh niên, học sinh – sinh viên, các nhóm thiện nguyện của chùa/nhà thờ…) ở địa phương để làm công việc này.

* Giai đoạn cứu trợ khẩn cấp hầu như đã qua, chúng ta cần nghĩ đến những hoạt động lâu dài hơn?

– Nhìn những hình ảnh người ta quăng bỏ quần áo cũ, bánh chưng, than “ăn mì gói nhiều quá rồi” thì có thể thấy là đang thừa chỗ này thiếu chỗ kia do phân bổ chưa tốt. Đáng lẽ chúng ta phải có ngay kế hoạch để chuẩn bị cho lúc sau lũ, như dọn dẹp, vệ sinh hay điều trị sang chấn tâm lý cho người dân. Có người mất hết tài sản, mất người thân, chúng ta chưa hề quan tâm đến tâm lý của họ.

Có khái niệm “từ thiện phát triển”, là bước đệm giữa “từ thiện” và “CTXH, phát triển cộng đồng”. Một nhóm không cần đi nhiều nơi mà hãy gắn bó dài hạn với một địa phương, giúp địa phương đó phát triển dài hạn.

Để làm được như vậy, chúng ta phải dành thời gian tiếp xúc với người dân địa phương, biết rõ điểm mạnh của họ, khơi gợi để họ phát triển điểm mạnh đó. Không một cộng đồng nào yếu hoàn toàn.

“Từ thiện phát triển” cần được kích hoạt

TS Đặng Hoàng Giang: Tạo không gian pháp lý cho các quỹ từ thiện

 

dang hoang giang

TS Đặng Hoàng Giang

Trong văn hóa giúp đỡ người khác của người Việt lâu nay mới chỉ tập trung vào việc cho tiền hay đồ đạc khi có thiên tai, bão lũ, hầu như không có thói quen suy nghĩ xem về lâu dài mình có thể giúp đỡ nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương như thế nào, ví như có thể giúp họ về đào tạo, văn hóa, môi trường, kế sinh nhai… Người Việt mới chỉ giúp đỡ trên phần ngọn chứ không làm phần gốc.

Lâu nay, khu vực phi chính phủ ở Việt Nam, việc lập một quỹ rất khó, không được khuyến khích hoạt động nên người dân muốn mở quỹ cũng không có không gian để có thể hoạt động một cách có tổ chức, bài bản. Vì vậy, trong nhiều thập niên, từ thiện nhân đạo không có không gian để trở thành tổ chức lớn hơn và chuyên nghiệp hơn.

Các tổ chức phi chính phủ chuyên nghiệp thì lại khó hoạt động, nên người dân vẫn chỉ có cách là tự mua đồ đạc hoặc góp tiền cho một ca sĩ, MC nào đấy để họ tự tổ chức đi tới các vùng bão lũ một cách không chuyên nghiệp vì đó không phải nghề của họ, và họ không phối hợp với nhau để đem lại hiệu quả.

Nhà nước nên tạo không gian pháp lý để những tổ chức xã hội, các quỹ từ thiện phát triển lớn mạnh, chuyên nghiệp hơn để gây dựng được niềm tin của người dân. Thêm nữa là làm sao những tổ chức đoàn thể của Nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ chuyên nghiệp hơn, để dân tin và đóng góp từ thiện.

Bà Nguyễn Phương Linh (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững):

Nuôi dưỡng văn hóa từ thiện lành mạnh trong cộng đồng

 

nguyen phuong linh

Bà Nguyễn Phương Linh

Tôi nghĩ trong thời gian gần đây, văn hóa từ thiện ở Việt Nam có nhiều biến chuyển tích cực khi văn hóa từ thiện nhân đạo cộng đồng không bó hẹp trong các không gian làng xã, tôn giáo, chùa chiền nữa mà được kích hoạt bằng tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ cùng nhau trong trách nhiệm cộng đồng. Việc một số cá nhân và tổ chức được cộng đồng trao sự tin tưởng và đóng góp là những dấu hiệu rất tốt.

Tuy nhiên, ở cấp độ khác, khi công chúng có sự quan tâm nhiều hơn đến việc làm từ thiện thì từ thiện phát triển là con đường cho “cần câu” chứ không chỉ là cho “con cá”. Cộng đồng sẽ đòi hỏi việc làm từ thiện của cá nhân hay tổ chức đứng ra quyên góp cần bám sát nhu cầu của người được thụ hưởng; hành động từ thiện có các nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực để đảm bảo hiệu quả, đánh giá được tác động, không những minh bạch và còn đòi hỏi giải trình.

Để đi con đường dài, công chúng cần nhận biết không chỉ nên làm từ thiện nhân đạo, từ thiện phát triển cần được kích hoạt, đây là việc làm chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả.

Từ thiện phát triển thường là tiến trình dài hơi để cải thiện đời sống và khả năng tự lực, phát triển của cộng đồng dễ bị tổn thương, cộng đồng thiểu số – nhóm thụ hưởng, chứ không chỉ là hoạt động cho nhận. Tiến trình này đòi hỏi nhiều tư duy, công sức, nỗ lực của cả người huy động, đóng góp và nhận sự hỗ trợ.

Ngoài ra, việc kết nối các bên liên quan trong sự hợp tác, tin tưởng sẽ rất tốt cho việc nuôi dưỡng văn hóa từ thiện lành mạnh trong cộng đồng. Từ phía Nhà nước phải có chính sách khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện cho công tác từ thiện phát triển.

THIÊN ĐIỂU ghi

MI LY thực hiện
TTO