Các vị lãnh đạo tôn giáo Anh kêu gọi chính phủ làm gương trong việc bảo vệ môi trường
Anh quốc sẽ tổ chức Hội nghị Khí hậu Quốc tế tiếp theo (Cop26), dự kiến vào tháng 11/2021. Trong cái nhìn này, 60 lãnh đạo các Giáo hội Kitô, Hồi giáo, Do Thái, Ấn Độ giáo và Sikh của Anh đã viết thư gửi Thủ tướng Boris Johnson, kêu gọi chính phủ ngay bây giờ chuẩn bị một kế hoạch quốc gia đầy tham vọng về khí hậu chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Trong thư, Đức cha John Arnold, phụ trách về môi trường của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, nhấn mạnh: “Là chủ tịch đương nhiệm của Cop26, nhiệm vụ quan trọng của Vương quốc Anh là tập hợp tất cả các quốc gia xung quanh cho mục tiêu khí hậu đầy tham vọng này.”
Thoả thuận chung Paris được ký kết năm 2015 tại Cop21. Mục tiêu chính của Cop21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020. Các quốc gia ký cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 20C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,50C, chi phối các biện pháp giảm carbon dioxit từ năm 2020.
Theo các vị lãnh đạo tôn giáo, nước Anh phải dẫn đầu bằng cách đặt mục tiêu, đạt được sự cân bằng giữa phát thải và bù đắp cho lượng carbon dioxid trong khí quyển. Đây là một thời khắc lịch sử đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Vương quốc Anh, nhằm đề xuất đóng góp quan trọng cho thế giới, khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự. Và đây có lẽ sẽ là việc đầu tư quan trọng nhất có thể được thực hiện trong tương lai của chúng ta.
Các vị lãnh đạo tôn giáo nhấn mạnh đến trách nhiệm luân lý đạo đức của việc thực hiện cam kết, nêu rõ những tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đối với toàn thể nhân loại và đặc biệt đối với những người nghèo đang phải chịu đựng. Tất cả chúng ta phải cố gắng sống chiều kích luân lý để đáp lại thách đố này. Đây là mối tương quan của chúng ta với thế giới và biến đổi chính chúng ta và xã hội. Các vị lãnh đạo nhắc đến một số cộng đoàn Kitô ở Anh đã có hành động cụ thể đối với kế hoạch này. Đó là việc hàng ngàn nơi thờ phượng đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, giảm đầu tư nhiên liệu hoá thạch và tái đầu tư vào các biện pháp môi trường.
Cuối thư, các vị lãnh đạo tôn giáo nói đến một cam kết gắn liền với những nỗ lực ở cấp độ toàn cầu, bao gồm lời kêu gọi khẩn cấp của Đức Thánh Cha đối với các chính phủ để đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn trước Cop26 và hoạt động nâng cao nhận thức về vấn đề này của Đức Thượng phụ Đại kết Bartolomeo.