27/12/2024

Bệnh viện từng là ‘ổ dịch’ tiếp tục phòng chống Covid-19 ra sao?

Bệnh viện từng là ‘ổ dịch’ tiếp tục phòng chống Covid-19 ra sao?

Hơn 2 tháng qua, kể từ khi tái hoạt động sau giai đoạn phong tỏa, Bệnh viện Đà Nẵng áp dụng quy trình chăm sóc toàn diện – mô hình đầu tiên thực hiện tại một bệnh viện công kết hợp kiểm soát dịch Covid-19.
Chăm sóc toàn diện khiến công suất làm việc của nhân viên y tế tăng 300% /// AN DY
Chăm sóc toàn diện khiến công suất làm việc của nhân viên y tế tăng 300%   AN DY
Bệnh viện (BV) Đà Nẵng nâng mức cảnh báo ở cấp độ cao nhất, ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát ở bên trong cũng như bên ngoài vào; áp dụng quy trình chăm sóc toàn diện cho người bệnh.

Sạch sẽ, an toàn hơn

Đối với trường hợp khám, cấp cứu và nhập viện điều trị phải tuân thủ quy trình phân luồng khai báo dịch tễ, xét nghiệm Covid-19. Nhân viên y tế (NVYT) sẽ đón, tiếp nhận bệnh nhân (BN) và chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho đến khi có thể cho BN xuất viện. Cả BN và NVYT bắt buộc đảm bảo tuân thủ quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang 100%, sát khuẩn liên tục, các biện pháp vệ sinh, biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc. Thức ăn được đưa đến tận phòng làm việc, tận giường BN, chung một quy trình để đảm bảo không có tình trạng mang thức ăn từ bên ngoài vào môi trường BV.
Tại Khoa Ngoại thần kinh, BN Phạm Đức (78 tuổi, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) đang nằm bất động được điều dưỡng hỗ trợ ăn súp qua đường sonde. Ông Đức bị di chứng sọ não, mất ý thức sau tai nạn. Không có người nhà bên cạnh, mỗi ngày việc vệ sinh, lau rửa, thay bỉm… cho ông đều do các điều dưỡng thực hiện, vì ngoại khoa có vết thương hở nên yêu cầu phải luôn sạch sẽ. Điều dưỡng Nguyễn Thị Cúc cho biết mỗi ngày sẽ phục vụ ông 6 bữa ăn lần lượt qua ống sonde.
Theo quy định của BV, những trường hợp bất động, già yếu, mất ý thức, đa chấn thương sẽ có 1 người thân chăm sóc xuyên suốt không đổi, sau khi được xét nghiệm Covid-19. Nhưng người nhà của ông Đức không thu xếp được thời gian nên mọi sinh hoạt của ông hiện vẫn do NVYT thực hiện. “Vất vả khi phải làm việc gấp đôi, gấp 2, gấp 3 công suất bình thường khi BN không có người nhà, nhưng đổi lại BV sẽ kiểm soát được vấn đề vệ sinh. Vì chống dịch nên mọi người cùng đồng lòng cố gắng để an toàn, hiệu quả điều trị lên trên hết”, điều dưỡng Cúc nói.

Công suất làm việc tăng 300%

Chị Lê Thị Hiền, điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình (BV Đà Nẵng), cho biết khi thực hiện chăm sóc toàn diện, các NVYT làm việc với công suất tăng đến 300%. Điều này cũng dễ hiểu khi ngoài công việc chuyên môn hằng ngày, họ phải kiêm thêm khối lượng công việc của hàng ngàn người nhà BN. Đầu việc tăng gấp 2 – 3 so với bình thường, tùy từng khoa. “Chúng tôi phải đảm bảo các thủ tục hành chính, viện phí, chi phí phẫu thuật, thủ tục tiền phẫu, khiêng vác, đưa BN đi phẫu thuật. Rồi BN nào ai không ăn được thì đút ăn, xoay vòng hết người này đến người khác, có khi đút cho cả phòng cũng mất rất nhiều thời gian…”, chị Hiền nói.
Đối với các bác sĩ (BS), đặc biệt là BS phẫu thuật cấp cứu, còn bao gồm cả quy trình tự cách ly sau các ca phẫu thuật. BS Trà Tấn Hoành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh (BV Đà Nẵng), cho biết nếu như trước đây BS đi mổ rồi về khoa làm việc thì nay phải vào mổ trong tình trạng mặc đồ bảo hộ chống Covid-19 vì BN nhập viện cấp cứu, mổ cấp cứu khi họ chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19. Các ê kíp phẫu thuật cấp cứu sau khi kết thúc ca mổ còn phải vào khu vực tự cách ly chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 của BN. “Sau 2 tháng thực hiện chăm sóc toàn diện, ban đầu có rối vì đầu việc quá nhiều, bây giờ đã bắt đầu vào guồng. Sau khi quy định thời gian tiếp nhận điện thoại, trong khoảng 2 giờ đồng hồ của đầu buổi chiều để thông tin tình trạng BN đến người nhà, mọi người đã dần chấp nhận việc không ở cùng BN”, BS Hoành cho biết.

Kiểm soát dịch cộng đồng

Theo TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, kể từ khi hoạt động trở lại sau đợt phong tỏa vì dịch Covid-19, số BN điều trị tại BV chỉ duy trì ở mức 1.500 – 1.800 BN, chỉ một nửa so với trước đó. Mỗi ngày có khoảng 200 BN nhập viện và số rất ít người nhà của các trường hợp đặc biệt, được thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương thức RT-PCR. “Các xét nghiệm này không chỉ đảm bảo nguồn vào BV, mà còn một phần giúp đánh giá được cộng đồng, bên cạnh đó góp phần kiểm soát dịch ở cộng đồng”, BS Nhân chia sẻ.
Chăm sóc toàn diện đối mặt với cả khó khăn từ phía người nhà BN, đặc biệt với các ca cấp cứu, tai nạn, chấn thương, các ca bệnh nặng… khi họ không được trực tiếp ở bên cạnh BN. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng áp dụng quy trình tiếp nhận, thăm khám và điều trị toàn diện để phòng chống dịch Covid-19, người dân bắt đầu chia sẻ hơn với BV, dần tuân thủ được những thói quen phòng chống dịch ở môi trường BV. Không chỉ chăm sóc toàn diện, BN cũng được cung cấp suất ăn bệnh lý (20.000 đồng/bữa) do khoa dinh dưỡng trực tiếp kiểm soát.
“Môi trường BV được cải thiện rất tốt. Đây là điều ai cũng thừa nhận từ NVYT đến cả BN. BV thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh để BN nghỉ ngơi. Không có người thân nên việc tuân thủ điều trị của người bệnh cũng cao hơn, hợp tác để đáp ứng điều trị tốt hơn. NVYT cũng toàn tâm toàn ý tập trung chú trọng chăm sóc người bệnh. Sự tập trung này giúp gần gũi và phát hiện rất nhiều triệu chứng lâm sàng kịp thời, hạn chế lây nhiễm, nhiễm trùng BV…”, BS Nhân nói.

Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở cách ly không đảm bảo dừng hoạt động

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các địa phương rà soát các quy định an toàn về phòng chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, UBND tỉnh nhận thấy, hiện nay có hiện tượng không ít cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, người dân tỏ ra chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan y tế. Đáng chú ý, trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập luôn tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các cơ chế kiểm soát phòng, chống dịch. Ngoài ra, tại một số cơ sở cách ly có thu phí, có hiện tượng nhân viên làm việc trong khách sạn vi phạm các quy định, phòng, chống dịch.
Lã Nghĩa Hiếu

“Hạ nhiệt” xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng

Trước thực trạng một số người dân ở TP.HCM không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhất là ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ, siêu thị…, trao đổi với Thanh Niên, đại diện một số quận, huyện thừa nhận việc kiểm tra, xử phạt đã “giảm nhiệt” hơn trước bởi sau thời gian tập trung phòng chống dịch Covid-19, khối lượng công việc tồn đọng lớn nên phải giải quyết, nhất là vào thời điểm cuối năm. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của TP.HCM là các quận, huyện và sở, ngành không được chủ quan, lơ là phòng dịch bệnh Covid-19. Hằng tuần, UBND TP.HCM đều tổ chức họp trực tuyến để chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác phòng dịch. Ông Phong cho biết trong “trạng thái bình thường mới”, TP.HCM thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa khôi phục lại nền kinh tế nhưng vẫn phải hết sức cảnh giác trước những nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trước phản ánh của Báo Thanh Niên về việc nhiều quận, huyện không xử phạt người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng, ông Phong cho biết sẽ kiểm tra lại và yêu cầu các quận, huyện chấn chỉnh.
Sỹ Đông
AN DY
TNO