26/12/2024

Trăm dâu đổ đầu… thôn trưởng

Trăm dâu đổ đầu… thôn trưởng

Có lẽ, chưa bao giờ vị trí trưởng thôn lại được nhắc đến nhiều như đợt lũ lụt vừa qua. Họ được nhắc đến nhiều vì liên quan trực tiếp đến công tác cứu trợ, cũng chưa bao giờ nhiều và lắm chuyện tranh cãi như lần này.
Ông Mai Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn, TX.Ba Đồn, Quảng Bình (người cầm micro), điều hành chương trình trao quà cứu trợ của Báo Thanh Niên và Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam ngày 28.10 với gần 1.000 suất /// TRƯƠNG QUANG NAM
Ông Mai Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn, TX.Ba Đồn, Quảng Bình (người cầm micro), điều hành chương trình trao quà cứu trợ của Báo Thanh Niên và Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam ngày 28.10 với gần 1.000 suất   TRƯƠNG QUANG NAM

Mới phẫu thuật cũng phải ngâm nước

Khi đoàn xe chở bè làm bằng ống nhựa từ Đà Nẵng ra tặng cho bà con vùng lũ lụt Quảng Bình về đến xã An Thủy của H.Lệ Thủy thì các thôn Lộc An, Thạch Bàn, Phú Thọ, Tân Lệ cuối xã vẫn còn ngập lụt.
Cuộc gọi đầu tiên cho Trưởng thôn Lộc An Nguyễn Thanh Tâm, sau khi trình bày chuyện muốn tặng thôn mấy chiếc bè, chỉ nhờ anh cho mấy người đỡ từ xe xuống, được không? Tâm nói được, nhưng giọng buồn và yếu. Nghĩ, cái ông trưởng thôn này sao chả nhiệt tình gì vậy ta?
Xe “lội nước” vào trụ sở hợp tác xã, thấy hai người đang dầm trong lũ, áo quần ướt sũng. Người cao ráo là Nguyễn Thanh Xuất, Bí thư chi bộ, người thấp hơn là Nguyễn Thanh Tâm. Anh Xuất mặt mày còn tươi tỉnh, hỏi han rổn rảng, còn Tâm thì xanh như tàu lá, “đơ như cây cơ”.
Trò chuyện mới biết, Tâm mới mổ ruột thừa ra viện hai ngày thì bị lụt. Cũng như người đàn ông trong bất kỳ gia đình nào ở đây phải kê cao các vật dụng, nước dâng lên chừng nào thì kê cao chừng đó. Nhưng mà năm nay nước cứ lên mãi…
Nhưng Tâm là trưởng thôn, điện thoại réo suốt ngày, chỗ này thế này, chỗ nọ thế nọ… Vậy là để lại nhà cửa, con cái cho vợ mà đi. Cứu người hơn cứu hỏa.
Nước vừa rút thì các đoàn cứu trợ đến. Hết đoàn này đến đoàn khác. Vậy là kê một cái bàn trước hiên, chân ngâm nước, ngồi cùng các cán bộ thôn lập danh sách, phân loại thiệt hại… Điện mất toàn huyện, không có nơi nào nhờ đánh vi tính và in ra được.
Trăm dâu đổ đầu... thôn trưởng1

Phải có sự tham gia của các cán bộ xã, thôn thì việc phân phát hàng cứu trợ mới diễn ra êm thấm và có trật tự. Trong ảnh là cán bộ xã, thôn ở xã Triệu Hòa (H.Triệu Phong, Quảng Trị) phát hàng cứu trợ giữa đêm cùng đoàn từ thiện của chùa Đỏ (TP.Hải Phòng) hôm 20.10   ẢNH: NGUYỄN PHÚC

– Gần tuần rồi anh, chắc tôi chịu không nổi nữa, đau (ốm) mất.
Nói thế nhưng khi chuyển bè từ xe xuống, nhờ mấy người ngồi chờ nhận hàng cứu trợ ai cũng lơ, thế là dù “chịu không nổi” trưởng thôn, bí thư lại trằn lưng ra.
Gọi cho anh Chiến, Trưởng thôn Thạch Bàn, Chiến bắt máy, nói trong tiếng ồn ào:
– Giờ chịu anh ơi, xe không về được mô, nước sâu lắm. Tui đang cùng mấy đoàn phát hàng cứu trợ, để tui nhờ anh em lên nhận… Tui đọa rồi.

Bà con của trưởng thôn

Hầu như năm nào các tỉnh miền Trung cũng bị lụt bão, không to thì nhỏ. Mỗi lần như thế, bà con cả nước đều đóng góp tiền, hàng cứu trợ. Năm nào anh em Báo Thanh Niên cũng có mặt sớm nhất. Nhiều năm, chưa có sự đóng góp, Ban biên tập vẫn quyết định chi tiền mua hàng cứu trợ khẩn cấp ngay.
Cũng gần 20 năm được Ban biên tập giao nhiệm điều hành công tác này ở khu vực nên tôi cùng anh em Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung đi rất nhiều nơi. Giờ gần như ai cũng thuộc lòng địa bàn.
Trăm dâu đổ đầu... thôn trưởng2

Hằng ngày xe cứu trợ đổ về các ngả đường thôn xóm là áp lực lớn cho cán bộ thôn, xã trong việc phân phối  ẢNH: NGUYỄN THẾ THỊNH

Đi về cơ sở, chứng kiến muôn vàn chuyện cười không nổi mà khóc cũng không xong. Nhưng nhớ mãi cái lần tôi cự cãi với Trưởng thôn P., anh L.V.T.
Lần đó đang phát quà thì có mấy người kéo tôi ra ngoài để “tố” trưởng thôn toàn đưa bà con, họ hàng vào danh sách. Trấn an bà con yên tâm, báo tôi nhất định làm rõ chuyện này.
Khi bà con ra về, tôi nói với anh L.V.T chuyện trên. T. nói nhưng không được quả quyết cho lắm:
– Làm chi có anh.
– Vậy tôi đọc danh sách, người nào trong dòng họ, bà con thân thì nói cho tôi.
T. gật.
Đánh dấu xong, đếm: Trong 200 hộ gia đình thì có 150 hộ là bà con. Lúc đó nói thực, tôi điên lắm. Quay sang nói với bí thư:
– Anh đi với tôi, đến nhà 5 hộ này coi sao.
Nói xong thì đọc tên ngẫu nhiên và đi.
Trong 5 hộ đó thì có 3 nhà tốc mái, sập tường, 1 nhà thì quả là khổ hết nói, còn 1 nhà rất rộng, đẹp, y như chưa bao giờ có bão lũ đi qua.
Hỏi bí thư:
– Nhà ni sao được nhận hàng?
Anh bí thư ấp úng:
– Anh à, thực ra nhà ông Lưu không bị thiệt hại nhưng khi có bão, cả xóm đến đây ở. Bão tan thì lụt lên nên họ ở đó cả tuần. Hết gạo ăn, nhà ông Lưu phải lấy lúa ra, bỏ vào cối giã, nấu cơm cho bà con. Biếu phần quà để động viên ông ấy thôi anh.
– Cũng được, nhưng sao các anh toàn đưa bà con vào?
– Làng này ai mà không bà con anh. Không xa thì gần. Không bà con họ Lê bên anh T. thì cũng bà con họ Bùi bên tui. Mà tụi tui cũng phân loại cả rồi, người trước người sau, ai cũng có cả. Mấy người thắc mắc là nhận rồi cả đó.
Về trụ sở, tôi bắt tay anh
T., nói:
– Rứa là biết cả rồi anh. Làm trưởng thôn khổ hỉ?
Mặt T. buồn xo:
– Khổ lắm anh!
Trăm dâu đổ đầu... thôn trưởng3

Lực lượng cán bộ xã Lộc Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) và thôn Tuy Lộc hỗ trợ PV Thanh Niên cứu trợ khẩn cấp cho người dân trên địa bàn ngày 12.10  ẢNH: T.N

Nỗi niềm của thôn trưởng

Mấy hôm rồi, chuyện ca sĩ Thủy Tiên ngưng hỗ trợ cho người dân Hải Lăng (Quảng Trị) vì cho rằng xã lập danh sách không đúng đối tượng, trong đó, đưa ảnh nhà một bác trưởng xóm lên trang cá nhân để chứng minh là nhà đẹp, không bị thiệt hại như nhà khác. Sau đó, cộng đồng mạng diễn ra một cuộc tranh luận, khởi đầu từ những bức ảnh chụp ở góc độ khác thấy phía trong nhà, sau nhà không đẹp như mặt tiền và xập xệ hơn.
Câu chuyện tiếp tục được soi dưới nhiều góc độ khác. Đó là việc tính bị thiệt hại trong lũ lụt bằng độ ngập sâu trên 1 m và dưới 1 m. Nhiều người cho rằng đây là tiêu chí không đúng vì ngập sâu chưa chắc thiệt hại bằng ngập không sâu.
Thêm chuyện có người đeo vàng, sơn móng tay đi nhận cứu trợ, sau đó được biết họ đi nhận thay cho bà con là người đang chạy thận, người bệnh nặng đang nằm viện.
Những người thắc mắc sau đó cầm thước đi đo, rồi tranh luận tiêu chí ngập sâu ngập cạn. Đến nỗi có người nhại thơ mà rằng:
“Thu đi để lại lá vàng
Em đi để lại cả làng cãi nhau”
Trước đó thì Trưởng thôn Ngọa Cương ở H.Quảng Trạch (Quảng Bình) lao đao vì thu lại tiền của 69 hộ nhận từ Thủy Tiên sau đó phải trả lại. Ông này lý giải là do dân trong thôn thỏa thuận với nhau để trưởng thôn làm thế xong phân chia lại cho công bằng…
Một trưởng thôn khác (cũng ở Quảng Bình) bị người không có trong danh sách nhận quà của Thủy Tiên đánh…
Kể ra để thấy, chuyện thôn xóm muôn hình vạn trạng, có những góc mà người ngoài khó nhìn thấy được và trưởng thôn lúc nào cũng là người nhận kết quả hoặc hậu quả đó.
Một người đồng đội của tôi, là cựu trưởng thôn hai nhiệm kỳ, tâm sự:
– Tao nói thật với mi, đang ngủ với vợ, nghe kêu một cái là tung mền vùng chạy. Giá như đừng có điện thoại thì còn đỡ, có, nó “Quảng Bình quê ta ơi” suốt ngày (anh này cài nhạc chuông bài hát đó). 6 thằng trưởng thôn của xã này, thằng nào cũng bị vợ chửi, chà như cái giẻ lau nhà.
Nói lại:
– Nhưng ta nghe bà con khen thời mi làm “ngon” hơn đương kim trưởng thôn mà?
Nó xua tay:
– Thôi mi. Hồi tao làm họ cũng nói trưởng thôn trước làm “ngon” hơn tao.
Lại hỏi:
– Sau này dân bầu lại mi có làm không?
Nó giãy nảy:
– Tao thật, có viết di chúc tao cũng truyền lại, con cháu sau này làm gì thì làm, không được làm thôn trưởng.
Tôi phì cười.
Lát sau nó xuống giọng:
– Ừ, nói thế chứ biết đâu, lại nhận, lại nghe vợ chửi. Chuyện làng xã phức tạp lắm, con người ở làng cũng phức tạp lắm, tao cũng phức tạp lắm. Nói thế nhưng “ngứa máu” lên vẫn làm.
– Ta xem phim Gió làng Kình, thấy trưởng thôn với cán bộ xã ghê lắm mà? Sau này người ta mới nói là “cường hào mới” đó?
Nó bĩu môi, xì một tiếng:
– Thời đó mà có cái điện thoại và phây bút, phây bơ như giờ thì bọn nó toi hết rồi!
NGUYỄN THẾ THỊNH
TNO