23/12/2024

Người bệnh đái tháo đường cần phòng ngừa biến chứng mất thị lực, mù mắt

Người bệnh đái tháo đường cần phòng ngừa biến chứng mất thị lực, mù mắt

Đục thuỷ tinh thể là biến chứng thường gặp ở mắt của bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Bệnh diễn tiến nhanh và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể do biến chứng đái tháo đường được bác sĩ thăm khám /// Khải Linh
Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể do biến chứng đái tháo đường được bác sĩ thăm khám KHẢI LINH

Mất thị lực do biến chứng đái tháo đường

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Hiếu (Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Gia An 115, TP.HCM): Đái tháo đường có thể ảnh hưởng tới toàn thân, gây ra các biến chứng ở não, thận, tim và mắt. Trong các biến chứng tại mắt, đục thủy tinh thể là biến chứng rất thường gặp.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người bệnh đái tháo đường trên 60 tuổi bị đục thủy tinh thể khoảng 90%.
Người bệnh có các triệu chứng như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng (chói mắt khi nhìn ánh sáng), nhìn một thành hai hoặc nhiều hình (song thị), thấy màu sắc có vẻ nhạt hơn… “Diễn tiến bệnh đục thủy tinh thể ở người đái tháo đường thường nhanh hơn rất nhiều so với người bình thường, tiến triển tính theo hằng tháng thay vì hằng năm như bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ mù lòa rất cao”, bác sĩ Hiến cảnh báo.
Ghi nhận tại Bệnh viện Gia An 115, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị đục thủy tinh thể do biến chứng đái tháo đường, trong đó đa phần đến điều trị khá muộn, khi mắt đã nhìn mờ nhiều.
Bệnh nhân L.B.Q (47 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) những tháng gần đây mắt trái nhìn mờ. Anh đã tự điều trị bằng thuốc nhỏ mắt nhưng không đỡ, mắt ngày càng mờ dần. Đến khi mắt mờ nhiều, gần như không thấy gì, chỉ có thể nhìn thấy bóng bàn tay khua trước mặt (thị lực bóng bàn tay), bệnh nhân đã đến bệnh viện khám mắt.
Tại Bệnh viện Gia An 115, qua thăm khám, trao đổi với bác sĩ, anh cho biết mình có tiền sử đái tháo đường, trước đó đã phát hiện đục thủy tinh thể nhưng do lượng đường trong máu cao, huyết áp không ổn định nên chưa thể thực hiện phẫu thuật. Sau đó, do công việc bận rộn nên bệnh nhân “bỏ lơ” bệnh.
Bác sĩ đánh giá bệnh nhân cần phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh đục bằng siêu âm (Phaco) kết hợp đặt thể thủy tinh nhân tạo (IOL) ngay để tránh dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cho biết phẫu thuật đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường phức tạp hơn và nhiều nguy cơ biến chứng. Tình trạng đái tháo đường cũng phải được kiểm soát thật tốt để chuẩn bị phẫu thuật.
Sau điều trị kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và phẫu thuật, thị lực của bệnh nhân đã tốt 10/10. “May mắn ở trường hợp này là đáy mắt của bệnh nhân còn tốt. Nếu để bệnh đái tháo đường tiến triển làm tổn thương đáy mắt thì đôi khi thị lực sẽ không thể phục hồi tốt dù được phẫu thuật”, bác sĩ Hiếu nhận định.

Không nên tự điều trị bằng thuốc nhỏ mắt

Theo bác sĩ Hiếu, đục thủy tinh thể là bệnh rất thường gặp, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây mù lòa trên thế giới. Nếu đục thủy tinh thể, đặc biệt là trường hợp do biến chứng của bệnh đái tháo đường, không được điều trị đúng thì thể thủy tinh sẽ càng ngày càng đục nhiều. Khi đó, phẫu thuật sẽ khó khăn hơn, thủy tinh thể quá chín sẽ gây biến chứng như tăng nhãn áp, bị vỡ bao dẫn đến phản ứng viêm màng bồ đào… và làm tăng nguy cơ mù mắt.
Thực tế, nhiều người khi có các triệu chứng mỏi mắt, khô mắt, mờ mắt… thường tự ra tiệm thuốc mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cảnh báo: “Việc tự điều trị các triệu chứng bệnh ở mắt bằng thuốc nhỏ mắt là thói quen xấu có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Bởi vì trong các loại thuốc nhỏ mắt được bán ở hiệu thuốc có thể có chứa kháng sinh hoặc các chất corticoid. Tuy các chất này tốt cho việc điều trị một số bệnh về mắt như viêm bờ mi, viêm giác mạc… nhưng nếu lạm dụng hoặc tự ý sử dụng, không theo chỉ định của bác sĩ thì có thể làm tăng nhãn áp, làm tăng thêm tình trạng đục thủy tinh thể, tổn hại thần kinh thị giác, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn”.
Vì vậy, bác sĩ Hiếu khuyến cáo, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng đục thủy tinh thể hoặc thấy mỏi mắt, khô mắt, mắt mờ, giảm thị lực… người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Đặc biệt, đục thủy tinh thể, mất thị lực ở người đái tháo đường thường tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ mù lòa rất cao.
KHẢI LINH
TNO