23/11/2024

Làm gì để tăng cơ hội sống sót khi sạt lở đất?

Làm gì để tăng cơ hội sống sót khi sạt lở đất?

Nghiên cứu của GS Joseph Wartman và cộng sự kết luận chỉ cần thay đổi một số thái độ ứng xử đơn giản như tìm hiểu về lở đất hoặc biết cách di dời, nhiều người sẽ được cứu sống.

 

Làm gì để tăng cơ hội sống sót khi sạt lở đất? - Ảnh 1.

Không ảnh vụ sạt lở đất ở Oso ngày 22-3-2014 làm 43 người chết – Ảnh: USGS

Vụ sạt lở đất ở Oso (bang Washington) vào tháng 3-2014 đã trở thành thiên tai chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ với 43 người chết và 49 ngôi nhà bị phá hủy.

Sau đó, GS Joseph Wartman và giảng viên William Pollock ở khoa kỹ thuật xây dựng và môi trường thuộc Đại học Washington (Mỹ) bắt đầu tìm hiểu xem yếu tố nào khiến sạt lở đất làm chết nhiều người như vậy.

Hai nhà nghiên cứu đã phân tích tài liệu về 38 vụ lở đất có ảnh hưởng đến nhà cửa xảy ra từ năm 1881 đến 2019 bao gồm lũ bùn ở Oso và Nam California cũng như các vụ sạt lở đất ở Bangladesh, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Úc, New Zealand.

Kết quả nghiên cứu với đầu đề “Tính chất dễ tổn thương của con người đối với sạt lở đất” đã được công bố trên tạp chí khoa học GeoHealth (Mỹ) số tháng 10-2020.

Nghiên cứu kết luận chỉ cần thực hiện một số hành vi đơn giản, cơ hội sống sót trong sạt lở đất sẽ tăng lên.

Có sáu hành vi then chốt nên thực hiện trước, trong và sau sạt lở đất.

Trước sạt lở đất:

1. Tìm hiểu thông tin về các nguy cơ tiềm ẩn từ bản đồ nguy cơ lở đất hoặc từ nhiều nguồn khác đồng thời trò chuyện với những người đã từng trải qua lở đất.

2. Di chuyển khỏi những chỗ đông người như phòng ngủ, tầng lầu hoặc đi xuống phía dưới tòa nhà.

Trong sạt lở đất:

3. Thoát thân theo hướng thẳng đứng bằng cách di chuyển lên cầu thang hoặc thậm chí đứng trên quầy để tránh bị cuốn đi.

4. Xác định và di chuyển đến các địa điểm bên trong nhà không có đồ đạc như phòng tắm, hành lang bên trong.

5. Mở cửa cái và cửa sổ ra phía ngoài để các mảnh vỡ văng ra ngoài.

Sau sạt lở đất:

6. Nếu bị vướng trong đống đổ nát, hãy tiếp tục vùng vẫy và gây tiếng động như kêu cứu, huýt sáo, gõ vào các mảnh vỡ để báo cho lực lượng cứu hộ.

Ngược lại, có hai hành vi khiến các nạn nhân gặp nhiều rủi ro hơn.

Một là mở cửa vì tò mò khi nghe âm thanh lạ hoặc nhìn thấy bùn chảy trên đường nên bị lũ cuốn đi.

Hai là ẩn náu bên cạnh các vật dụng lớn nên bị chấn thương do đồ đạc va đập mạnh.

GS Joseph Wartman hi vọng sáu hành vi nêu trên có thể được lồng ghép vào các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ông nhận xét: “Đây là thông điệp hi vọng. Nghiên cứu này mong muốn gợi ý rằng đầu tư khiêm tốn vào khoa học xã hội, chính sách và giáo dục có thể tạo hiệu quả lớn trong việc bảo vệ người dân khỏi sạt lở đất”.

Tại Mỹ, người dân muốn biết nhà cửa có dễ bị sạt lở đất ảnh hưởng hay không có thể liên hệ với các cơ quan địa phương như Bộ Tài nguyên bang Washington để tìm hiểu.

Mỹ đang xây dựng một đạo luật liên bang về cung cấp rộng rãi thông tin liên quan đến sạt lở đất.

Làm gì để tăng cơ hội sống sót khi sạt lở đất? - Ảnh 2.

Di chuyển người chết trong vụ sạt lở đất ở Itogon (miền bắc Philippines) vào tháng 9-2018 trong bão Mangkhut – Ảnh: AP

Làm gì để tăng cơ hội sống sót khi sạt lở đất? - Ảnh 3.

Sạt lở đất ngày 21-12-2015 ở Thâm Quyến (Trung Quốc) làm 77 người chết – Ảnh: EPA

Trung bình trên thế giới có hơn 4.000 người chết mỗi năm do sạt lở đất. Riêng ở Mỹ số người chết do sạt lở đất từ 25-50 người.

HOÀNG DUY LONG
TTO