22/01/2025

Gián đoạn bão lũ, dạy học ra sao?

Gián đoạn bão lũ, dạy học ra sao?

Những ngày qua, có những địa phương phải cho học sinh nghỉ học hơn 3 tuần và có thể còn nghỉ dài hơn nữa. Các trường học sẽ phải xoay xở thế nào để đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục khi năm học đã bắt đầu được 2 tháng?

 

Gián đoạn bão lũ, dạy học ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh trở lại trường trên con đường ngập nước tại huyện Núi Thành, Quảng Nam sáng 31-10 – Ảnh: ĐỨC TÀI

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết:

– Đầu năm học mới, Bộ GD-ĐT đã có công văn 3280 hướng dẫn các nhà trường điều chỉnh nội dung dạy học. Nhưng ở văn bản này, Bộ GD-ĐT mới chỉ đặt ra việc tinh giản nội dung kiến thức.

Cụ thể là những nội dung trùng lặp giữa các môn học, lớp học, nội dung hàn lâm, không cần thiết, hướng dẫn xây dựng các chủ đề dạy học để tích hợp các nội dung kiến thức trọng tâm…

Theo hướng dẫn, nội dung chương trình đã được tinh giản nhưng thời gian thực học giữ nguyên để các trường có điều kiện linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học, phương pháp dạy học.

Nhưng trong tình thế nhiều tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lụt khiến học sinh phải nghỉ học kéo dài, có những nơi đã nghỉ hơn 3 tuần sẽ phải linh hoạt thực hiện kế hoạch giáo dục.

Hiện tại sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã báo cáo Bộ GD-ĐT về kế hoạch điều chỉnh thời gian thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với tình huống ảnh hưởng do bão lụt.

Gián đoạn bão lũ, dạy học ra sao? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT)

* Nếu mưa bão còn kéo dài, Bộ GD-ĐT có hướng xử lý thế nào để đảm bảo yêu cầu chương trình năm học?

– Kinh nghiệm của đợt dịch bệnh COVID-19 khiến trường học cả nước phải nghỉ dài vẫn có giá trị để địa phương, trường chủ động ứng phó. Trong điều lệ trường tiểu học, trường THCS và THPT ban hành đầu năm học đã quy định trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục.

Các sở GD-ĐT cần chỉ đạo trường có nhiều phương án tổ chức dạy học: trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Trường hợp học sinh phải nghỉ học dài hơn có thể phải tiếp tục triển khai dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến tương tự như trong dịch COVID-19.

* Bộ quy định chỉ dạy học sau ngày khai giảng 5-9 nhưng một số vùng ảnh hưởng từ thiên tai như miền Trung cần được chủ động thực hiện thời gian năm học, vậy có nên điều chỉnh?

– Quy định này để đảm bảo học sinh có thời gian nghỉ hè, có điều kiện trải nghiệm ngoài cuộc sống. Nếu tính thời gian thực học từ ngày 5-9 đến 31-5, các trường đều đã có 2 tuần dự phòng cho những việc phát sinh.

Tuy nhiên, thực tế ở các tỉnh miền Trung cho thấy những vùng đặc thù cần được linh hoạt hơn trong thực hiện thời gian năm học để có nhiều hơn 2 tuần dự phòng, giúp các trường chủ động kế hoạch giáo dục cả khi bị ảnh hưởng bởi bão lũ khiến trường phải ngừng hoạt động kéo dài.

Chỉ tập trung vào nội dung giáo dục trọng tâm

Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chung về việc giảm bớt thời gian thực hiện chương trình. Theo đó, các địa phương có thể chủ động thời gian dạy học, thời điểm kiểm tra học kỳ 1, thực hiện học kỳ 2, chỉ tập trung vào nội dung giáo dục trọng tâm để đảm bảo yêu cầu tối thiểu của chương trình.

Theo thiết kế khung thời gian năm học, các nhà trường đều có khoảng 2 tuần dự phòng. Nếu học sinh nghỉ học nằm trong khoảng thời gian này thì sẽ không phải điều chỉnh. Nhưng vượt quá 2 tuần sẽ phải có kế hoạch bố trí việc dạy học theo tình huống mới.

Ông Nguyễn Xuân Thành

VĨNH HÀ thực hiện
TTO