Tại hội thảo, Thứ trưởng
Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá hiện nay thực trạng sử dụng các loại thuốc kháng sinh đang khá phổ biến tại nước ta, người dân khi bệnh nhẹ cũng tìm
mua kháng sinh về tự điều trị. Điều này làm cho tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng. Nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
GS-TS Nguyễn Văn Kính, chuyên gia nhiều năm tham gia các nghiên cứu về kháng kháng sinh tại VN, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), cho biết: Tại VN, xu hướng kháng kháng sinh gia tăng. Đặc biệt, có những vi khuẩn đã kháng với các thuốc trước đây chúng ta cho là “bảo bối”. Ví dụ như, vi khuẩn tụ cầu (là vi khuẩn thường gặp gây nhiễm khuẩn vết mổ,
nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết…) cũng đã kháng với thuốc từng điều trị hiệu quả.
Đáng lưu ý, theo GS-TS Nguyễn Văn Kính, kháng sinh nhóm Carbapenem là nhóm kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, được chỉ định điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, từng được ví như “búa tạ” trong điều trị các vi khuẩn cứng đầu, hiện cũng đã bị kháng. Đặc biệt, đã có các ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn siêu kháng thuốc, kháng với hầu hết các kháng sinh. Do đó, để kiểm soát kháng kháng sinh, đảm bảo hiệu quả điều trị, thực hiện nghiêm ngặt chống nhiễm khuẩn bệnh viện là rất quan trọng.
GS-TS Nguyễn Văn Kính cũng xác nhận đã ghi nhận các trường hợp
nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng. Việc người dân mua và sử dụng kháng sinh không theo đơn là một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc. Tình trạng này khiến cho việc điều trị khó khăn, thậm chí tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, người dân khi có bệnh cần đi khám, chỉ sử dụng thuốc theo đơn, không tự ý mua và sử dụng kháng sinh.