24/12/2024

Thời điểm nào nên khám sức khoẻ tiền hôn nhân?

Thời điểm nào nên khám sức khoẻ tiền hôn nhân?

Theo Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, tiền hôn nhân là thời gian từ lúc một người bắt đầu trưởng thành đến khi lập gia đình (bao gồm cả những người vị thành niên chưa trưởng thành về mặt tâm lý, xã hội nhưng đã phát triển về bộ máy sinh sản).
Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là cung cấp kiến thức và khám sức khỏe cho người chuẩn bị kết hôn /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là cung cấp kiến thức và khám sức khỏe cho người chuẩn bị kết hôn  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Người được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm: vị thành niên, thanh niên, người chuẩn bị kết hôn và người có nhu cầu.
Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là cung cấp kiến thức và khám sức khỏe cho người chuẩn bị kết hôn, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ; các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh; góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể phát hiện các “sự cố” để kịp thời khắc phục. Sức khỏe sinh sản được “tầm soát” sẽ giúp các cặp vợ chồng khi kết hôn có được sức khỏe tốt, sinh con khỏe mạnh, tránh cho con các bệnh di truyền, tránh dị tật bẩm sinh.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám sức khỏe tổng thể và khám cơ quan sinh sản của nam và nữ. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể nhằm phát hiện bệnh, tật (nếu có) có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và bạn đời như bệnh viêm gan B, HIV, bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường tình dục… Khám cơ quan sinh sản nhằm phát hiện những bất thường về cấu tạo giải phẫu cũng như chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục; các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây qua đường tình dục.
Nữ giới được hỏi tiền sử về các bệnh nội, ngoại; đặc biệt tiền sử về sản khoa, phụ khoa; khám vú, khám bộ phận sinh dục ngoài; thăm khám âm đạo (bao gồm lấy dịch âm đạo để xét nghiệm nhưng chỉ thực hiện khi có yêu cầu chẩn đoán xác định và phải được sự đồng ý của khách hàng). Nam giới được hỏi tiền sử về các bệnh, đặc biệt tiền sử về chấn thương, viêm tinh hoàn, bệnh lây qua đường tình dục, sự xuất tinh, sự cương cứng của dương vật…
Trường hợp nghi ngờ có bệnh hoặc mang gien bệnh, cá nhân đó sẽ tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và được hướng dẫn điều trị, được khám chuyên khoa sâu theo chỉ định của bác sĩ.
Sở Y tế/Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tại địa phương là cơ quan thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại tỉnh, TP.
TNO