23/01/2025

‘Làng biệt thự’ xây dựng trái phép dưới chân núi Voi: Nhiều lần ‘kêu cứu’ nhưng không được hỗ trợ

‘Làng biệt thự’ xây dựng trái phép dưới chân núi Voi: Nhiều lần ‘kêu cứu’ nhưng không được hỗ trợ

Liên quan vụ ‘Làng biệt thự’ xây dựng trái phép dưới chân núi Voi, Công ty Phương Nam cho biết liên tục có đơn báo cáo việc dụ dỗ người đồng bào bán đất, đề nghị chính quyền hỗ trợ nhưng không nhận được phản hồi.
“Làng biệt thự” xây dựng trái phép dưới chân núi Voi /// Ảnh: LÂM VIÊN
“Làng biệt thự” xây dựng trái phép dưới chân núi Voi  ẢNH: LÂM VIÊN
Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 28.10 có bài phản ánh “làng biệt thự” với hơn 50 ngôi nhà xây dựng trái phép dưới chân núi Voi, cạnh Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương kiểm tra và xử lý sai phạm.

Chỉ đạo kiểm tra, cắt điện

Cụ thể, đầu giờ chiều qua 28.10, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở KH-ĐT, TN-MT, NN-PTNT, Xây dựng, Công thương và UBND H.Đức Trọng khẩn trương kiểm tra và kịp thời xử lý hành vi vi phạm tại “làng biệt thự” xây dựng trái phép dưới chân núi Voi, trên đất lâm nghiệp được tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Công ty cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam (Công ty Phương Nam) quản lý, bảo vệ, phát triển du lịch…
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng giao H.Đức Trọng khẩn trương kiểm tra thực tế và xác minh nội dung phản ánh của báo chí tại khu vực trên, kịp thời lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 2.11. Nội dung văn bản còn giao cho các sở ngành liên quan thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh xử lý các nội dung liên quan đến dự án của Công ty Phương Nam. Bên cạnh đó, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp tại khu vực nối từ cao tốc Liên Khương – Prenn vào khu vực Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đến khu vực tiếp giáp sân golf Sacom, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 10.11.
Cũng trong chiều qua, Giám đốc Điện lực Đà Lạt cho biết, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh vụ việc, đơn vị này đã mời ông T.H.H (ngụ P.6, TP.Đà Lạt) đến để thông báo ngưng cung cấp điện. Ông H. làm hợp đồng cung cấp điện với mục đích sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn P.3 (TP.Đà Lạt) và có sự xác nhận của chính quyền P.3, nên Điện lực Đà Lạt chấp thuận, thế nhưng ông H. lại cấp điện xây dựng nhà trái phép tại tiểu khu 268 (H.Đức Trọng) – là nơi xảy ra vụ xây dựng hơn 50 căn nhà trái phép nói trên.

Hăm dọa đánh Đội trưởng đội bảo vệ rừng

Ông Nguyễn Đức Phúc (80 tuổi), Giám đốc Công ty Phương Nam, cho PV Thanh Niên biết, năm 1992, công ty ông được UBND tỉnh Lâm Đồng giao 355 ha rừng, đất rừng (trong đó có 156 ha thuộc xã Hiệp An, H.Đức Trọng, phần còn lại thuộc TP.Đà Lạt) để quản lý bảo vệ và thực hiện dự án du lịch dã ngoại, định canh cho hơn 30 hộ đồng bào dân tộc làng Đarahoa ổn định cuộc sống. Ông Phúc phân chia đất (có giấy cho mượn đất), cung cấp cây giống, phân bón và hướng dẫn các hộ canh tác cà phê ổn định cuộc sống; ngược lại, họ giúp ông giữ rừng.
Thế nhưng từ khi đường nối từ cao tốc Liên Khương – Prenn vào Khu du lịch hồ Tuyền Lâm thông tuyến thì bắt đầu xảy ra tình trạng người Kinh đến mua đất của đồng bào dân tộc đang canh tác cà phê (do Công ty Phương Nam cho mượn). Tháng 4.2019, Công ty Phương Nam có đơn gửi các cơ quan chức năng H.Đức Trọng báo cáo tình trạng một số người có hành vi mua chuộc đồng bào dân tộc bán đất; cho vay nặng lãi, sau đó đổi lấy đất đang canh tác cà phê. Trong đơn ngày 3.5.2019, ông Phúc nêu rõ: “Đề nghị UBND H.Đức Trọng có giải pháp cấp bách hỗ trợ công ty ngăn chặn kịp thời sự việc đang xảy ra trên đất công ty thuộc địa bàn xã Hiệp An, vì công ty không đủ sức ngăn chặn”.
Trước đó, ngày 18.4.2019, ông Nguyễn Văn Minh, Đội trưởng Đội quản lý rừng khu vực núi Voi (thuộc Công ty Phương Nam), phát hiện ông Nguyễn Thanh Hùng (còn gọi là Của, ngụ xã Hiệp An) có hành vi mua đất của một hộ dân nên đến ngăn cản thì bị ông Hùng hăm dọa đánh.
Tiếp đó, ngày 4.5.2019, phát hiện ông Nhân (ngụ P.4, TP.Đà Lạt) đến mua đất của hộ Ha Thưng, ông Minh đến ngăn cản cũng bị ông Nhân đe dọa. Sau khi xảy ra 2 vụ việc trên, ông Minh viết đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng của huyện và xã nhưng đều… rơi vào im lặng!
Khi có thêm nhiều người từ Đà Lạt, Hiệp An đến dụ dỗ đồng bào dân tộc bán đất, Công ty Phương Nam liên tục có đơn báo cáo và khẩn thiết đề nghị chính quyền H.Đức Trọng hỗ trợ giải quyết nhưng không nhận được phản hồi.

Cần điều tra ai “đứng sau”

Cũng theo ông Phúc, khi xuất hiện 2 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp đầu tiên (ở “làng biệt thự” mà Thanh Niên phản ánh – PV), ông được xã Hiệp An hỗ trợ giải tỏa. Nhưng liền sau đó xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà khác; công ty nắm được tên, tuổi, và cả số điện thoại người mua đất trái phép của đồng bào dân tộc, dựng nhà trái phép và công ty báo cáo cho H.Đức Trọng và UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng thời kêu cứu cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết. Thế nhưng, tỉnh giao cho huyện, huyện lại giao cho xã nên không giải tỏa được.
Theo ông Phúc: “Nhiều người từ Đà Lạt xuống mua đất của đồng bào dân tộc dựng nhà trái phép, trong đó có cả cán bộ; do đó xã nhiều lần tổ chức giải tỏa nhưng không được. Bây giờ chỉ sau 1 năm nó thành ngôi “làng biệt thự” với hơn 50 căn thì quá sức tưởng tượng của doanh nghiệp”. Ông khẩn thiết đề nghị chính quyền các cấp vào cuộc cho cơ bản, cần có cuộc điều tra xem ai “đứng sau” những ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp dưới chân núi Voi.
Một lãnh đạo Ban Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết sau khi Báo Thanh Niên và các báo phản ánh vụ việc “làng biệt thự” xây dựng trái phép dưới chân núi Voi, Thường trực Tỉnh ủy có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương kiểm tra làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc; báo cáo thường trực trước ngày 2.11.
LÂM VIÊN
TNO