24/12/2024

‘Liều thuốc’ đặc biệt chống ung thư

‘Liều thuốc’ đặc biệt chống ung thư

Những ngày qua cộng đồng các ‘chiến binh ung thư’ khắp cả nước đã chào đón đêm gala ‘Hẹn với thanh xuân’. Tinh thần được ví như ‘liều thuốc’ góp sức giúp người bệnh ung thư vượt qua án tử.

Liều thuốc đặc biệt chống ung thư - Ảnh 1.

CLB “Cuộc chiến chống ung thư” của cô Trần Đồng (bìa trái) thường xuyên gặp gỡ chia sẻ động viên nhau trong cuộc sống – Ảnh: NVCC

Đau đớn, khóc lóc, than vãn không thay đổi được tình thế. Muốn thay đổi được tình thế thì tinh thần của người bệnh phải tốt lên và đó là điều quyết định thành bại của cả quá trình điều trị.

Cô Trần Đồng

“Chuẩn bị bung lụa thật rực rỡ nào chị em ơi”, cô Trần Đồng (tên thật Đồng Thị Luyện) – “chiến binh” vượt qua ung thư vòm họng giai đoạn cuối – kêu gọi trên trang cá nhân của mình. Sau lời thúc giục ấy, đồng loạt các “chiến binh” cùng nhau thay “áo mới” cho trang cá nhân của mình với những hình ảnh tươi tắn nhất, trong “bộ cánh” lộng lẫy nhất…

“Liều thuốc” tốt

Có thuốc tốt, bác sĩ giỏi điều trị nhưng nếu người bệnh lại “xuống tinh thần” là điều khiến “cuộc chiến” ung thư trở nên chông chênh hơn bao giờ hết… Từng lời khen vui vẻ, lời động viên nhau trên mạng thôi nhưng cô Trần Đồng bảo rằng đó chính là “liều thuốc” quý giá với người bệnh ung thư, vốn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần trong suốt hành trình điều trị bệnh.

Từ một người bệnh qua 42 đợt hóa – xạ trị vô cùng đau đớn, bây giờ cô Trần Đồng là chủ nhiệm của Câu lạc bộ “Cuộc chiến chống ung thư” với hơn 10.000 người trong cả nước, mỗi phút trôi qua cô nhận được rất nhiều tâm sự từ người bệnh. Trong những chia sẻ ấy có cả niềm vui và nỗi buồn, có cả sự quyết tâm lẫn tuyệt vọng.

Lướt nhẹ qua những dòng tin nhắn chờ trả lời, cô dừng lại ở tin nhắn của một thầy giáo bị ung thư xương. “Tinh thần của thầy giáo này không tốt. Tôi thường dành nhiều thời gian để trấn an, động viên thầy mạnh mẽ chiến đấu đến giây phút cuối cùng”.

Và sự thật có nhiều người đã làm được điều tưởng chừng như không thể đó. Như trường hợp của chị K. (40 tuổi, ngụ TP.HCM) bị ung thư vú giai đoạn cuối. Từ một người suốt ngày chỉ biết khóc lóc, lo sợ cái chết, chị đã hoàn toàn thay đổi. Không những hết “sợ chết”, chị đã chiến đấu để chiến thắng bệnh tật, giờ đây chị đang tích cực hỗ trợ tinh thần cho nhiều “đồng bệnh” khác.

Không chỉ chị K., trong câu lạc bộ còn nhiều người bệnh chiến thắng ung thư nhờ “tinh thần thép”. Như cô Hiếu ung thư phổi giai đoạn 4 nhưng vẫn cười tươi nhí nhảnh hay cô Châu bị ung thư di căn vào xương, hôn mê mấy tháng rồi tỉnh táo không cần phải ngồi xe lăn.

Và cả cô Dung nữa, dù từng nằm liệt giường lở loét khắp người nay khỏe hẳn, có thể đồng hành cùng các “chiến binh” đi nấu món ăn cho “đồng đội”.

“Còn gì vui hơn khi mỗi lúc đọc tin nhắn lại đón nhận thêm tin vui từ một chiến binh khỏi bệnh, thậm chí họ còn có thể cưới chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cái, thành công trong công việc” – cô Đồng tâm sự.

Tại sao lại không cười?

Có người từng hỏi cô Đồng đã bệnh, đã đau rồi làm sao mà vui, mà cười được? Cô không trả lời mà hỏi lại: “Thế chị khóc có cảm thấy bớt đau không, có khỏi bệnh không?”. Người ấy chỉ biết lắc đầu, cô Đồng la rầy: “Thế tại sao mình không cười?”. Cô bảo khi cười làm cho bản thân quên đi cái đau, đẹp hơn và cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn.

Thế rồi lại có người bi quan nói ung thư sắp chết rồi, vào thuốc đầu trọc lóc, da dẻ xám đen xám đỏ, miệng móm mém còn gì đâu mà đẹp. “Đẹp chứ, chiến binh có cái đẹp của chiến binh. Tôi phải đẹp mọi lúc mọi nơi, kể cả có chết tôi cũng muốn trở thành con ma đẹp” – cô Đồng cười tươi tâm sự.

Cô Trần Đồng đúc kết để vượt qua “cuộc chiến” ung thư cam go này, tinh thần là điều vô cùng quan trọng: “Bác sĩ giỏi, thuốc tốt dĩ nhiên là cơ hội sống còn với người bệnh rồi. Nhưng nếu người bệnh tinh thần không có thì không mang lại kết quả điều trị tốt được”. Giữa sự sống và cái chết, cô bảo rằng tinh thần đó giúp người bệnh ráng gượng dậy ăn uống, cộng tác điều trị với bác sĩ không để “rớt toa”.

Tinh thần ấy không dễ gì tạo ra, không phải ai cũng có. Điều đáng sợ nhất đối với người bệnh ung thư là sự kỳ thị, đơn độc trong quá trình chiến đấu. Đã từng có nhiều câu chuyện rất bi đát, như trước khi vào phòng mổ chồng đưa đơn ly dị, theo người khác hoặc hủy hôn ước.

Đau xót hơn, có người ra đường bị chỉ trỏ “con đó chắc ăn ở thế nào mới bị ung thư”, “ung thư thì chết chứ sao sống nổi”; có chị em sắm sửa bản thân chút thì bị mỉa mai ung thư còn điệu…

Chưa hết, có nhiều người điều trị trong vô vọng bởi thiếu niềm tin với bác sĩ, gục ngã bởi không chịu đựng nổi sự quá thương hại của người xung quanh. “Cứ nhìn thấy người bệnh ung thư là khóc. Bản thân họ đã yếu đuối lắm rồi nên cần sự động viên để mạnh mẽ vượt qua chứ không cần giọt nước mắt đau buồn.

Mọi người, từ gia đình đến xã hội, khi có người thân bị ung thư đừng làm quan trọng vấn đề mà cứ coi đó là bệnh cần phải chữa, và chắc chắn chữa được” – một “chiến binh” đang điều trị ung thư chia sẻ.

Đã ghi nhận bệnh nhân ung thư vú chỉ mới 19 tuổi

Bộ Y tế, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã tổ chức chiến dịch truyền thông “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” nhằm thu hút sự chú ý và nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư vú.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 165.000 ca mắc ung thư mới, trong đó có trên 15.200 ca mắc ung thư vú. Ung thư vú đang chiếm trên 20% trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới và tuổi mắc bệnh đang có dấu hiệu trẻ hóa. Tại Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân ung thư vú mới chỉ 19 tuổi.

Nhân tháng truyền thông “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu”, Bộ Y tế, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã tổ chức khám tầm soát, sàng lọc sớm bệnh ung thư vú cho khoảng 5.000 chị em phụ nữ ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Hải Dương. (L.ANH)

HOÀNG LỘC
TTO