23/11/2024

Gượng dậy sau mưa lũ

Gượng dậy sau mưa lũ

Học sinh nhiều nơi chưa biết ngày trở lại trường
Người dân đang cần nước sạch, giống, vốn
Thanh Niên tiếp tục cứu trợ vùng lũ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế
Cảnh tượng điêu tàn tại điểm trường mầm non An Xá, xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình /// Ảnh: TRƯƠNG QUANG NAM
Cảnh tượng điêu tàn tại điểm trường mầm non An Xá, xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình  ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM
Sau nhiều ngày nhà cửa bị nhấn chìm trong lũ dữ, rất nhiều người dân miền Trung lâm cảnh trắng tay và đang phải oằn mình gượng dậy trong gian truân.
Với hầu hết hộ dân miền Trung, ngoài lo chống đói trước mắt, thứ họ cần hơn là vốn, cây – con giống và máy móc cải tạo đất để tái lập sản xuất, ổn định cuộc sống…

Nuốt nước mắt đốn bỏ hoa màu

Ông Nguyễn Năm (60 tuổi, ở xã Đại An, H.Đại Lộc, Quảng Nam) nhiều ngày nay tất bật thu dọn hoa màu hư hại, ngã đổ trên khu đất rộng cả ngàn mét vuông ở Bàu Tròn, vùng trồng rau chuyên canh lớn nhất Quảng Nam. Ông Năm vung rựa chặt bỏ gần 300 cây đu đủ mà lòng quặn thắt, vì nếu không có đợt lũ dữ tràn về thì chỉ khoảng 2 tuần nữa là có thể thu hoạch. “Nhiều năm bỏ công chăm sóc giờ tài sản đi theo dòng nước lũ hết rồi. Tôi đành phải chặt bỏ những cây đu đủ còn trụ vững sau lũ, bởi nếu có để lại thì vài hôm nữa cũng hư hỏng”, ông Năm buồn bã. Hơn 300 hộ dân ở làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, H.Đại Lộc) cũng phải nuốt nước mắt đốn hạ hoa màu bị ngập úng, hư hỏng như ông Năm. Cánh đồng rau rộng lớn, xanh mướt mắt bao năm qua giờ xơ xác, tiêu điều…
Cách đó không xa, ở địa bàn H.Quế Sơn (Quảng Nam), các vườn sắn của nông dân cũng “gặp nạn”. Ông Trần Vũ Tánh, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Quế Sơn, nhẩm tính có xấp xỉ 2.000 ha sắn bị ngập úng, nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Tranh thủ trời ngớt mưa, bà Đỗ Thị Phương (42 tuổi, xã Quế Mỹ) mướn thêm người ra thu hoạch gấp 3 sào sắn đang ngập và nhận thấy mình còn “may mắn” hơn nhiều hộ dân khác, dù gần 70% vườn sắn bị hư thối. “Tôi cho chặt những củ sắn còn nguyên, để riêng và chở xuống nhà máy bán vớt vát lại ít vốn. Nhiều hộ thậm chí không màng đến chuyện thu hoạch, bởi có nhổ sắn về cũng không thể bán được”, bà Phương ngao ngán.
Gượng dậy sau mưa lũ

Làng rau Bàu Tròn (H.Đại Lộc, Quảng Nam) tan hoang sau lũ dữ ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Lũ rút, lộ bùn dày cả mét

Hôm qua (25.10), dù đã gần 1 tuần quay cuồng với lũ dữ, nhiều người dân xã Triệu Nguyên (H.Đakrông, Quảng Trị) vẫn còn bần thần khi không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Xã Triệu Nguyên chỉ có 2 thôn, một bên là núi, một bên là sông Đakrông. Người dân nơi đây sống chủ yếu ở đoạn giữa dọc theo con đường duy nhất xuyên qua xã. Khi lũ tràn về, một lượng bùn đất khổng lồ tràn theo. “Lũ và bùn ngập nhà ngập cửa, lấp vườn, lấp trang trại, nương rẫy… Chúng tôi thực sự đã trắng tay rồi”, bà Phan Thị Thương, một người dân Triệu Nguyên, xót xa.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại xã Triệu Nguyên sáng 25.10, lực lượng chức năng vẫn chỉ mới gạt bùn giữa đường để các phương tiện có thể di chuyển, còn sình lầy vẫn hiện diện khắp nơi. Đặc biệt là dải đất dọc sông Đakrông, nơi canh tác nông nghiệp duy nhất của người dân vùng bán sơn địa này, bùn lấp còn dày cả mét. Trang trại của ông Trương Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, cũng chưa kịp “gột rửa” hết bùn. “Các loại cây dược liệu, rau màu tại trang trại đều hỏng hết, không thu lại được đồng nào cả. Tôi dạo này lo theo phân phối hàng cứu trợ cho bà con trong xã nên cũng chưa có thời gian ngó ngàng đến trang trại”, ông Hoài tâm sự.
Bên kia sông, là xã Ba Lòng, tình cảnh còn tồi tệ hơn. Sau nhiều ngày bị cô lập do cầu tràn Ba Lòng bị lũ nhấn chìm cắt đứt tuyến độc đạo vào xã, người dân ở đây vẫn đang trầy trật dọn lũ. Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Hồ Văn Hoàng nói: “Ngày lũ thì nước ngập sâu đến mức có thể làm “mất tích” cả 2 cột điện. Giờ nước rút, lũ đã cuốn đi tất cả tài sản của người dân, không để lại gì ngoài… bùn”.
Gượng dậy sau mưa lũ

Mấy tấn lúa dự trữ của bà Lê Thị Huệ (thôn An Xá, xã An Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) bị ngâm nước hư hỏng hết  ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Dân cần giống, vốn…

Có trang trại ngập bùn nên ông Trương Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người dân địa phương. “Họ bây giờ đang rất cần con giống, cây giống để trở lại sản xuất. Nhưng giờ ra nhìn ruộng vườn bị bùn lấp tràn như vậy, cũng ngao ngán”, ông Hoài nói.
Đang lo thông đường để kịp áp tải lương thực, thực phẩm cho người dân đang bị cô lập và cả những hộ dân phải di dời “né” núi lở, ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang (Quảng Nam), cho hay người dân địa phương lúc này đang cần gạo, muối, nước mắm, quần áo, chăn… “Bởi mưa lũ vừa rồi cuốn trôi mọi thứ. Chúng tôi tạm ứng kinh phí mua 300 tấn gạo cùng nhiều cá khô, muối phát cho người dân”, ông Blúi nói. Nhưng xa hơn, ông Blúi đang lo “cải tạo” hơn 100 ha lúa bị lũ tràn qua quét sạch, cần nguồn cây giống mới.
Ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế), hàng loạt ruộng lúa cũng vừa bị đất pha sỏi, đá theo nước lũ tràn về bồi lấp. Ông Hồ Văn Nghiêm (xã Hồng Trung, H.A Lưới) đã thử dùng cuốc xẻng cải tạo đất ruộng chuẩn bị cho mùa vụ tới, nhưng bất thành vì vướng sỏi đá. “Nếu không có máy móc để cải tạo đất hoặc chuyển đổi cây trồng, thì ruộng đồng nơi đây sẽ biến thành vùng “đất chết” thôi”, ông Nghiêm lo ngại.
Xuôi theo các huyện đồng bằng ở Thừa Thiên-Huế, rất nhiều hộ dân vùng ngập sâu Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy cũng trắng tay vì cây cối, hoa quả hoặc đã bị cuốn trôi, hoặc còn “trụ” lại nhưng đang… chết héo. Gần 10 năm cải tạo, gieo trồng, chăm bẵm để có khu vườn cây trái rộng 2.000 m2, gia đình bà Phan Thị Minh Phương (thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh, H.Quảng Điền) từng thu một khoản ổn định chừng 15 – 20 triệu đồng mỗi vụ mùa bưởi da xanh, cam, thanh trà, mít, nhãn, chuối, thanh long… thì nay cây cối đang héo rũ. “Bây giờ vài chục triệu đồng chưa chắc tôi đã cần cho bằng chuyện hỗ trợ cây – con giống má. Nguồn giống để trồng lại vườn là vô cùng cấp thiết. Đó là kế sinh nhai lâu dài của chúng tôi”, bà Phương nói. Còn ông Hoàng Văn Phúc, người trồng rau màu ở thôn Lai Lâm (cùng xã Quảng Vinh), sau khi nhẩm tính có đến hàng chục triệu đồng tiền cây giống, phân bón, công cán mà 64 hộ dân đổ vào các đám ruộng hành, kiệu, cú… đã bị cuốn sạch theo 3 trận lũ dữ liên tiếp, chia sẻ: “Bây giờ cũng chỉ mong nhà nước, các tổ chức hỗ trợ nguồn giống để bà con chúng tôi sớm gieo trồng trở lại”.
Gượng dậy sau mưa lũ - ảnh 3

Huy động máy múc dọn rác và bùn non tại TT.Kiến Giang, H.Lệ Thủy, Quảng Bình ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Chính quyền chủ động hỗ trợ sản xuất

Ra hướng Quảng Trị, chính quyền địa phương cũng vừa tính chuyện khảo sát, quy hoạch lại các khu dân cư (để tránh lũ) vừa lo bài toán nông nghiệp. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh sẽ xin T.Ư hỗ trợ cây – con giống, địa phương cũng trích ngân sách hỗ trợ người dân vùng lũ. Cán bộ nông nghiệp sẽ về vùng lũ hỗ trợ người dân trồng, chăm bón những loại cây mới thích ứng biến đổi khí hậu, ngắn ngày, cho hiệu quả cao…
Ở vùng tâm lũ Quảng Bình, hàng trăm nghìn tấn lúa dự trữ bị lũ dâng ngập. Qua thăm dò, ngoài nước sạch và gạo, người dân vùng lũ rất cần nguồn giống cây trồng để sản xuất. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy, cho hay địa phương đang đặt mua các loại giống phục vụ cho người dân, dự kiến vài ngày nữa sẽ có để cung ứng sản xuất.
Bài toán về sinh kế đang đặt ra cấp thiết đối với người dân các tỉnh miền Trung. Nguy cơ thiếu đói trước mắt do bão lũ có thể vượt qua sau khi cả nước chung tay cứu trợ, nhưng nỗi lo tái nghèo, mất nguồn thu nhập ổn định đã hiện hữu.
THANH NIÊN
TNO