25/12/2024

Bạn đọc hiến kế ‘cứu trợ làm sao cho kịp thời’

Bạn đọc hiến kế ‘cứu trợ làm sao cho kịp thời’

Để việc cứu trợ người dân gặp khó khăn vì mưa lũ ở miền Trung được kịp thời, hiệu quả, bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng cần có sự tin tưởng và kết nối thật tốt giữa chính quyền địa phương và các nhóm thiện nguyện.
Đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên tham gia cứu trợ người dân vùng lũ Quảng Trạch, Quảng Bình /// NGỌC DƯƠNG
Đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên tham gia cứu trợ người dân vùng lũ Quảng Trạch, Quảng Bình  NGỌC DƯƠNG
Như Thanh Niên đã thông tin, chuyện hàng cứu trợ dồn ứ ở điểm tập kết, chậm đến tay người dân vùng lũ đã khiến chính quyền địa phương lẫn các nhóm đi cứu trợ phải rà soát lại nhiều thứ, trong đó có khâu kết nối và cung ứng phương tiện.

Phải nhờ vào địa phương

Bạn đọc (BĐ) Trần tin rằng “tinh thần giúp đỡ đồng bào, người dân trong vùng lũ là rất đáng trân trọng” nhưng “phải nhờ vào địa phương thôi, nhiều cá nhân, tổ chức tự phát cứu trợ thì e rằng khó đạt hiệu quả mong muốn”. Ai sẽ cung cấp thông tin cần thiết để “hỗ trợ các đoàn cứu trợ bảo đảm an toàn, kịp thời và hiệu quả” nếu không phải là chính địa phương đó, vốn nắm trong lòng bàn tay những điểm ngập nguy hiểm, những hộ thực sự khó khăn, những hàng hóa thiết yếu đang thực sự cần kíp…
BĐ Hai Huynh cũng cho rằng “các đoàn làm từ thiện, cứu trợ một khi đã sẵn sàng lao vào vùng lũ thì không ai muốn phải qua khâu trung gian, trung chuyển”. Điều cần thiết có thể làm ngay, ở thời điểm hiện tại, cũng theo BĐ Hai Huynh, là “các địa phương nên thành lập ban hướng dẫn các đoàn đi cứu trợ, làm từ thiện… thì hợp lý hơn”.
Có BĐ đặt câu hỏi: “Tại sao phải đợi các nhóm liên hệ? Sao không trực tiếp liên hệ các nhóm cứu trợ?”. BĐ Philip Nguyen nghĩ đến phương án “cử cán bộ địa phương trực ở 2 đầu quốc lộ, cứ xe nào làm từ thiện thì cử người theo hỗ trợ cho phù hợp, cần thiết thì bố trí thêm người, phương tiện tiếp tế…”.
BĐ NPhong cũng tán thành phương án “thành lập đội hướng dẫn cứu hộ địa phương” vì như thế sẽ tạo điều kiện cho “các đoàn liên hệ, nhận hướng dẫn, phân bổ cứu trợ đều và rộng khắp, tránh nơi được nơi không”, chứ chỉ kêu gọi “tập trung đầu mối cứu trợ” mà không tận dụng nhân lực từ chính các đoàn tham gia cứu trợ, thì sẽ giảm nhiệt huyết của những người không ngại khó khăn đang muốn lao vào vùng lũ giúp bà con.

Biết “cần gì” mới “giúp nấy”

Nhiều BĐ nhận xét rằng xác định chính xác các nhu cầu cấp thiết mới mang lại được hiệu quả cứu trợ. Và cũng chỉ có chính quyền địa phương “căn cứ tình hình cụ thể từng vùng” mới có điều kiện tốt nhất để “lập danh sách đồ dùng cần hỗ trợ bức thiết, cụ thể như thực phẩm, quần áo, chăn màn, thuốc men…”.
BĐ Nguyễn Kha Nam hiến kế “địa phương phải lên nhanh kế hoạch cứu trợ, phân bổ hàng cứu trợ rõ ràng. Những nơi nào an toàn thì hướng dẫn cho các đoàn cứu trợ; lập danh sách các nơi đã nhận cứu trợ lần 1, lần 2… để các đoàn lựa chọn”. Cũng BĐ Nam đề nghị “riêng các nơi khó khăn, nguy hiểm, vùng sâu vùng xa phải dùng nguồn lực nhà nước để cứu trợ; sử dụng lực lượng cứu hộ chính quy…”.
BĐ Nguyễn Hữu Minh thì đề nghị chính những người cứu trợ đi trước “dùng điện thoại chụp ảnh, hỗ trợ người đi sau biết rõ người dân đang cần gì, hộ nào đang cần gì… để hỗ trợ đúng người, đúng nhà”, chứ với tình hình hiện tại, đã manh nha đâu đó cảnh “mì gói ăn cả tháng không hết”, còn “nước sạch, thuốc men, sinh kế… để đương đầu khó khăn sau khi lũ rút”… lại chưa thấy đâu cả.
Những người thiện nguyện họ đã có vật lực, nhân lực để muốn trực tiếp trao hàng cho người dân vùng lũ, thì chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện đưa họ đến nơi cần giúp, có như vậy mới thỏa lòng mọi người.
Phan Công Dũng
Tập kết hàng cứu trợ tại khu sân bay quân sự, quân đội sẽ dùng trực thăng là nhanh nhất.
Trung
KIM LAN
TNO