25/12/2024

Sau lũ, đứng dậy chung tay tái thiết

Sau lũ, đứng dậy chung tay tái thiết

Hôm qua (23-10), ngay sau khi nước vừa rút, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, các tỉnh miền Trung dồn sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Sau lũ, đứng dậy chung tay tái thiết - Ảnh 1.

Sửa sang lại ngôi nhà bị nứt toác do lũ ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, Quảng Trị – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… người dân bắt tay dọn dẹp nhà cửa trong khi chính quyền tăng tốc sửa chữa đường sá, trường học, bệnh viện bị hư hỏng để phục vụ nhu cầu đi lại, học hành, khám chữa bệnh.

Dựng lại nhà

Tại làng Vân Trình (xã Phong Bình, huyện Phong Điền), khu vực ngập nặng và thiệt hại nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế do các trận lũ vừa qua, người dân đang hối hả sửa lại nhà cửa, xe máy. Dù giữa trưa nhưng ông Nguyễn Hóa vẫn đang gắng dọn dẹp cho xong căn nhà bếp bị nước lũ đánh sập, chỉ còn lại những tấm tôn không nguyên vẹn. Vừa bưng tấm tôn, ông Hóa cho biết: “Lũ rồi nhà nào trong làng cũng bị thiệt hại nặng do nằm cạnh sông Ô Giang. Giờ trời nắng, nước rút ai cũng bắt tay ngay vào dọn dẹp nhà để sớm ổn định lại cuộc sống. Tôi gom lại mấy tấm tôn để chiều nhờ anh em trong xóm lợp tạm căn bếp nấu ăn, chứ bão vô lại sợ mưa”.

Đi dọc tuyến quốc lộ 49B qua các xã Phong Bình, Phong Hòa (huyện Phong Điền) hầu như nhà nào cũng phơi lúa, mùng mền, áo quần. Đây là số lúa vụ hè thu bà con vừa thu hoạch chỉ cách đây hai tháng.

Ông Trần Quốc Thắng – chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế – cho biết việc cấp bách trước mắt là đảm bảo nguồn lương thực, nước sạch, giúp bà con dọn dẹp, khôi phục nhà cửa, phơi khô đồ đạc sinh hoạt nhằm sớm ổn định lại cuộc sống. Huyện đã đề xuất hỗ trợ bà con nông thôn giống cây trồng, vật nuôi, dọn dẹp vệ sinh ruộng vườn, ao hồ để sớm bắt tay vào sản xuất trở lại.

Đến ngày 23-10, nhiều trường THPT, THCS ở huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà đã dạy học trở lại. Nếu bão số 8 không ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế, các trường tiểu học, mầm non, THCS ở các xã ngập sâu như Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương (huyện Phong Điền), Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Hương Vinh, Hương Phong, Hương Toàn (thị xã Hương Trà) cũng sẽ mở lại vào ngày 26-10.

Sau lũ, đứng dậy chung tay tái thiết - Ảnh 2.

Đơn vị quản lý quốc lộ 49B sửa chữa tuyến đường qua địa bàn xã Hương Phong (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) bị bong tróc do trận lũ vừa qua – Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Sửa các đường huyết mạch

Các khu vực ngập sâu ở Huế nhiều ngày trước nay đã khô ráo, đường bộ đến các vùng trũng thấp đã được kết nối trở lại. Các tỉnh lộ ở Thừa Thiên Huế đã thông suốt. Tại quốc lộ 49B qua xã Hương Phong (thị xã Hương Trà), Công ty cổ phần Đường bộ 1 Thừa Thiên Huế huy động máy móc sửa chữa kịp thời tuyến đường huyết mạch này.

Ông Nguyễn Đức Luyện, phó tổng giám đốc công ty, cho biết đến chiều 23-10 lớp thảm nhựa mặt đường bị bong tróc do trận lũ vừa qua được cạo múc lên, san ủi lớp thảm đá dăm mặt đường tạm thời cho người dân đi lại.

Sau lũ, đứng dậy chung tay tái thiết - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Tại Quảng Nam, tới chiều 23-10 tuyến đường nối từ trung tâm huyện Tây Giang về biên giới Việt – Lào vẫn còn hàng chục điểm sạt lở, đất đá vùi lấp khiến hàng chục ngàn người dân hai xã Gari và Ch’ơm còn bị cô lập từ nhiều tuần nay. “Việc thông đường là ưu tiên số 1, chúng tôi đã huy động tối đa nhân lực hàn vá lại cầu cống, ủi đất đá nhưng đất đá sạt lở quá nhiều nên tới chiều nay vẫn chưa thể thông tuyến” – ông A Rất Blúi, phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nói.

Để kịp thời hỗ trợ người dân các vùng bị cô lập, sạt lở nặng, trong ngày 23-10 bí thư Huyện ủy Tây Giang Bling Mia cùng đoàn công tác của huyện đã lội bộ vào tận các thôn xã để chỉ đạo khắc phục hậu quả. 30 tấn gạo cùng một lượng nhu yếu phẩm đã lên đường cấp phát cho người dân ở những nơi xe đã tới được.

Ông Blúi cho biết đa số học sinh ở huyện này đã đi học trở lại bình thường, nhưng có một điểm trường thôn tại làng Pứt học sinh đang phải học trong nhà gươl do trường đã bị nứt toác. Các thầy cô ở vùng cao nhiều tuần nay cũng không thể ra ngoài, điện thoại không thể liên lạc được do không có điện lưới.

Ngoài ra, hàng chục hộ gia đình đã bị đất đá vùi lấp nhà cửa, phải ở tạm trong nhà gươl, nhà của người quen thì chính quyền đang huy động các lực lượng dọn dẹp mặt bằng, đào ủi đất đá để bố trí chỗ ở mới cho bà con.

Ngoài đường sá bị tê liệt với gần 100 điểm sạt lở, hư hại, huyện Tây Giang còn có 21 cây cầu, trong đó 10 cầu kiên cố bị lũ xé toạc. Chính quyền cùng người dân đã dùng tre, gỗ làm cầu tạm để đi lại.

Riêng tại thôn Bhlooc, xã Bhalee, gần 200 bà con Cơ Tu ở đây hơn một tháng nay phải đu cáp treo qua sông hoặc dùng bè mảng vượt sông A Vương do cầu cũ đã bị lũ xé vào ngày 18-9.

Ông Lê Hoàng Linh – phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang – cho biết lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu huyện xuất kinh phí khẩn cấp làm ngay một cây cầu mới trong ít ngày tới, không để tái diễn cảnh người dân mạo hiểm đu dây vượt sông.

Thanh niên, bộ đội giúp dân

 

sau lu 1

Các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn cảnh sát cơ động 3 – Trung đoàn cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ cọ rửa lại đồ đạc tại Trường mầm non Tân Ninh, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những ngày này, ở các xóm làng huyện Gio Linh, Cam Lộ và TP Đông Hà (Quảng Trị) xuất hiện rất nhiều bóng áo xanh bộ đội và thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Quảng Trị đến giúp đỡ các gia đình thiệt hại nặng sau lũ.

Chị Cao Thị Hải Vân – phó bí thư phụ trách Thành đoàn TP Đông Hà – cho biết từ sau lũ đến nay lực lượng đoàn viên, thanh niên vừa tập trung dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình neo đơn vừa kết nối và kêu gọi hỗ trợ nhu yếu phẩm, sách vở cho học sinh. Lực lượng tình nguyện cũng phối hợp với cơ sở y tế xử lý nước cho bà con ở các phường Đông Giang, Đông Lễ, Đông Lương…

Sư đoàn 968 đóng chân tại Quảng Trị cũng rải quân về các thôn xóm cùng thanh niên giúp bà con cào bùn, giội rửa các khu vực công cộng như trường học, trạm xá để cuộc sống thường nhật sớm trở lại, lực lượng này cũng “bám” từng trường hợp hộ neo người để giúp đỡ.

Đại úy Trần Văn Hải – phó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 – cho biết: “Anh em cố gắng làm thật nhanh để giúp nhiều nhà dân vì đợt này hầu như nhà ai cũng thiệt hại, cũng cần giúp đỡ. Có nhiều anh em nhà trong vùng lũ cũng bị thiệt hại nhưng động viên nhau mình giúp dân rồi có người giúp lại người thân của mình”.

Ông Lê Đức Thịnh – chủ tịch UBND huyện Hải Lăng – cho biết để dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả sau lũ thì người dân phải có điện. Nhiều nơi suốt hơn một tuần không có điện, nước sạch. Vì vậy huyện đã kiểm tra hệ thống mạng lưới điện, đảm bảo an toàn để cung cấp điện trở lại cho người dân ngay sau khi nước rút.

“Tinh thần trước hết là “4 tại chỗ”, các xã, thị trấn tự huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ và thanh niên ở địa phương mình. Những nơi có thiệt hại nặng, lực lượng tại chỗ không đủ thì huyện sẽ đề xuất Sư đoàn 968 hỗ trợ với địa phương” – ông Thịnh nói.

Hà Tĩnh: không để bùng phát dịch bệnh

Tại rốn lũ Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đến hôm qua 23-10 mực nước hạ lưu đã giảm song vẫn còn 7 xã với 972 hộ dân bị ngập úng cục bộ, giảm 12 xã so với thời điểm ngập lụt cao nhất. Ông Phạm Đăng Nhật – bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên – cho hay ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã huy động các lực lượng quân đội, công an, Đoàn thanh niên tập trung làm vệ sinh ở các công sở, trường học và nhà dân.

Huyện cũng đã thành lập ban điều phối tiếp nhận hàng cứu trợ từ trung ương, tỉnh và các nhà hảo tâm để phân loại, phân phối về các xã bị thiệt hại nặng.

Tại cuộc họp với các sở, ban ngành và địa phương sáng 23-10, ông Hoàng Trung Dũng – bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh – yêu cầu trước mắt tập trung xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, không để ô nhiễm, bùng phát dịch bệnh.

Ông Dũng cũng đề nghị các cấp, ngành tập trung chỉ đạo sản xuất sau lũ; kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn giống cây, con giống và hỗ trợ nguồn lực khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng bị hư hại, xây dựng các trạm quan trắc, dự báo lũ và giải pháp chống ngập cho TP Hà Tĩnh. Về lâu dài cần kêu gọi, huy động nguồn lực để xây dựng các nhà cộng đồng để bà con sinh hoạt khi tránh lũ. (DOÃN HÒA)

Quảng Bình: ưu tiên cơ sở y tế, trường học

 

sau lu 3

Cô giáo Lê Thị Phương Thảo và cô giáo Nguyễn Thị Minh Loan (Trường THCS Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) dọn dẹp lại phòng học sau lũ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đến hôm qua (23-10), tại Quảng Bình chỉ còn một số vùng ven sông thấp trũng thuộc huyện Lệ Thủy còn ngập lũ. Dọc quốc lộ 1 qua hai huyện bị ngập sâu nhất của Quảng Bình là Lệ Thủy và Quảng Ninh, hàng trăm người dân đang cặm cụi trải lúa ra hai bên mép đường, hiện là chỗ khô ráo nhất, để phơi. Thóc lúa là tài sản lớn nhất của nông dân, nên việc “cứu lúa” được người dân vùng này ưu tiên số 1 khi nước lũ rút.

Trong khi đó, tranh thủ nước đã rút hoàn toàn, cán bộ trạm y tế xã Tân Ninh đã tập trung dọn dẹp. Bàn làm việc, bàn ghế khám bệnh, bộ tiểu phẫu, ống nghe, máy đo huyết áp đều bị lũ cuốn trôi. Các y bác sĩ nhặt nhạnh những dụng cụ y tế còn sót lại, cái nào sử dụng được thì mang đi khử trùng.

Bà Nguyễn Thị Yến Lan – trạm trưởng trạm y tế – nói hiện tại trạm chỉ có thể tiếp nhận cấp cứu, chưa thể tiếp nhận bệnh nhân điều trị thường xuyên. “Trước mắt còn thứ gì thì dùng thứ ấy đã. Quan trọng nhất là trạm phải hoạt động lại. Sau lũ người dân cần nhiều về y tế” – bà Lan nói.

Ông Phạm Trung Đông – chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh – nói y tế và trường học là ưu tiên hàng đầu trong việc tái thiết cuộc sống. Sau 4 ngày ngập lũ, nhiều trường học và trạm y tế cũng bị lũ ập vào cuốn trôi và hư hỏng nhiều thứ. “Chúng tôi đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ công an địa phương về các trường học, trạm y tế giúp khôi phục hậu quả mưa lũ” – ông Đông cho hay. (Q.NAM – T.MAI – N.KHÁNH)

P.TUẦN – B.DŨNG – T.TRUNG – Đ.NHẠN
TTO