26/12/2024

Cứu trợ làm sao để kịp thời?

Cứu trợ làm sao để kịp thời?

Chuyện hàng cứu trợ dồn ứ ở điểm tập kết, chậm đến tay người dân vùng lũ đã khiến chính quyền địa phương lẫn các nhóm đi cứu trợ phải rà soát lại nhiều thứ, trong đó có khâu kết nối và cung ứng phương tiện.
Nhiều xe chở hàng cứu trợ dồn ứ tại cửa ngõ trung chuyển ở thôn Hoàng Viễn, xã Sơn Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình /// ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM
Nhiều xe chở hàng cứu trợ dồn ứ tại cửa ngõ trung chuyển ở thôn Hoàng Viễn, xã Sơn Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM
Hôm qua 22.10, ô tô chở hàng cứu trợ tiếp tục hướng về cửa ngõ vào vùng lũ ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh… (Quảng Bình) khiến dọc QL1 (đi qua địa bàn H.Quảng Ninh) bị ách tắc. Tại TT.Cam Thủy (H.Lệ Thủy), CSGT phải điều tiết khi hàng chục xe của các đoàn từ thiện nối đuôi nhau ra vào, gây tắc nghẽn giao thông.
Các đoàn xe từ thiện liên tục ra vào H.Lệ Thủy (Quảng Bình) khiến giao thông ách tắc ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Các đoàn xe từ thiện liên tục ra vào H.Lệ Thủy (Quảng Bình) khiến giao thông ách tắc   ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Ở thôn Hoàng Viễn (xã Sơn Thủy, H.Lệ Thủy), cửa ngõ để vào vùng lũ các xã An Thủy, Xuân Thủy…, rất nhiều xe chở hàng mắc kẹt. Theo quan sát của PV Thanh Niên, nhiều đoàn cứu trợ cứ loay hoay không biết chuyển hàng đến vùng lũ như thế nào, đi quanh hỏi dò. Hễ thấy có thuyền của đoàn nào trờ đến là họ liên hệ xin chở hàng giúp, nhưng hầu hết đều bị từ chối.

Nhiều đoàn cứu trợ “đứng bánh”

Đoàn của chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Trưởng CLB Thiện Tâm, vượt hàng trăm cây số từ H.Thanh Oai (Hà Nội) vào TT.Cam Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), chở các mặt hàng lương thực, thực phẩm, quần áo, áo phao… trên 4 xe tải. “Muốn vào các vùng ngập lụt phải thuê ghe của người dân với giá cao. Ở đây đến ngày thứ 3, mới nắm được tình hình vùng lũ ở đây như thế nào”, chị Tuyền nói. Không biết liên hệ ai, nên đoàn chuyển sang thuê ghe thuyền của người dân địa phương. Mức thuê cũng khá “rát”, 1 – 3 triệu đồng/lượt. Một số đoàn thấy vậy đành quay về.

Cũng tại TT.Cam Thủy, có mặt từ sớm và phải chờ lâu vì không có ghe để chở hàng, anh Đào Khắc Khuyến, Trưởng nhóm từ thiện AIA Quảng Bình, ngao ngán nhìn hàng chất từng đống. Xác nhận nhóm đi làm từ thiện tự phát, không liên hệ địa phương và cũng không biết phải liên hệ thế nào, nhưng chuyện phải thuê ghe thuyền giá cao khiến anh không vui.

Đoàn của anh Nguyễn Văn Điển (ở Thái Bình) cũng đến đây từ tối hôm trước, ngủ trên thùng xe và cabin. “Chúng tôi có gọi đường dây nóng của huyện nhưng không ai nghe máy, giờ chỉ mong có ca nô để đi phát cho dân. Theo tôi, chính quyền địa phương cần huy động ca nô để chở hàng thiết yếu đến nơi người dân cần”, anh góp ý. Nhóm đội Tuyên Quang do anh Phan Khánh làm trưởng nhóm chở khoảng 3,8 tấn hàng trên 3 xe tải có mặt tại TT.Cam Thủy từ sáng qua cũng không được gặp trực tiếp người dân. Họ đành nhờ chính quyền địa phương tiếp nhận, chờ khi nào nước rút dùng xe tải chở vào từng xã.
Ở Quảng Trị, nhiều nhóm cứu trợ lại có nhu cầu khác: cần được thông tin, cần dẫn đường. “Chúng tôi ở miền Nam ra, đâu biết đường sá ngoài này, cũng không biết chỗ nào ngập nặng nhẹ hay người dân vùng lũ cần gì nên chúng tôi rất cần đầu mối đáng tin cậy ở địa phương”, bà Dương Thao ở H.Phú Giáo (Bình Dương) mong muốn.

“Không biết ai để liên hệ”

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Trưởng CLB Thiện Tâm, phải chọn phương án thuê thuyền riêng. “Không biết ai để liên hệ, mà nếu liên hệ được thì cũng chờ rất lâu”, chị than phiền.
Nhóm thiện nguyện Quảng Nam – Đà Nẵng do anh Vương Tấn Hùng dẫn đầu cũng đã có một ngày vật vạ chờ thuyền. Anh bảo, trước khi ra vùng lũ, nhóm đã tìm hiểu và có liên hệ trước với địa phương. Địa phương bảo cứ đến sẽ có thuyền đón đưa đi, nhưng khi ra đến nơi thì… không có ai cả (!). “Không có ghe vào vùng ngập lụt, chúng tôi đành phải chọn tìm đến những nơi khô ráo, nước đã rút”, anh Hùng tỏ vẻ thất vọng.
Tại điểm tập kết hàng cứu trợ ở H.Lệ Thủy, hôm qua, cả 2 kho lớn đều đầy ứ hàng dự trữ do các đoàn từ thiện chở đến. Một cán bộ phụ trách cho hay, dù chính quyền H.Lệ Thủy đã huy động tối đa phương tiện từ TP.Đồng Hới, kể cả từ tỉnh Quảng Trị, nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Hàng dồn ứ đành cất tạm vô kho, chờ nước rút sẽ vận chuyển bằng ô tô đưa đi đến các thôn xóm…
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định địa phương đã lập các ban tiếp nhận tại điểm tập kết hàng vào vùng lũ. “Các huyện cũng phân công người theo dõi. Tôi kiểm tra cả rồi. Nhưng mà họ (các nhóm từ thiện – PV) không biết, đông quá, lộn xộn nên họ không tìm đến”, ông nhìn nhận. Nhưng khi nghe phản ánh tình cảnh một số đoàn cứu trợ “muốn hỏi cũng không biết hỏi ai”, và ngay chính PV từng thử tìm Ban tiếp nhận điều phối tại các “điểm cầu” vẫn không thấy, ông Thuật cho biết sẽ nhắc các cán bộ địa phương “làm cái bảng nơi tiếp đón cho lớn để họ chú ý”. Ông cũng cho hay UBND tỉnh vừa đề nghị các huyện tăng cường lực lượng ở các điểm tập kết để hướng dẫn. “Nhưng nói thật là vẫn lộn xộn. Chúng tôi gồng mình lên tất cả, cho nên mong muốn các đơn vị đến tài trợ, bằng cách nào đó, một là để cho huyện sắp xếp, hai là bàn giao hàng đó cho huyện”, ông Thuật nói thêm.

Rà soát lại các khâu

Chuyện các nhóm cứu trợ đi thẳng đến hiện trường cũng khiến lãnh đạo địa phương lo ngại. “Đi trực tiếp, nước lũ thì mênh mông, tàu thuyền rất nguy hiểm. Bây giờ họ đến ồ ạt, tự phát. Chúng tôi cảm ơn nhưng mà tạo ra cái khó trong điều tiết, điều phối. Hơn nữa, bây giờ phương tiện không có nhiều đâu, chạy trên sông rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp chìm rồi, sáng nay (tức 22.10 – PV) chìm tàu 6 người ở Lệ Thủy đấy, sau nhờ tàu kiểm ngư của Sở NN-PTNT vớt lên”, ông Thuật nói.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khâu kết nối và hỗ trợ, cung ứng phương tiện cần phải “chỉnh sửa” như thế nào?
Lê Minh Tuấn, một nhà hảo tâm trẻ tuổi ở Quảng Trị, sau nhiều ngày lăn lộn ở vùng lũ nhận ra Quảng Trị có quá ít thuyền, ca nô để vận chuyển hàng cứu trợ. “Ca nô của công an, biên phòng thì ưu tiên sử dụng để cứu dân rồi. Còn hàng cứu trợ phải sử dụng ghe, nhưng cũng không đủ”, anh Tuấn nói. Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thừa nhận có tình trạng “khủng hoảng thiếu” này, cam kết sẽ điều phối phương tiện hết sức có thể, nhưng cũng đặt vấn đề “các nhà hảo tâm có thể ủng hộ thêm ca nô cho địa phương”.
Người dân vùng lũ lụt tại xã Quảng Minh, H.Quảng Trạch (Quảng Bình) sử dụng phương tiện tự chế để đi nhận hàng cứu trợ ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Người dân vùng lũ lụt tại xã Quảng Minh, H.Quảng Trạch (Quảng Bình) sử dụng phương tiện tự chế để đi nhận hàng cứu trợ  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Còn tại Quảng Bình, theo lý giải của ông Trần Công Thuật, chính sự lúng túng trong khâu sắp xếp trật tự, thiếu sự liên hệ của nhóm cứu trợ, sự chưa rõ ràng từ lực lượng tiếp nhận… đã làm cho tình hình thêm rối rắm. Ông khẳng định địa phương sẵn sàng cung ứng phương tiện: “Chúng tôi mong muốn các đơn vị đến trật tự, nếu vận chuyển được đến nơi thì chúng tôi bổ sung phương tiện”.
Thừa nhận có sự “cản trở về phương tiện” và chưa thể đáp ứng được toàn bộ, ông Trần Quang Minh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, cho biết địa phương đã làm việc, đặt vấn đề huy động phương tiện từ phía Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và đang chờ các phương tiện ở nơi khác hỗ trợ. Để giải tỏa hàng dồn ứ, Quảng Bình dự tính thiết lập các điểm tiếp nhận trên đường Hồ Chí Minh để “chia lửa” cho các điểm tập kết hiện tại ở ngã ba Cam Liên, chợ Động (H.Lệ Thủy). Theo ông, thiên tai xảy ra ở Quảng Bình “gần cấp thảm họa” thì đương nhiên công tác cứu trợ có những khó khăn nhất định. “Nói chung ai cũng mong muốn bà con vùng lũ mau chóng vượt qua khó khăn, chứ không ai muốn nhìn bà con ngồi như thế, khổ lắm! Nhưng có những cái chấp nhận, lực bất tòng tâm”, ông nói thêm.

8 trực thăng sẵn sàng bay thả hàng cứu trợ vùng lũ

Chiều ngày 22.10, Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết trong ngày 22.10, Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần vận chuyển và xuất cấp nhiều hàng hóa, trang thiết bị cứu trợ các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng, thiệt hại mưa lũ. Hàng cứu trợ gồm có 20 xuồng cứu sinh cơ động, 200 máy phát điện, 32 máy bơm, 41 xuồng, 4.750 phao cứu sinh, 3.500 áo mưa, 15 bộ nhà bạt gia đình. Về lương thực, thực phẩm, quân đội xuất cấp 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 77,5 tấn lương khô.
Ngay trong ngày 22.10, Quân chủng Phòng không – Không quân đã điều động máy bay trực thăng vận chuyển 1,5 tấn hàng chủ yếu là lương thực và thực phẩm, thực hiện thành công chuyến bay thả hàng cứu trợ cho người dân trên địa bàn xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa, Quảng Trị.
Trao đổi với Thanh Niên, đại tá Vũ Hồng Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không – Không quân, cho hay sẵn sàng cho nhiệm vụ cứu trợ cứu nạn vùng lũ, hiện tại đơn vị có 2 máy bay trực thăng ở Thừa Thiên-Huế, máy bay trực tại Đà Nẵng. Mỗi máy bay đều đảm bảo đầy đủ cơ số 1,5 tấn hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cứu trợ cho người dân vùng lũ đang bị cô lập mà các phương tiện khác chưa thể tiếp cận được.
Ngoài ra ở Hà Nội và TP.HCM cũng có các máy bay ứng trực sẵn sàng chi viện cho vùng lũ miền Trung. “Quân chủng Phòng không – Không quân đã chuẩn bị 8 máy bay trực thăng sẵn sàng cất cánh thả hàng cứu trợ và triển khai các nhiệm vụ khắc phục hậu quả vùng lũ miền Trung, khi các địa phương có yêu cầu và Bộ Quốc phòng điều động”, đại tá Sơn nói.
Phan Hậu 

Lũ rút, người dân vùng ngập lụt Hà Tĩnh cần gì?

Trong 3 ngày 20 – 22.10, nhiều đoàn cứu trợ đã về các xã bị ngập sâu nhất ở H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trao mì tôm, nước uống và nhu yếu phẩm cho người dân. Hiện nước lũ bắt đầu rút, nhiều hộ dân đã về dọn dẹp nhà cửa.
Bà Lê Thị Tuyến (54 tuổi, ngụ thôn 5, Cẩm Duệ, H.Cẩm Xuyên) cho hay, những ngày qua, gia đình bà được nhận rất nhiều mì tôm, nước uống, bánh kẹo từ các đoàn cứu trợ nên không còn lo bị thiếu đói. “Sau khi lũ rút, chúng tôi đang rất cần một số đồ dùng điện, chăn ấm, cây giống và vật nuôi để khôi phục lại cuộc sống. Chúng tôi cảm ơn tấm lòng của các đoàn từ thiện, ai cho gì cũng quý nhưng cũng mong muốn được hỗ trợ thêm ít tiền mặt để trang trải cuộc sống”, bà Tuyến nói.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Tuyên giáo – Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, cho hay thời điểm này, người dân cần nhất là nước sạch, dầu ăn, nước mắm, gạo, chăn ấm và tiền mặt. Ngoài ra, người dân cũng cần được hỗ trợ thêm giống cây trồng và vật nuôi để phát triển sản xuất. “Chúng tôi cũng mong các tổ chức, cá nhân về Hà Tĩnh cứu trợ thì nên thông qua các đầu mối mà tỉnh đã công bố để nhận được sự hỗ trợ đắc lực nhất và nhất là quà tặng được trao đúng đối tượng”, bà Huyền chia sẻ.
Phạm Đức
TRƯƠNG QUANG NAM – MẠNH CƯỜNG – NGUYỄN PHÚC
TNO