25/12/2024

Miền Trung sau lũ lớn: phòng dịch bệnh như thế nào?

Miền Trung sau lũ lớn: phòng dịch bệnh như thế nào?

Nguy cơ dịch bệnh đường tiêu hoá, bệnh do muỗi truyền, viêm kết mạc mắt, bệnh ngoài da… đang rình rập sau lũ.

Miền Trung sau lũ lớn: phòng dịch bệnh như thế nào? - Ảnh 1.

Hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống dịch bệnh trong thời gian mưa lũ – Nguồn: Bộ Y tế

Bão lũ tại miền Trung kéo dài dẫn đến nguy cơ nhiều loại dịch bệnh đe dọa xuất hiện. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt.

Theo Bộ Y tế, lũ lụt khiến vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô (vỏ xe hơi)… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Thuốc gì cho miền Trung?

Ngay trong thời điểm trước mắt, bác sĩ Vũ Quốc Đạt (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khuyến cáo khi kêu gọi hỗ trợ cho vùng lũ, nên chú ý mô hình dịch tễ là các bệnh nhiễm trùng và chuẩn bị các thuốc ngừa tiêu chảy, thuốc sát khuẩn, thuốc hạ sốt, giảm đau, vắc xin… cho vùng lũ.

Xử lý nước sinh hoạt trong thời gian mưa lũ

Bước 1: Làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

– Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

– Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

Đối với hộ gia đình, có thể khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau.

Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.

Nếu sử dụng Aquatabs, cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

LAN ANH
TTO