Góc tư vấn học đường: Để trẻ đến trường không bị nhiễm chí
Góc tư vấn học đường: Để trẻ đến trường không bị nhiễm chí
Không ít học sinh ngày nay vẫn bị bệnh chí (chấy) trên da đầu, đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học.
Không chỉ gây ra sự khó chịu dữ dội, việc nhiễm chí còn có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, viêm da mủ trên đầu.
Cách phòng ngừa và điều trị dứt điểm bị nhiễm chí ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong môi trường học đường được nhiều phụ huynh quan tâm. BSCK2 Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP.HCM, có những lời khuyên cho phụ huynh.
Theo BS Võ Thị Đoan Phượng, chí là loại côn trùng hút máu để sống, có kích thước khoảng 2 mm với 3 cặp chân có móc dùng để bám vào da đầu và tóc. Chúng sống chủ yếu trên da đầu, con cái thường đẻ từ 5 – 10 trứng/ngày dính trên tóc. Chí có thể sống sót khoảng 2 ngày, còn trứng chí có thể tồn tại hơn 10 ngày sau khi rơi vãi ra khỏi môi trường da đầu.
Chí có thể gặp ở người lớn nhưng thường gặp ở trẻ em từ 3 – 12 tuổi. Đối với trẻ nhỏ, việc sinh hoạt ở trường lớp với những giờ ngủ trưa cùng nhau, tiếp xúc gần gũi trực tiếp hoặc sử dụng chung lược, gối, mũ, bàn chải, kẹp tóc khiến cho chí lây lan từ bé này sang bé khác là chuyện dễ dàng xảy ra.
Chí da đầu không mang mầm bệnh. Tuy nhiên, bệnh gây ngứa rất dữ dội, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của bé. Ngoài ra, tình trạng bội nhiễm rất thường xảy ra, thậm chí có thể gây viêm da mủ trên đầu. Do vậy, việc phát hiện bệnh sớm, điều trị nhanh chóng, dứt điểm và tránh tái phát là hết sức quan trọng.
Theo BS Đoan Phượng, thông thường phụ huynh thường mua dầu gội ở nhà thuốc về tự điều trị nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân có thể do dầu gội đó không chứa các hoạt chất điều trị chí hoặc dùng để điều trị các bệnh lý khác có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho bé.
Khi nghi ngờ bị chí, phụ huynh nên cho bé đi thăm khám tại các cơ sở da liễu có uy tín để bác sĩ có thể chẩn đoán xác định, tùy từng độ tuổi và độ nặng của tình trạng bệnh để kê đơn các thuốc phù hợp như Permethrine 1%, Malathion 0,5%, Ivermectin thoa, uống…
Để phòng ngừa lâu dài, phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân từ đâu dẫn đến việc bé bị nhiễm chí để xử lý hiệu quả.
Mọi người trong gia đình nên vệ sinh quần áo, mũ, khăn quàng và chăn màn, gối, giường chiếu sạch sẽ để loại bỏ triệt để chí và trứng chí còn bám ở các vị trí này. Những vật dụng này nên được giặt trong nước nóng (ít nhất 65 độ C) và sấy khô ở nhiệt độ cao. Các sản phẩm không giặt ướt nên được giặt khô, ủi, cho vào máy sấy hoặc bảo quản trong túi nhựa kín trong khu vực ấm trong 2 tuần. Hút bụi tất cả ghế, sofa, đầu giường và bất cứ thứ gì có thể tiếp xúc với đầu của bất kỳ ai, đặc biệt là thành viên trong nhà có chí, hoặc khách tới chơi. Ngâm lược, bàn chải và buộc tóc trong nước nóng (ít nhất 65 độ C) hoặc dung dịch sát trùng ít nhất 20 phút…
Và cuối cùng là đừng quên điều trị cho các bé khác trong lớp nếu không muốn bị lây trở lại.
HÀ ÁNH
TNO