10/01/2025

‘Lật tẩy’ những thủ đoạn tội phạm dụ dỗ trẻ em trên mạng xã hội

‘Lật tẩy’ những thủ đoạn tội phạm dụ dỗ trẻ em trên mạng xã hội

Lập phòng “chát” ảo, game online, lập diễn đàn trên mạng, giả làm người cùng giới… là những thủ đoạn mà tội phạm sử dụng để tiếp cận, làm quen, lừa gạt dụ dỗ trẻ em trên mạng xã hội.
Phiên thảo luận nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực trẻ em /// Ảnh Thu Hằng
Phiên thảo luận nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực trẻ em ẢNH THU HẰNG
Đây là thông tin trung tá Khổng Ngọc Oanh, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), đưa ra tại Phiên thảo luận nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực trẻ em, do Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp  Quốc và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức sáng nay, 19.10.

Xâm hại trẻ em qua mạng khó kiểm soát

Theo ông Khổng Ngọc Oanh, dù chưa có số liệu thống kê chính thức về các vụ xâm hại trẻ em trên mạng, song kết quả khảo sát của một đề tài khoa học cấp bộ của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2010 – 2018, lực lượng cảnh sát hình sự đã phát hiện, điều tra xử lý 319 vụ/337 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em dùng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội; trong đó, có 33 đối tượng là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Số liệu khảo sát chưa đầy đủ của Cục Cảnh sát hình sự từ 2015 – 2018, các địa phương phát hiện, đấu tranh 156 vụ/167 đối tượng với 155 nạn nhân. Các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục lợi dụng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội, cũng có chiều hướng rất phức tạp, khó kiểm soát, khó phát hiện và đấu tranh.
Ông Oanh chia sẻ: “Đáng lo ngại, tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt học sinh các trường phổ thông, đam mê, lợi dụng mạng xã hội để bình phẩm, bình luận tục tĩu (thậm chí qua mạng nói xấu cả thầy cô, phụ huynh), thách thức nhau trên mạng sau đó thực hiện các hành vi bạo lực học đường, bạo hành, cô lập nhau… nhiều trường hợp đã dẫn đến tử vong từ bạo lực học đường”.
Thực trạng trên cho thấy, thế giới mạng đã và sẽ để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tiếp cận, cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang tích cực lợi dụng để thực hiện các hành vi, phương thức thủ đoạn để xâm hại trẻ em, tìm kiếm mại dâm, cưỡng dâm, khiêu dâm, mua bán trẻ em…

Gạ trẻ em chụp ảnh “nóng” để giúp tập luyện, trở thành “người mẫu, ngôi sao”

Ông Oanh thông tin, qua các vụ án đã phát hiện và đấu tranh cho thấy, thủ đoạn chính của các đối tượng là lập phòng “chát” ảo, game online, lập diễn đàn trên mạng… để tiếp cận, làm quen, lừa gạt dụ dỗ trẻ em, nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, môi giới mại dâm, mua bán trẻ em.
Ngoài ra, đối tượng xấu tạo những thông tin ảo trên mạng như tên, tuổi, hình ảnh, địa chỉ nghề nghiệp, cuộc sống khá giả của mình rồi lợi dụng sự non nớt, sự tò mò cũng như ham chơi của trẻ em để dụ dỗ, lừa phỉnh nhằm xâm hại tình dục hoặc thực hiện hành vi mua bán trẻ em, cưỡng dâm, ép mại dâm trẻ em… Nhiều vụ chúng dụ dỗ các em chụp, quay hình ảnh nhạy cảm cơ thể mình để phát tán, mua bán và cưỡng bức chính các em như vụ ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng…
Một số đối tượng lên các trang mạng tiếp cận làm quen, hình thành tình bạn bè với hình tượng dễ gần và thân thiện, có học thức, có thu nhập, tỏ ra chu đáo, từng trải, biết chia sẻ, hiểu tâm lý và sở thích của trẻ để lừa gạt.
“Đặc biệt, có trường hợp đối tượng lấy hình ảnh giả là người cùng giới, cùng tuổi với trẻ, sau một thời gian trò chuyện về sở thích, học hành,… chúng chuyển sang trò chuyện về giới tính, muốn trao đổi hình ảnh những bộ phận nhạy cảm cho nhau, đề nghị trẻ chụp hình ảnh nhạy cảm của mình gửi cho chúng. Sau khi đã có được một số hình ảnh của trẻ chúng lộ nguyên hình là đối tượng phạm tội, ép buộc trẻ phải cho quan hệ tình dục (kể cả cưỡng đoạt tài sản), nếu không sẽ phát tán những hình ảnh đó lên mạng”, ông Oanh cảnh báo.
Nhiều trường hợp đối tượng thu thập thông tin cá nhân riêng tư của các em để dễ dàng tiếp cận, đánh vào tâm lý, điểm yếu của trẻ… với sự trải đời của mình, khiến trẻ em tin tưởng, thậm chí coi như thần tượng, “soái ca”, từ đó phụ thuộc vào đối tượng, coi đối tượng như nơi nương tựa tinh thần. Nhiều đối tượng lợi dụng mối quen biết sẵn có với trẻ thông qua bạn bè trên Faceebook, hội nhóm của trẻ để thực hiện hành vi phạm pháp.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều vụ đối tượng giả tên tuổi hình ảnh là người cùng giới, lên mạng tiếp cận những em gái ham chơi, đua đòi, thích trưng diện để lừa gạt, giả chiêu bài giúp giới thiệu, quan hệ tình dục với người nước ngoài sẽ được rất nhiều tiền, với điều kiện trẻ phải gửi hình ảnh nhạy cảm của mình cho chúng, hoặc đến nơi kín đáo do chúng hẹn để chụp ảnh, sau đó xâm hại tình dục và cưỡng đoạt tài sản, như vụ việc xảy ra tại Thừa Thiên – Huế…”.

Không dễ dãi kết bạn, làm quen trên mạng

Cục Cảnh sát hình sự dự báo, trong thời gian tới, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, vẫn sẽ được các đối tượng tội phạm khai thác và lợi dụng triệt để, gây ra những tội ác và hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sự phát triển của trẻ em, đòi hỏi lực lượng công an phải nâng cao năng lực để có thể phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh hiệu quả.
Ông Oanh kiến nghị: “Chúng ta cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông cho trẻ em và các bậc phụ huynh có ý thức và kỹ năng tiếp cận, sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng, lành mạnh, không dễ dãi kết bạn, làm quen, nhận lời mời, nhận quà tặng từ những người mới quen trên mạng… Đặc biệt, cần thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin nghi ngờ trên mạng, tham vấn chia sẻ với mọi người, với chuyên gia để không sa vào cạm bẫy, lừa gạt hoặc sự dụ dỗ của đối tượng trên mạng”.
Về phía Bộ Công an, ông Oanh cho biết, các đơn vị nghiệp vụ sẽ phối với với Bộ TT-TT, nhà cung cấp mạng để có cơ chế phối hợp nhằm kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn bắt giữ các đối tượng, băng nhóm lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm tội và xâm hại trẻ em.
THU HẰNG
TNO