06/01/2025

Sau lũ lụt, đừng quên chuyện ‘ăn chín uống sôi’

Sau lũ lụt, đừng quên chuyện ‘ăn chín uống sôi’

Lũ chưa kịp rút, mưa bão tiếp tục ghé vào miền Trung. Người dân phải tiếp tục trân mình hứng chịu nỗi khổ thiếu nước sạch, không điện đóm, thức ăn thiếu thốn, cả quần áo sạch, nơi ở khô ráo cũng thành xa xỉ.

 

Sau lũ lụt, đừng quên chuyện ăn chín uống sôi - Ảnh 1.

Dọn rác quanh khu vực chùa Cầu, Hội An ngay sau khi lũ rút – Ảnh: THANH TÙNG

Trong đó nước sạch là thứ cần thiết nhất. Lũ rút, bà con bắt tay ngay vào việc xử lý nguồn nước.

Khi nước giếng đục ngầu

Sau những ngày bị “giam lỏng” giữa nước lũ, đến nước uống còn ít ỏi huống hồ vệ sinh. Ai cũng mong được tắm rửa đàng hoàng, nấu bữa cơm nóng. Nhưng để có nước dùng, cần phải làm sạch để tránh một số bệnh truyền nhiễm.

Cả xóm tập thể và làng cạnh nhà tôi người già trẻ con vẫn thường đều tụ tập quanh cái giếng đào khi nước rút. Vì lũ lụt, nước giếng cũng đục ngầu.

Người lớn múc nước lên đổ vào từng chậu lớn nhỏ, dùng phèn chua làm trong nước giếng. Trẻ nhỏ xúm quanh những thau chậu, chờ khoảng 30 phút tới khi cặn lắng xuống đáy xô chậu thì reo lên báo với mẹ để gạn lấy nước trong mà tắm rửa.

Người dân sống ở vùng nước bị nhiễm phèn thường lọc nước bằng cát, sỏi. Nước chảy qua cát, sỏi, than củi để giảm đi những chất kết tủa bẩn. Cách này cực kỳ hữu dụng mỗi mùa mưa bão vì ít độc hơn cách dùng phèn chua, lại còn nhanh và tiện.

Để sử dụng nước sau khi khử phèn cho việc uống hoặc nấu ăn, người lớn lại phải tiếp tục khử trùng bằng loại hóa chất được cán bộ phường, trạm y tế phát và phải chờ đợi sau 30 phút mới được sử dụng cho ăn uống và tắm rửa để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Khi tiếp xúc với chất khử trùng, người thực hiện phải dùng găng tay cao su, khẩu trang…

Hiện nhiều nơi đã dùng nước thủy cục, đã qua xử lý. Nước giếng chỉ còn được dùng cho giặt giũ hoặc tưới tiêu. Nhưng ở các huyện xã vùng sâu vẫn phải khử trùng nước sinh hoạt khi nước giếng đã nhiễm bùn.

Nói như PGS.TS Trịnh Lê Hùng – khoa hóa Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Làm sạch nước bằng hóa chất để sử dụng có thể áp dụng trong điều kiện lũ lụt. Tuy nhiên, không nên kéo dài việc sử dụng nguồn nước này bởi nó không có lợi cho da cũng như cho sức khỏe”.

Đừng quên ăn chín uống sôi

Ai cũng hiểu chuyện ăn chín uống sôi để tránh bệnh. Nhưng những ngày này khó khăn đủ thứ, phần tiếc của, phần nữa chợ búa, nấu nướng cũng khó khăn bèn cắn răng làm liều. Chỉ cần có nước trong là uống mà chưa khử trùng, không đun sôi.

Ba hôm trước, sau cả tuần dài ăn lương khô, đồ dự trữ vì tránh bão, ngập lụt, em gái tôi thèm đổi vị cho gia đình nhưng chẳng dám nghĩ đến món nào có rau sống. Cũng không dám hái mấy quả chín trên cây ớt bị ngâm nước mà chết dần trong vườn.

Đun sôi nước, nấu chín thực phẩm là biện pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt vi khuẩn có hại, tránh bị chột bụng, rất cần sau nhiều ngày đêm mệt mỏi trong vùng nước lũ.

Mẹ tôi sau khi nấu sôi nước đã dùng bông y tế hoặc vải màn sạch để lọc bỏ cặn lèn chặt vào phễu lớn rồi rót nước vào để nước nhỏ giọt xuống từ từ. Cách xử lý này đơn giản nhưng cũng hiệu quả. Chỉ là hơi khó thực hiện ở vùng ngập nặng, nhà cửa ngập chìm dài ngày, mọi thứ trong nhà có khi đã trôi dạt đâu đó. Sắp xếp lại tạm ổn, rồi cần ưu tiên chỗ đun nấu và làm sạch nước dùng.

Và tôi mong ngoài việc cứu trợ mì gói, nước uống đóng chai, các nhà hảo tâm cần giúp người dân có những thứ có thể làm sạch nước nhằm sử dụng lâu dài. Thay vì chỉ là mì gói, có thể tặng con trẻ, người già vùng lũ các loại bánh ngọt, bánh mặn.

Sau những ngày lũ lụt thường là chuyện ô nhiễm nguồn nước, đồ ăn thức uống, tiềm ẩn nhiều bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa. Lọc nước, nấu chín đồ ăn thức uống là cách giữ sức khỏe cộng đồng.

NGỌC ÁNH (Quảng Nam)
TTO