09/01/2025

Vắcxin Sputnik V của Nga sắp được dùng rộng rãi cuối tháng 10

Vắcxin Sputnik V của Nga sắp được dùng rộng rãi cuối tháng 10

Ông Kirill Dmitriev, một quan chức thuộc dự án phát triển vắc xin ngừa COVID-19 của Nga, cho biết loại vắc xin mang tên Sputnik V sẽ được dùng rộng rãi tại Nga vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.

 

Vắcxin Sputnik V của Nga sắp được dùng rộng rãi cuối tháng 10 - Ảnh 1.

Bên trong phân xưởng sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga – Ảnh: TASS

Hãng thông tấn Tass của Nga ngày 12-10 dẫn lời ông Dmitriev cho biết việc sản xuất vắc xin bước đầu sẽ chỉ phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ông này hi vọng loại vắc xin “đột phá của Nga” sẽ được tung ra thị trường thế giới vào tháng 11, cụ thể là các nước Trung Đông.

Vắc xin Sputnik V của Nga thu hút sự chú ý toàn thế giới khi trở thành loại vắc xin đầu tiên được cấp phép dù chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Hiện Nga đang là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với hơn 1,3 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 265.000 ca vẫn còn đang điều trị và hơn 22.700 ca tử vong.

Belarus trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin Sputnik V. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cũng nằm trong số các quốc gia có kế hoạch tiếp nhận và thử nghiệm vắc xin của Nga.

Cuộc đua vắc xin ngừa COVID-19 được nhiều người ví von như cuộc đua giành “chén thánh” bởi các lợi ích chính trị, uy tín và tiền bạc mang lại nếu sở hữu một loại vắc xin hiệu quả, an toàn.

Mỹ, Trung Quốc, Anh hiện là những quốc gia khác Nga đang dẫn đầu cuộc đua với các ứng viên vắc xin tiềm năng được thử nghiệm rộng rãi.

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cùng ngày 12-10 cũng bất ngờ tuyên bố nước này có thể cho ra mắt những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm tới. Trước đó, ông Spahn và Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Anja Karliczek đã vạch ra kế hoạch sử dụng vắc xin cho những nhóm nguy cơ cao đầu năm 2021. Việc sử dụng rộng rãi sẽ được bắt đầu vào giữa năm 2021.

Một trong những nỗi lo của các nước nghèo hoặc ít tiền là không tiếp cận được vắc xin COVID-19 do các nước giàu đã đặt mua hết.

Để giải quyết vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt tay với Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) đề ra sáng kiến COVAX, hướng tới phân phối vắc xin công bằng và giá hợp lý cho các nước.

Hiện COVAX đã có hơn 180 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc, theo cập nhật mới nhất của WHO ngày 12-10.

BẢO DUY
TTO