23/11/2024

Những chiến binh K ‘lạ đời’: Cô gái yêu thương… sẹo

Những chiến binh K ‘lạ đời’: Cô gái yêu thương… sẹo

Khi cầm chẩn đoán bị ung thư, Ngọc không suy sụp mà… thở phào nhẹ nhõm. Với Ngọc, đó là bước ngoặt rất quan trọng, vì tìm ra đúng tên bệnh thì mới hy vọng điều trị được.
Bảo Ngọc lạc quan, tươi vui với cuộc sống mới /// Ảnh: NVCC
Bảo Ngọc lạc quan, tươi vui với cuộc sống mới ẢNH: NVCC
Cầm trên tay kết quả chẩn đoán mình bị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối, cô gái Trần Bảo Ngọc (TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)… thở phào nhẹ nhõm. Cô nhìn nhận: “Chắc mọi người nghĩ tôi điên nặng, bởi chả có ai biết mình bị ung thư giai đoạn cuối mà tỉnh như ruồi”.
Năm 2015 khi 23 tuổi, đang ấp ủ kế hoạch phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực dược tại TP.Sa Đéc, Ngọc phát hiện một cục hạch to, cứng và sẫm màu nổi trên xương đòn phải của mình kèm triệu chứng ho dai dẳng. Nghi ngờ, Ngọc đến bệnh viện mổ sinh thiết, kết quả là bị hạch viêm xơ hóa. Ngọc đến thêm 4 bệnh viện khác xét nghiệm, lên bàn mổ thêm hai lần… Tất cả đều kết luận cô bị lao hạch, phải uống thuốc lao. Cho đến một ngày gần cuối năm 2016, bác sĩ thông báo Ngọc bị ung thư hạch bạch huyết giai đoạn cuối.
Cô gái quê Sa Đéc này chia sẻ, gần hai năm đầy đau thương và gian truân khi phải trải biết bao thủ thuật, xét nghiệm tại 5 bệnh viện lớn ở TP.HCM, nên khi cầm chẩn đoán bị ung thư, Ngọc không suy sụp mà… thở phào nhẹ nhõm. Với Ngọc, đó là bước ngoặt rất quan trọng, vì tìm ra đúng tên bệnh thì mới hy vọng điều trị được.
“Từ việc chẩn đoán không chính xác dẫn đến điều trị sai hướng khiến bệnh tình của tôi trở nên trầm trọng. Tôi bị ung thư nhưng buộc uống thuốc lao, làm phá đi hệ miễn dịch. Khuôn mặt tôi biến dạng hoàn toàn, cơ thể sụt 16 kg trong vòng hai tháng, hạch di căn sang nhiều bộ phận khác. Khối u lan lên mang tai, mọc hai bên nách, có khối u trung thất, tràn dịch màng phổi…”, Ngọc tâm tư.

Trở về từ cõi chết

Sau khi biết tin Ngọc bị ung thư, gia đình đưa Ngọc về quê. Khác với mẹ Ngọc, ba Ngọc nhất quyết không cho con gái tiếp tục điều trị tây y. “Cuộc nội chiến” không chỉ xảy ra giữa ba mẹ Ngọc mà còn giữa những người thân trong dòng tộc, đa số nghiêng về hướng cho cô uống thuốc nam. Ngọc thổ lộ: “Tôi đã trải qua thời gian dài vật vã với tây y, giờ cũng phải nghe lời để thử qua những cách ba mẹ muốn”.
Ở nhà, diễn biến bệnh của Ngọc ngày càng xấu đi. Đến lúc cô bị sốt cao, co giật, mê sảng, gia đình mới hốt hoảng chuyển Ngọc lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Hôm đó, ba mẹ và em gái Ngọc nơm nớp túc trực bên giường bệnh, thậm chí đã phải tính tới chuyện hậu sự cho cô… Nhờ cấp cứu kịp thời, Ngọc hồi tỉnh dần. Giữa các cơn đau tận xương tủy, Ngọc từng nghĩ cái chết là sự giải thoát tốt nhất nhưng thấy ba mẹ và em gái hốc hác chăm sóc cho mình, Ngọc day dứt: “Người thân đã chịu nhiều khổ nhọc vì tôi, trong khi bản thân vẫn chưa làm được gì cho gia đình nên tôi cũng sẽ cố gắng hết sức chứ không bỏ cuộc. Tôi không muốn ba mẹ đầu bạc phải tiễn đứa con đầu xanh”.
Đầu năm 2017, Ngọc bước vào đợt hóa trị thứ nhất. Tóc Ngọc rụng từng nắm. Cô không ăn được, ói liên tục năm ngày liền, mọi sinh hoạt phải nhờ người thân trợ giúp.
Những chiến binh k 'lạ đời': Cô gái yêu thương… sẹo1

Bảo Ngọc và những vết mổ trong thời gian tìm bệnh (ảnh trái) và với kỷ niệm chương chạy bộ gây quỹ thiện nguyện

Tuy nhiên, từ lần hóa trị thứ ba trở đi, Ngọc khiến nhiều người lầm tưởng cô đi thăm nuôi chứ không phải là bệnh nhân ung thư. Ngọc tươi cười giải thích: “Tôi hay nói đùa với mọi người rằng ngoài căn bệnh ung thư, tôi còn có bệnh “hoang tưởng”, lúc nào cũng tưởng mình khỏe, nên lướt qua hết những đau đớn, tác dụng phụ của hóa chất. Nó giúp tôi vững vàng tinh thần và rút ngắn thời gian điều trị”.
Ban đầu, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cho Ngọc với 16 lần hóa trị, nhưng cô được dừng hóa trị ở lần thứ 12. Ngọc không để mình rơi vào thế chữa bệnh thụ động, coi mình là nạn nhân của ung thư. Thay vào đó, cô chú trọng chất lượng cuộc sống và ý thức chính mình là thầy thuốc tốt nhất cho bản thân. Cô tìm hiểu nhiều kiến thức về dinh dưỡng, về ung thư, thường xuyên tập thể dục và xây dựng thói quen lành mạnh. Ngọc từng chủ động dời lịch hóa trị một tuần để đi những nơi cô muốn đến.
Ngày 20.11.2017, Ngọc được xuất viện sau khi bác sĩ xác nhận tế bào ung thư đã được khống chế. Ngọc khoe: “Bác sĩ tiên lượng tôi có thể sống sót thêm 2 năm sau khi kết thúc hóa trị. Đến nay, tôi đã vượt qua mốc đó gần 1 năm và thấy mình khỏe khoắn”.

Yêu thương nhiều hơn với… sẹo

Trên cổ Ngọc còn rõ năm vết sẹo lồi lõm và khá dài (vết tích những lần phẫu thuật). Là con gái, Ngọc từng e ngại với các vết sẹo đó. Nhưng gần đây, cô can đảm tiết lộ về chúng trên Facebook. Ngọc bày tỏ: “Trong cuộc sống, chúng ta thường giấu hoặc không muốn ai nhìn thấy vết sẹo của mình. Ung thư cho tôi cơ hội chiêm nghiệm những gì đã trải qua và nhìn thấu được mình. Giờ đây, tôi tự hào về những vết sẹo trên cổ và chúng luôn nhắc tôi việc quan trọng phải làm: Yêu thương nhiều hơn và đừng bao giờ tuyệt vọng khi lỡ không may mang trong mình những vết sẹo cuộc đời”.
Ngọc nhận ra có rất nhiều bạn trẻ cũng như mình ngày trước, đó là quá chủ quan rằng mình trẻ sẽ không bị rủi ro gì về sức khỏe và có lối sống kém lành mạnh, ăn uống vô tội vạ, lười vận động… Cô gái này bộc bạch: “Hồi xưa tôi luôn muốn mọi người phải mang lại cho mình cái này cái kia, còn mình thì không quan tâm đến ai. Tôi có rất nhiều suy nghĩ thừa thãi, vừa hối tiếc quá khứ, vừa lo lắng tương lai. Nó làm mình mất năng lượng hiện tại, công việc không trôi chảy và mình không có thời gian cho bản thân và gia đình”. Sau biến cố bệnh tật, Ngọc xem ung thư là cột mốc đáng quý, mở ra cho cô cuộc sống hạnh phúc hơn, sinh hoạt điều độ và lành mạnh. Bây giờ với Ngọc, chỉ cần ngủ dậy thấy mình còn sống, còn hít thở, được đi bộ với mẹ, đạp xe với ba cũng đủ khiến Ngọc vui sướng, biết ơn cuộc đời.
“Nếu bạn biết vì sao mình chết, nghĩa là bạn sẽ học được cách thực sự sống như thế nào”. Ngọc tâm đắc nhất câu này trong cuốn sách Sống lần thứ 2 của chị Nguyễn Thủy Tiên (Đồng sáng lập và điều hành Mạng lưới ung thư vú Việt Nam).
(còn tiếp)

Không chùn bước trước bệnh tật

Hai năm nay, cô gái đa năng Trần Bảo Ngọc tích cực tuyên truyền sức khỏe cho cộng đồng, trò chuyện chia sẻ cùng bệnh nhân ung thư. Cạnh đó, cô tham gia nhiều giải chạy bộ – đi bộ thiện nguyện (có giải Ngọc chạy 10 km), với tâm niệm: “Dù chạy nhanh hay chậm, hãy cứ kiên trì. Bởi chúng ta chạy không phải là để chiến thắng ai mà là để chiến thắng chính mình! Và cũng không quên cảm ơn bản thân vì mình luôn không chùn bước trước những trở lực bệnh tật”.
Ngọc cho biết cô không ngừng nỗ lực hết mình để cống hiến. Hiện Ngọc cố gắng học hỏi thêm về tài chính, dinh dưỡng, thiền…, để làm sao từng ngày còn trên đời là có thể giúp ít nhất một người thay đổi chất lượng sống (như cách nghĩ, thói quen tốt hơn cho sức khỏe, quản trị khủng hoảng tinh thần). Cô mong muốn trở thành một doanh nhân và là người truyền cảm hứng, giúp đỡ người khác bằng trải nghiệm và nỗi đau mình đã xuyên qua.
NHƯ LỊCH
TNO