24/11/2024

Hội nghị toàn thể của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học với chủ đề “Khoa học và sự sống còn”

Hội nghị toàn thể của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học với chủ đề “Khoa học và sự sống còn”

Trong 3 ngày từ 7 đến 9 tháng 10, tại Vatican, Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học tổ chức Hội nghị toàn thể trực tuyến về chủ đề “Khoa học và sự sống còn”, dựa trên ý tưởng vai trò của khoa học là nền tảng cho sự sống còn của nhân loại sau khủng hoảng Covid-19. Hội nghị cũng đề cập đến mối liên hệ giữa sức khoẻ, những rủi ro trên quy mô lớn đối với con người và sức khoẻ hành tinh, cũng như những cơ hội mà khoa học mang lại cho nhân loại để đối phó và giải quyết những rủi ro này.

Trong năm nay, thế giới học được nhiều điều từ đại dịch và các nhà khoa học cũng nhận thấy trách nhiệm của họ trong việc chia sẻ những khám phá. Dưới đây là những nhận xét chính về khoa học rút ra từ những tuyên bố của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học, tạo nền tảng cho phiên họp toàn thể vừa diễn ra trong những ngày qua.Tăng cường những hành động kịp thời và nhanh chóng đáp ứng

Đối với Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học, cần phải quan tâm đến việc tăng cường những hành động kịp thời và nhanh chóng đáp ứng.

Trước hết, hệ thống y tế quốc gia phải được tăng cường. Khủng hoảng Covid-19 đang tỏ cho thấy cần phải cảnh báo sớm và ứng phó kịp thời, dự đoán những điểm chuyển, trong khi ứng phó khủng hoảng toàn cầu là điều quan trọng. Do đó, Hội nghị khuyến nghị các quốc gia phải áp dụng ngay lập tức các biện pháp y tế để ngăn chặn sự lây nhiễm, nhận ra sự cần thiết xét nghiệm trên quy mô lớn và cách ly những người có kết quả dương tính với Covid-19, cùng với những người tiếp xúc với những người này.

Kế đến, chính phủ, các cơ quan nhà nước, cộng đồng khoa học và các phương tiện truyền thông phải đảm bảo một truyền thông có trách nhiệm, minh bạch và kịp thời nhằm cung cấp những đáp ứng thích hợp. Các tổ chức quốc tế như WHO và UNICEF, cũng như các hàn lâm viện khoa học phải được hỗ trợ để giữa sự hỗn loạn của tin tức, không có căn cứ thì các thông tin khoa học do họ cung cấp đến được với mọi người.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghĩa là nâng cao khả năng phát hiện, ứng phó và cuối cùng là ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu các thảm họa như đại dịch. Ở cấp quốc gia và xuyên quốc gia, khoa học cần nhiều kinh phí hơn, để các nhà khoa học có phương tiện xác định các loại thuốc và vắc xin phù hợp. Khi có thể, các công ty dược phẩm có trách nhiệm cơ bản sản xuất các loại thuốc đó trên quy mô lớn.

Theo Hàn lâm viện Toà Thánh, trong việc cung cấp các công cụ để phòng ngừa và điều trị, các nhà khoa học ở các quốc gia đã có tầm nhìn toàn cầu. Thái độ này cần được hỗ trợ thêm. Các hiệp hội chuyên nghiệp và học viện khoa học phải xem xét liệu họ có thể hữu ích hơn bằng cách hợp tác với các cơ quan quốc tế như WHO.

Thêm vào đó, một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng liên quan đến sự hiểu biết về nguyên nhân gốc rễ và cách phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm từ động vật, tức là những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người. Trên thực tế, có thể cần phải thiết kế lại các hệ thống sản xuất động vật liên quan đến thực phẩm, để giảm nguy cơ nhiễm bệnh từ động vật. Chúng ta cũng phải nghiên cứu tâm lý hành vi con người trong các tình huống căng thẳng tập thể, để thiết lập các chiến lược quản trị phù hợp trong các cuộc khủng hoảng.

Tăng cường tình liên đới và lòng nhân ái

Bên cạnh những dấn thân về khoa học và quản trị, một điểm khác được các tham dự viên nhấn mạnh đó là tăng cường tình liên đới và lòng nhân ái:

Các vấn đề toàn cầu như đại dịch, hoặc các cuộc khủng hoảng khác ít nhìn thấy hơn như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, đòi hỏi các phản ứng hợp tác toàn cầu, mang tính tương quan giữa hoạt động của con người, sinh thái thế giới và kế sinh nhai. Khi Covid-19 được kiểm soát, chúng ta không thể trở lại sự bình thường trước đây. Để đối phó với những thách đố của Thế nhân sinh (Anthropocene), cần phải tiến hành đánh giá kỹ càng về những quan niệm và lối sống, cùng với những đánh giá kinh tế ngắn hạn. Để tồn tại, cần phải hướng tới mục tiêu tạo ra một xã hội có trách nhiệm, hoà nhập, công bằng và quan tâm hơn.

Các tham dự viên nhắc lại rằng, các cuộc khủng hoảng thế giới đòi hỏi hành động tập thể. Việc phòng ngừa và ngăn chặn đại dịch là một công ích toàn cầu, việc bảo vệ nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và thích ứng hơn. Vào thời điểm mà chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ đang suy tàn, cuộc khủng hoảng COVID-19 phải khuyến khích một mô hình toàn cầu hoá mới, nhằm bảo vệ tất cả mọi người.

Sự ích kỷ và tính thiển cận của các phản ứng quốc gia không phối hợp đã gây nên những lo ngại. Đã đến lúc chúng ta thấy được rằng “Gia đình các Quốc gia” hay “Gia đình các Dân tộc” là những cộng đoàn của các giá trị có nguồn gốc chung và cùng chung một vận mệnh.

Ở mỗi quốc gia, hành động chính trị trên diện rộng trong lĩnh vực y tế công cộng là điều cần để bảo vệ những người nghèo và người dễ bị tổn thương khỏi virus. Đại dịch dạy cho chúng ta một bài học: nếu thiếu liên đới, tự do và bình đẳng thì tất cả chỉ là những lời nói trống rỗng

Đưa khoa học vào phục vụ Giáo hội và xã hội

Theo những tư tưởng trên của Hội nghị, Giáo sư David Baulcombe, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm thành viên của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học hôm 26/9/2020, đã có những nhận định về việc đưa khoa học vào phục vụ Giáo hội và xã hội. Ông chỉ ra rằng, có nhiều cách mà Hàn lâm viện Toà Thánh có thể giúp đảm bảo khoa học được sử dụng tốt nhất cho lợi ích con người.

Ví dụ, với đại dịch Covid-19 đang diễn ra, ông nói rằng Hàn lâm viện có thể giúp các nhà lãnh đạo xã hội, bao gồm cả Giáo hội, tạo ra các khuôn khổ giúp xác định và đối phó với “những gì chúng ta biết và những gì chúng ta chưa biết” trong các hệ thống phức tạp như xã hội của chúng ta.

Giáo sư Baulcombe cũng lưu ý, trong xã hội còn có những nhu cầu khác chưa được khoa học giải quyết. Ông giải thích nguyên nhân dẫn đến điều này là do khoa học thường nghiên cứu những gì có lợi trước mắt và đem lại lợi nhuận. Ông hy vọng Hàn lâm viện Toà Thánh sẽ sử dụng “tầm ảnh hưởng và tiếng nói của mình” giúp giải quyết những vấn đề này.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Về phần mình, Đức Thánh Cha hiểu được tầm quan trọng của Hội nghị toàn thể của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học, trong lúc Hội nghị đang diễn ra, ngài đã gửi cho Hội nghị một sứ điệp.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng đại dịch cho thấy sự an toàn giả tạo của chúng ta, và việc các nước thiếu khả năng cùng nhau làm việc. Mặc dù có nhiều sự liên lạc, qua những nối kết ở cấp cao giữa các nước, nhưng chúng ta cũng thấy tình trạng phân hóa và gây khó khăn cho việc giải quyết các vấn đề liên hệ tới tất cả mọi người. Do đó, việc Hàn lâm viện đưa các chuyên gia, thuộc nhiều ngành khoa học họp lại với nhau là điều hết sức ý nghĩa. Đây là một thí dụ chứng tỏ những thách đố do cuộc khủng hoảng Covid-19, phải được ứng phó qua những nỗ lực có phối hợp để phục vụ toàn thể gia đình nhân loại.

Nội dung khóa họp này chủ yếu tập trung vào việc nghiên cứu những con đường mới về miễn dịch và miễn dịch hoá học, để kích hoạt cơ chế tự vệ của cơ thể hoặc ngăn chặn sự lây lan các tế bào bị nhiễm bệnh. Nhờ đó, có thể tìm phương thế loại trừ thứ virus đang gây ảnh hưởng tai hại cho con người về nhiều phương diện.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Không một ai trong chúng ta có thể không quan tâm đến ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hiện nay đối với những người nghèo trên thế giới. Đối với nhiều người trong số họ, đây là vấn đề sống còn. Cùng với sự đóng góp của các khoa học, những nhu cầu của các phần tử yếu nhất trong gia đình nhân loại, đang yêu cầu có những giải pháp công bằng từ phía các chính phủ và những người có quyền quyết định. Ví dụ, hệ thống chăm sóc sức khỏe phải bao gồm mọi người, đặc biệt đối với những người yếu thế và những người sống ở các nước có thu nhập thấp. Nếu có ai phải được ưu tiên hơn, thì đó chính là những người túng thiếu và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Cũng vậy, khi có vắc-xin thì mọi người phải được chích ngừa, bất luận mức thu nhập của họ, bắt đầu từ những người rốt cùng.”

Các vấn đề toàn cầu mà chúng ta đang phải giải quyết đòi hỏi những phản ứng hợp tác và đa phương. Các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, WHO, FAO và các tổ chức khác được thành lập để thúc đẩy hợp tác và điều phối toàn cầu, phải được tôn trọng và hỗ trợ để các tổ chức này có thể đạt được mục tiêu vì công ích toàn cầu.

Sự bùng nổ của đại dịch diễn ra trong bối cảnh rộng hơn, đó là sự nóng lên toàn cầu, cuộc khủng hoảng sinh thái và thảm trạng mất đa dạng sinh học, kêu gọi gia đình nhân loại xem xét lại đường lối của mình, sám hối và bắt đầu một hành trình hoán cải sinh thái. Một sự hoán cải kín múc từ tất cả tài năng Chúa ban, nhằm thúc đẩy một “sinh thái nhân văn” xứng với nhân phẩm và số phận chung của chúng ta.

Cuối cùng, Đức Thánh cha không quên lưu ý đến các vấn đề có thể xuất phát từ những phòng thí nghiệm tân tiến nhất về khoa vật lý và sinh học. Trong viễn tượng này, Đức Thánh Cha nói đến trách nhiệm rất lớn đối với các nhà khoa học, không kém gì với các chính trị gia, trước trách nhiệm đạo đức trong nỗ lực không những ngăn chặn việc sáng chế, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân, mà còn các loại vũ khí sinh học, tiềm ẩn khả năng tàn sát các thường dân vô tội và toàn thể con người.

Ngọc Yến