5 nguyên nhân chính khiến bạn bị sỏi thận, chớ coi thường!
5 nguyên nhân chính khiến bạn bị sỏi thận, chớ coi thường!
Biết nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của sỏi thận có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát chúng.
Sỏi thận hình thành khi một số khoáng chất và muối trong nước tiểu kết lại với nhau thành các tinh thể. Khi kết tụ càng nhiều, các tinh thể trở nên lớn lên và biến thành sỏi.
Nếu nước tiểu đậm đặc, các khoáng chất và muối này có nhiều khả năng kết tụ lại với nhau.
Sau đây là 5 nguyên nhân chính gây ra sỏi thận, theo Insider.
1. Di truyền
Khoảng 40% người bị sỏi thận có tiền sử gia đình bị sỏi thận.
Nếu trong gia đình bạn có người bị sỏi thận, bạn cũng có nhiều nguy cơ bị sỏi thận. Nếu bạn từng bị sỏi thận, bạn sẽ có nhiều nguy cơ hình thành sỏi khác.
2. Không uống đủ nước mỗi ngày
Không uống đủ nước mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Những người sống ở vùng khí hậu khô, ấm và những người đổ mồ hôi nhiều có thể có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn những người khác.
Khoảng 38% người bị sỏi thận sống ở vùng có nhiệt độ và ánh nắng mặt trời cao hơn.
|
3. Chế độ ăn nhiều muối, đường và giàu đạm
Ăn một chế độ ăn giàu đạm, nhiều muối và đường có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Quá nhiều muối trong chế độ ăn sẽ làm tăng lượng canxi mà thận phải lọc và làm tăng đáng kể nguy cơ bị sỏi thận.
Theo tiến sĩ Johann Ingimarsson, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu tại Trung tâm Y tế Maine (Mỹ), có đến 3/4 số người bị sỏi thận có thể kiểm soát bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, theo Insider.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem chế độ ăn uống nào là tốt nhất cho bạn.
4. Một số bệnh dẫn đến sỏi thận
Một số bệnh cũng có thể dẫn đến nguy cơ phát triển sỏi thận, bao gồm:
Bệnh tiểu đường
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về tiết niệu của châu Âu – European Urology, người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ bị sỏi thận cao gấp 2 – 3 lần.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có mức đường huyết trung bình A1C cao hơn 6,5%, có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn đến 92%. Những người mắc bệnh tiểu đường có nồng độ oxalat trong nước tiểu cao hơn, sẽ thúc đẩy hình thành sỏi thận dạng oxalat canxi.
Béo phì
Chỉ số khối cơ thể cao, vòng eo lớn và tăng cân đều làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Theo một đánh giá năm 2020, phụ nữ có chỉ số BMI cao có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận tăng 1,3 lần so với phụ nữ có chỉ số BMI khỏe mạnh.
Bệnh viêm ruột và phẫu thuật
Phẫu thuật dạ dày, bệnh viêm ruột hoặc tiêu chảy mạn tính có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi và nước, làm tăng lượng chất tạo sỏi trong nước tiểu, theo Mayo Clinic.
Nghiên cứu cho thấy, khoảng 12 – 28% bệnh nhân viêm ruột có tỷ lệ mắc sỏi thận cao hơn mức bình quân.
Bệnh nhân viêm ruột có nhiều khả năng có nước tiểu có tính a xít, thúc đẩy hình thành sỏi thận dạng a xít uric.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
5. Một số loại thuốc
Một số chất bổ sung và thuốc, như vitamin C, thực phẩm chức năng, thuốc nhuận tràng – khi sử dụng quá mức, và thuốc kháng a xít, thuốc trị đau nửa đầu hoặc trầm cảm, có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, theo Mayo Clinic.
Các triệu chứng của sỏi thận
Sỏi thận thường sẽ không gây ra triệu chứng cho đến khi nó bị mắc kẹt trong niệu quản, chặn dòng chảy của nước tiểu và làm cho thận sưng lên và niệu quản co thắt, có thể rất đau, theo Mayo Clinic.
Lúc đó sẽ có các triệu chứng sau:
• Đau dữ dội, đau nhói ở bên hông và lưng, dưới xương sườn, đau lan xuống bụng dưới và bẹn, đau từng cơn.
• Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
• Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu
• Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
• Lúc nào cũng muốn đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn nhưng số lượng ít hơn
• Buồn nôn và ói mửa
• Sốt và ớn lạnh nếu bị nhiễm trùng
Đi cấp cứu ngay lập tức, nếu:
• Đau đến mức không thể chịu được
• Đau kèm theo buồn nôn và nôn
• Đau kèm theo sốt và ớn lạnh
• Có máu trong nước tiểu, theo Mayo Clinic.
THIÊN LAN
TNO