25/12/2024

‘Sống lại’ lịch sử qua nghệ thuật đương đại

‘Sống lại’ lịch sử qua nghệ thuật đương đại

Những câu chuyện, giá trị của lịch sử, di sản, truyền thống đang được nhiều nghệ sĩ sử dụng như chất liệu trong những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Lịch sử – theo cách nào đó – được làm “sống lại”.
Phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) /// Ảnh: Ngọc Thắng
Phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội) ẢNH: NGỌC THẮNG

Sáng tạo từ chất liệu của lịch sử

Dự án Radio Giải phóng có sự tham gia của nghệ sĩ âm thanh Sound Awakener – Nhung Nguyễn (Việt Nam); nhà văn, nhà báo, phát thanh viên Matthew Sweet (Anh) và nghệ sĩ video Esther Johnson (Anh), nằm trong dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh được xây dựng ý tưởng từ cách đây 2 năm, dự kiến hoàn thành trong thời gian tới. Một buổi trò chuyện về dự án cùng những thành viên được kết nối trực tuyến vừa được diễn ra.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhìn nhận, những dự án nghệ thuật đương đại sử dụng chất liệu từ lịch sử, di sản cũng là một cách lồng ghép những câu chuyện, bài học về giá trị lịch sử, văn hóa trong đó. “Khi công chúng tiếp cận một cách hứng thú, tự nhiên, không phải thụ động, họ sẽ dễ dàng tiếp nhận, chứ không phải cảm thấy bị giáo điều”, anh bày tỏ.

Có thể hình dung, Radio Giải phóng kết hợp giữa phim tài liệu, những đoạn phỏng vấn, cùng âm nhạc. Một trong những chất liệu được sử dụng trong dự án này là tư liệu của Đài phát thanh Giải phóng. Được thành lập năm 1962, trong suốt thời kỳ kháng chiến, Đài phát thanh Giải phóng đã tiếp sóng tiếng nói từ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án cũng tiếp cận những thước phim tài liệu, lưu trữ về chiến lược của Richard Nixon trong chiến tranh tại Việt Nam. Đặc biệt, những người thực hiện tìm đến những người đã từ chối chiến đấu cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam, cùng với đó là những tiếng nói phản chiến, những người chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến…

Một dự án khác – Từ truyền thống đến truyền thống đang được diễn ra, trong đó những tác phẩm của các sinh viên mỹ thuật sử dụng chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam là sơn mài và lụa “tương tác” với dòng tranh truyền thống Hàng Trống đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Một cuộc trưng bày đang diễn ra tại đình Nam Hương (Hà Nội), nơi được coi là biểu tượng của dòng chảy lịch sử, truyền thống với dòng tranh Hàng Trống.
Cùng với dự án này, đầu năm nay, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân, đã kể những câu chuyện của ký ức, lịch sử về Thăng Long – Kẻ Chợ; hay trước đó là dự án Nghệ thuật công cộng Phùng Hưng (phố bích họa Phùng Hưng) “ghi lại” ký ức về Hà Nội xưa qua các loại hình: nhiếp ảnh, vẽ 3D, điêu khắc… Trong dự án Bảo tàng nghệ thuật đương đại dưới hầm tòa nhà Quốc hội, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cùng những nghệ sĩ tham gia đã tạo nên các tác phẩm từ sơn mài, sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, sắp đặt ảnh phù điêu… giống như cuộc đối thoại với những di sản văn hóa nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử Việt Nam.
“Xu hướng tiếp cận lịch sử, di sản, lấy đó làm chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật đương đại khá phổ biến ở những đất nước có nền văn hóa lớn, hay có trầm tích di sản, văn hóa, lịch sử lâu đời như một cách chất vấn lịch sử, những giá trị của truyền thống, di sản ở trong đời sống đương đại, bản chất của văn hóa trong từng cộng đồng. Chính việc chất vấn này là để văn hóa, lịch sử đi được xa”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhìn nhận. Anh cho biết, nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại dùng tư duy của tạo hình, sử dụng chất liệu hiện đại để xây dựng tác phẩm trên “nguyên liệu” là tư liệu lịch sử, di sản. “Người nghệ sĩ phải tìm hiểu kỹ để “trộn” những nguyên liệu đó cho ăn nhập với chất liệu mới, hay những phương tiện mới mà không bị chênh, kênh”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
'Sống lại' lịch sử qua nghệ thuật đương đại - ảnh 1

Hình ảnh trong dự án Radio Giải phóng ẢNH: TƯ LIỆU

Những bài học ngoài trường học

Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân sử dụng yếu tố lịch sử như một nguyên liệu, đồng thời hướng đến việc để cộng đồng tiếp nhận yếu tố này qua nghệ thuật đương đại. Nguyễn Thế Sơn đã dành nhiều thời gian cùng với nhóm cố vấn “bóc tách” các lớp lang lịch sử và cả nơi chốn mà theo anh hàm chứa lịch sử, ký ức, di sản, cuộc sống, nếp nghĩ… của con người. “Những tác phẩm mang tính cộng đồng phải đáp ứng nhiều tiêu chí, không đơn thuần chỉ là thể hiện tính cá nhân của nghệ sĩ mà phải tổng hòa các vấn đề của xã hội, lịch sử, cảnh quan, nơi chốn… Cái khó nhất là sự hài hòa giữa cá tính, không mất đi nhân diện của nghệ sĩ mà vẫn đáp ứng được những yêu cầu của dự án nghệ thuật công cộng”, anh nói.
Theo ông Gary Thomas, quản lý chương trình tại Hội đồng Anh, dự án Radio Giải phóng hướng đến việc để công chúng thêm trân trọng lịch sử, coi đó như di sản cần quảng bá. Nhà văn Matthew Sweet cho rằng: “Không phải ai cũng có thể tìm hiểu lịch sử cùng lúc qua phim tài liệu, sách, báo, âm thanh. Bởi vậy, điều mà chúng tôi muốn làm là tập hợp những phương tiện đó và trải nghiệm những chất liệu khiến mọi người có thể hứng thú. Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ để lại một dấu ấn. Có thể có lúc ai đó không muốn nói quá nhiều về chiến tranh khi đang nhìn về tương lai, nhưng tôi nghĩ đến một thời điểm nào đó các thế hệ đều muốn tìm về lịch sử”.
Thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn cho hay bản thân chị đã có cơ hội hiểu biết thêm về Đài phát thanh Giải phóng khi thực hiện dự án. “Một trong những mục tiêu của chúng tôi là khiến người trẻ có được nhiều góc nhìn về lịch sử qua sự kiện này, trong đó có những góc nhìn họ chưa được dạy trong trường học. Chúng tôi muốn biết được phản ứng của họ là gì và rồi chúng tôi sẽ đưa những chia sẻ này vào trong chính dự án”, nghệ sĩ Nhung Nguyễn nói.
NGỌC AN
TNO